(VTC News) – Kiếm hơn 1 tỷ USD chỉ trong 5 ngày, Vietcombank dễ dàng vượt qua hàng loạt đại gia sừng sỏ nhất trên thị trường chứng khoán Việt.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cuối tháng 6, đầu tháng 7 là khoảng thời gian của cổ phiếu ngân hàng. Nhiều mã như VCB, BID, ACB tăng khá mạnh. Trong đó, VCB của ngân hàng Vietcombank vượt qua tất cả để trở thành cổ phiếu tăng mạnh nhất thị trường.
2/7 là ngày cổ phiếu ngân hàng “dậy sóng” khi VCB và BID đua nhau tăng trần. Tính chung cả 5 phiên, cổ phiếu VCB tăng 9.800 đồng/CP, tương ứng 21,92% lên 54.500 đồng/CP. VCB đang là cổ phiếu ngân hàng có thị giá và vốn hóa lớn nhất thị trường.
Nhờ đà tăng mạnh mẽ của cổ phiếu VCB tuần này, vốn hóa thị trường của Vietcombank có bước tiến dài khi tăng 26.117,12 tỷ đồng (tương đương 1,2 tỷ USD) lên 145.243,6 tỷ đồng.
Trong ngày 2/7, BID của ngân hàng BIDV thậm chí còn tăng trần trước và “nóng” hơn VCB khá nhiều. Nhưng do trước đó, BID giảm nhẹ 2 phiên nên tính chung cả tuần, BID có bước tiến chậm hơn VCB một chút.
Cụ thể, sau 1 tuần giao dịch, BID tăng 3.100 đồng/CP, tương ứng 14,41% và đóng cửa ở mức 24.600 đồng/CP. Đà tăng này của BID cũng giúp BIDV thu về một khoản tiền không nhỏ. Vốn hóa thị trường BIDV có thêm 9.759,18 tỷ đồng.
Nhờ sức nóng từ VCB và ACB chuyển sang, cổ phiếu ACB phục hồi trong những phiên cuối tuần. Vì vậy, kết thúc 5 phiên, ACB đã đảo chiều tăng 1.300 đồng/CP lên 22.300 đồng/CP. ACB là cổ phiếu ngân hàng có tốc độ tăng mạnh thứ 3, chỉ sau VCB và BID.
Cổ phiếu ACBC giúp vốn hóa thị trường ngân hàng ACB được cộng thêm 1.219 tỷ đồng vào sổ sách. Hiện vốn hóa ACB đang là 19.986,91 tỷ đồng.
Những cổ đông cá nhân lớn nhất ACB là những người được hưởng lợi nhiều từ đợt tăng đáng kể này của ACB. Đó là vợ chồng ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và bà Đặng Ngọc Lan. Kể từ sau khi bị bắt, cổ phiếu ACB của bầu Kiên và bà Lan bị phong tỏa nhưng số cổ phiếu này vẫn không ngừng gia tăng giá trị.
Với việc nắm giữ hơn 38,5 triệu cổ phiếu ACB, tuần qua, bà Lan – cổ đông lớn nhất của ACB có thêm 50 tỷ đồng. Tổng tài sản trên thị trường chứng khoán của bà Lan được cải thiện thành 861 tỷ đồng. Bà Lan đang đứng trong Top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán.
Đứng sau vợ 4 bậc, bầu Kiên sở hữu khối tài sản trị giá 706 tỷ đồng với hơn 31 triệu cổ phiếu ACB. Tuần này, hơn 31 triệu cổ phiếu ACB nảy nở thêm 41 tỷ đồng. Bầu Kiên đứng trong Top 30 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Cổ phiếu ngành bảo hiểm không gây ấn tượng mạnh như cổ phiếu ngành ngân hàng nhưng BVH của Tập đoàn Bảo Việt là trường hợp ngoại lệ. Tuần này, tốc độ tăng của BVH chỉ đứng sau VCB. Sau 5 phiên giao dịch, BVH tăng 7.500 đồng/CP, qua đó giúp vốn hóa thị trường Tập đoàn Bảo Việt có thêm 5.103,54 tỷ đồng.
Trong một số phiên giao dịch, cùng với VCB, VIC là một trong những blue-chip góp phần không nhỏ giúp VN-Index dễ dàng vượt qua ngưỡng 600 điểm. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi VIC có thêm một tuần tăng khá.
Chốt phiên giao dịch 3/7, VIC dừng ở mức 44.600 đồng/CP sau khi tăng 3.300 đồng/CP. VIC giúp vốn hóa của Tập đoàn Vingroup tăng 5.056 tỷ đồng lên 81.847,96 tỷ đồng. Gia đình ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup được hưởng lợi lớn khi VIC đi lên.
Cụ thể, ông Phạm Nhật Vượng có thêm 1.757 tỷ đồng. Tổng tài sản của ông thể hiện qua giá trị cổ phiếu VIC là 23.746 tỷ đồng. Với số tiền khổng lồ này, ông Vượng đang vững vàng ở vị trí giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Bà Phạm Thu Hương và bà Phạm Thúy Hằng, hai phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup và là người nhà ông Vượng lần lượt có thêm 303 tỷ đồng và 202,34 tỷ đồng.
Bảo Linh
Bình luận