• Zalo

Kiến bâu đầy bỉm, bé 2 tháng mắc tiểu đường

Sức khỏeThứ Sáu, 01/03/2013 11:28:00 +07:00 Google News

(VTC News) – Cháu Đào P. U, mới 2 tháng tuổi đã mắc bệnh tiểu đường rất hiếm gặp ở trẻ sơ sinh.

(VTC News) – Cháu Đào P. U, mới 2 tháng tuổi đã mắc bệnh tiểu đường rất hiếm gặp ở trẻ sơ sinh.

Kiến bu bỉm: Con bị tiểu đường

Cháu Đào P. U (sinh ngày 23/11/2012 tại Hải Phòng) đang nằm điều trị tại khoa Nội tiết – chuyển hóa – di truyền, bệnh viện Nhi TW.

Nhìn bé U. rất xinh xắn dễ thương, không ai có thể ngờ bé mắc căn bệnh hiếm gặp ở trẻ sơ sinh: Bệnh tiểu đường. Khi mới sinh, dù đủ ngày, đủ tháng nhưng U chỉ nặng 2,5 kg, da vàng. Cháu được đưa đi chiếu đèn thì da sáng trở lại. Về nhà, gia đình không hề mảy may trong U. đang tiềm tàng một căn bệnh. Một tháng sau, U. bú rất nhiều, liên tục đòi ăn.  U. tiểu nhiều, đẫm bỉm và phải thay liên tục.

Bác sĩ Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết  - chuyển hóa – Di truyền, bệnh viện Nhi TW  đang khám cho cháu U.
Bà ngoại cháu kể: U. rất ngoan, ăn ngủ đủ, ngoài việc bú mẹ liên tục, cháu  còn ăn thêm ngày 5 bữa sữa. Lúc đầu cho cháu ăn mỗi bữa 60 ml, sau nâng lên 90ml/lần, cháu vẫn uống hết. Mỗi đêm, mẹ cháu phải thay tới 4 lần bỉm.

Chỉ đến Tết vừa rồi, sau khi đi chơi về  cháu bị sốt, ho, khó thở bố mẹ cho đi cấp cứu ở Hải Phòng. Ở đây, bác sĩ nghi cháu bị viêm màng não mủ vì U có biểu hiện li bì, lơ mơ. Cháu được chuyển lên viện Nhi TW. Khi xét nghiệm máu, các bác sĩ phát hiện cháu bị đái tháo đường. Hiện, mỗi ngày cháu được truyền insulin 2 lần.

Sau khi phát hiện U bị tiểu đường, bác sĩ cho cả bố và mẹ đi thử máu để tìm hiểu nguyên nhân bệnh của con.

Theo bác sĩ Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết  - chuyển hóa – Di truyền, bệnh viện Nhi TW: U. là trường hợp hiếm gặp với tỉ lệ trên 500 ngàn trẻ mới có 1 trẻ mắc phải. Có thể do di truyền từ bố mẹ nhưng cũng có thể ở thế hệ cháu mới xuất hiện.

Thường những trẻ bị tiểu đường sơ sinh khi còn trong bụng mẹ sẽ chậm phát triển, khi sinh, dù đủ ngày tháng nhưng có cân nặng thấp.

Nếu không điều trị sớm, các cháu sẽ tử vong do biến chứng cấp. Điều trị hầu như không khỏi hoàn toàn nhưng sẽ giúp sức khỏe ổn định, không bị biến chứng do tiểu đường. Giai đoạn đầu, trẻ được điều trị bằng insulin. Sau khi theo dõi, có kết quả xét nghiệm gen, sẽ có hướng điều trị tiếp theo như cho uống thuốc…

Trước đó, tại  khoa Thận - Nội tiết Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận và điều trị một ca bệnh hi hữu: Cháu N.T.D, mới 24 ngày tuổi ở tỉnh Bình Thuận đã mắc bệnh tiểu đường.

Trước đó, vào ngày 31/3, bé D. nhập viện vì sốt, ho khan và khò khè. Tìm hiểu tiền sử của người mẹ được biết, bé D. sinh ra từ một người mẹ bình thường, khỏe mạnh. D. sinh đủ tháng nhưng chỉ nặng 1,9 kg, da khô, nhăn nheo.

Khi nhập viện, em được chẩn đoán là nhiễm trùng sơ sinh và nhẹ cân so với tuổi thai. Tuy nhiên, sau đó kết quả xét nghiệm và diễn tiến bệnh trong những ngày tiếp theo cho thấy, em không bị nhiễm trùng máu hay viêm màng não mà bị bệnh tiểu đường.

Chăm sóc trẻ sơ sinh bị tiểu đường

Về chế độ ăn uống, bác sĩ Dũng cho biết cần đảm bảo chế độ ăn đầy đủ cho cháu để bé phát triển bình thường. Giữa 2 bữa ăn không để quá 3 giờ. Cháu vẫn có thể uống sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh. Đến khi cháu ăn dặm, bác sĩ có tư vấn cụ thể cho chế độ ăn của cháu.

Còn trước mắt, cháu được điều trị và truyền Insulin thật chậm qua đường tĩnh mạch và theo dõi thật sát đường huyết nên đường huyết.  Việc này giúp kiểm soát đường huyết của cháu. Còn điều trị bệnh phải lâu dài và cần có sự hợp tác của gia đình trong việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

Bệnh đái đường (hay tiểu đường) là một bệnh mạn tính, do rối loạn chuyển hoá hydrat cacbon vì thiếu insulin ở các mức độ khác nhau, do đó gây tăng đường huyết và nếu vượt quá ngưỡng thì có đường niệu (nước tiểu có đường).

Insulin là hormon do tụy tiết ra, khi dòng máu mang glucose đến các cơ quan, insulin sẽ giúp glucose đi vào trong tế bào và giúp tế bào sử dụng glucose để sinh ra năng lượng cho hoạt động của các tế bào. Khi thiếu insulin, cơ thể sẽ không sử dụng được glucose, hậu quả là glucose trong máu sẽ tăng cao và xuất hiện trong nước tiểu.

Đái tháo đường tuýp 1: Cơ thể ngừng sản xuất insuline hoặc lượng insulin được sản xuất quá ít không đủ để điều hòa lượng glucose có trong máu. Thường gặp ở trẻ em hoặc thiếu niên. Còn được biết đến với cái tên "Đái tháo đường tuổi vị thành niên" hoặc "Đái tháo đường phụ thuộc insulin".

Những bệnh nhân bị đái tháo đường type 1 cần phải được điều trị bằng insulin mỗi ngày để duy trì cuộc sống.

Đái tháo đường tuýp 2: là một chứng bệnh mạn tính phát triển khi tuyến tụy không sản xuất đủ isulin hoặc khi các mô trong cơ thể không thể sử dụng insulin một cách bình thường.

Tiểu đường tuýp 2 thường gặp ở người trên 40 tuổi. Người bị bệnh tiểu đường thường dễ bị một số bệnh đi kèm như tăng huyết áp, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đục thuỷ tinh thể... và thường có tuổi thọ ngắn hơn những người khác.

Bài,ảnh: Nguyễn Tâm

Bình luận
vtcnews.vn