Chiều 12/9, tiếp tục Phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023.
Ông Tuấn cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2022, Kiểm toán Nhà nước chuyển hồ sơ 8 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.
Trong đó, 7 vụ việc được phát hiện qua kiểm toán chuyên đề quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 tại thành phố Hải Phòng (7 công ty lập dự án để được cấp phép nhưng không tổ chức khai thác mà chuyển cho doanh nghiệp khác khai thác). Một vụ việc có dấu hiệu trốn thuế của Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp - tỉnh Tây Ninh trong việc chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu.
Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, tính đến ngày 31/8, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 724 báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan theo yêu cầu của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát (cùng kỳ năm trước là 160 báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan).
Ông Ngô Văn Tuấn nêu rõ, tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán từ 168 báo cáo kiểm toán đã phát hành đến thời điểm 31/8 (trong đó có 162 báo cáo đã phát hành thuộc kế hoạch kiểm toán năm 2022 và 6 báo cáo phát hành thuộc năm 2021 chuyển sang), Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý 22.036 tỷ đồng, trong đó số kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 1.141 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 7.633 tỷ đồng và kiến nghị khác 13.262 tỷ đồng.
Cơ quan này đồng thời kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 102 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý (trong đó 2 Luật, 5 Nghị định, 6 Thông tư và 89 văn bản khác) không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn.
Kiểm toán Nhà nước còn kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Kiểm toán Nhà nước đã hoàn thành một số cuộc kiểm toán chuyên đề quan trọng như: chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ”; chuyên đề “Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021”; chuyên đề “Công tác quản lý nhà nước về đất đai giai đoạn 2017-2021”.
Ngoài ra, với trách nhiệm thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Kiểm toán Nhà nước đã tích cực phối hợp, tham gia với các cơ quan có liên quan trong việc chỉ đạo rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tiêu cực; chỉ đạo tham mưu xây dựng, thực hiện nghiêm quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
"Đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ được giao, Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng xong “Đề án quy định về kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán” để phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương xây dựng dự thảo Đề án và quy định của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán", ông Tuấn cho biết.
Phó Tổng Kiểm toán cũng cho hay, tổng hợp sơ bộ kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2021 của các đơn vị được kiểm toán đến ngày 31/8/2022 cho thấy tổng số kiến nghị đã thực hiện 37.924,2 tỷ đồng, đạt 56,3% (cùng kỳ năm trước 49,9%). Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới cơ chế chính sách là 15 văn bản; 24 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện. Cơ quan này tiếp tục đôn đốc và kiểm tra số kiến nghị kiểm toán chưa thực hiện trong những tháng còn lại của năm 2022.
Bình luận