Tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp dự thảo Luật Sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng nay 20/2, luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật BASICO) đánh giá việc sửa đổi lần này không phải là đổi mới mà chủ yếu là sửa sai.
Ông dẫn chứng về điểm b, khoản 1, Điều 1 của Dự thảo Luật bổ sung giải thích "Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi" là lấy lại nguyên văn quy định tại khoản 2, Điều 4 về "Giải thích từ ngữ" tại Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã bị bỏ đi trong Luật năm 2014.
Vị luật sư cũng cho rằng việc sửa đổi còn luẩn quẩn, không rõ mục tiêu, sẽ dẫn đến nguy cơ còn phải sửa đổi nhiều nữa. Ví dụ, doanh nghiệp nhà nước từ chỗ là 100% vốn nhà nước, sang trên 50% theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, rồi đổi 100% theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 và giờ lại định quay về trên 50% (khoản 2, Điều 2 Dự thảo Luật).
Do đó, ông Đức mạnh dạn kiến nghị phải bắt tay vào chuẩn bị sửa đổi lớn, viết lại Luật Doanh nghiệp, thay đổi một cách căn bản về quan điểm.
Đối với Luật Đầu tư, luật sư Trương Thanh Đức nhìn nhận cốt lõi của luật này là danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh, gắn với kinh doanh. "Trong khi đó, ngành nghề kinh doanh vốn được quy định trong các Luật Doanh nghiệp trước đây"- ông Đức nhấn mạnh.
Cũng từ phân tích này, luật sư Đức kiến nghị bỏ Luật Đầu tư, đồng thời chuyển mục ngành, nghề cấm và đầu tư kinh doanh có điều kiện quay lại Luật Doanh nghiệp.
"Đương nhiên, mọi hoạt động đầu tư đều phải thực hiện các luật liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy chữa cháy... Đầu tư của doanh nghiệp là quyền tự chủ của doanh nghiệp, còn đầu tư của Nhà nước thì phải theo Luật Đầu tư công. Do vậy, chuyển những nội dung cần thiết về đầu tư sang Luật Doanh nghiệp, có thể thêm một chương về đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài"- vị luật sư đề xuất.
Tại hội thảo, luật sư Trương Thanh Đức cũng đưa ra các đề xuất, quan điểm rõ ràng về hộ kinh doanh. Theo ông, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh là một tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp, thường xuyên, bản chất chính là doanh nghiệp và phải được xem là doanh ngiệp tư nhân.
Dưới một góc nhìn khác, ông Đức cho rằng duy trì hộ kinh doanh bên cạnh các loại hình doanh nghiệp là một sự bất bình đẳng, một sự mập mờ về pháp lý. Do đó, ông kiến nghị cần loại bỏ hộ kinh doanh để chuyển chuyển thành doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty. Đồng thời, quy định một giai đoạn chuyển tiếp và chế độ quản lý, tài chính, kế toán đơn giản, phù hợp với thực tế.
Về vấn đề này, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết nước ta có đến gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Các hộ kinh doanh cá thể có đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. "Dù chiếm đến hơn 30% GDP nhưng khung khổ chính sách áp dụng đối với chủ thể kinh doanh này hiện còn rất thiếu, có sự chưa bình đẳng so với các doanh nghiệp hoạt động chính thức"- ông Lộc cho hay.
Cũng theo ông Lộc, nhiều chính sách hiện tại khiến cho các hộ kinh doanh cá thể ngần ngại chuyển đổi lên thành doanh nghiệp, mặc dù Luật đã có những quy định về việc chuyển đổi này. Liên quan đến chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể có nhiều văn bản khác (về thuế, kế toán, đất đai, lao động…) nhưng với tư cách là đạo luật gốc về doanh nghiệp, Luật doanh nghiệp cần tính đến giải pháp thúc đẩy sự chuyển đổi của hộ kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp chính thức, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và công bằng, tăng cường chất lượng quản trị để dần hình thành một thế hệ doanh nghiệp tư nhân đủ lớn, đủ mạnh.
"Bản chất hộ kinh doanh là doanh nghiệp, trong các nền kinh tế thì không ai bỏ khu vực này ra khỏi luật. Các hộ kinh doanh là doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ nhưng không được coi là doanh nghiệp thì đó chính là điểm nghẽn lớn của pháp luật Việt Nam"- ông Vũ Tiến Lộc thẳng thắn chỉ ra.
Bình luận