• Zalo

Kiếm tiền từ hành lý lạc chủ ở sân bay

Kinh tếThứ Sáu, 05/10/2012 06:55:00 +07:00Google News

(VTC News) - Đối với những vị khách tới Trung tâm hành lý vô thừa nhận ở bang Alalbama (Mỹ) thì việc mua sắm đôi khi giống như hành trình truy tìm kho báu.

(VTC News) - Đối với những vị khách tới Trung tâm hành lý vô thừa nhận ở bang Alalbama (Mỹ) thì việc mua sắm đôi khi giống như hành trình truy tìm kho báu.


Hàng độc vô chủ


Một trong những điểm yêu thích của Brenda Cantrell khi làm việc tại Trung tâm Hành lý vô thừa nhận (Unclaimed Baggage Center - UBC) ở thị trấn Scottsboro (bang Alabama) là những vật dụng độc đáo được phát hiện trong các va li bị bỏ quên hoặc không bao giờ có cơ hội tìm về với chủ. Chẳng hạn như một chiếc sọ người khô.

Brenda chia sẻ: "Nó nằm bên trong một chiếc va ly cũ sờn, bên cạnh hàng tá đồ thủ công Ai Cập và một con chim ưng được ướp xác. Làm thế nào để bán một chiếc đầu lâu khô? Đó không phải là thứ hàng hóa thông thường để bạn có thể gắn mác giá vào".

Có lần, Brenda còn phát hiện ra một con rắn chuông còn sống, đang vô cùng khát mồi và cực kỳ giận dữ. Cô kể lại: "Tôi không biết con rắn đã chui vào va li bằng cách nào. Chúng tôi cũng không bao giờ biết liệu có phải người ta cố tình làm như thế không hay đây chỉ là một sự cố trong quá trình vận chuyển. Giống như trường hợp những chiếc váy cưới mà đôi khi chúng tôi tìm thấy. Chỉ có thể phỏng đoán đôi điều về câu chuyện ẩn chứa sau những vật dụng bị thất lạc ở sân bay.

Những câu hỏi như: "Liệu chiếc váy đang trên đường tới với một cô dâu hạnh phúc hay đã hoàn thành nhiệm vụ và trở về từ một hôn lễ vui vẻ?" chẳng bao giờ có câu trả lời chính xác".

Trung tâm hành lý vô thừa nhận ở bang Alabama (Mỹ) 

Những món hời tại UBC

Tại UBC, công việc buôn bán diễn ra rất suôn sẻ. Theo báo cáo về hành lý của ngành công nghiệp hàng không Mỹ mới đây, 25 triệu hành lý đã bị thất lạc chỉ trong năm 2011, tương đương 70.684 túi xách/va ly mỗi ngày. Nếu chúng không được chủ nhân đích thực đến xác nhận thì sau 90 ngày, UBC sẽ mua lại với chi phí tính theo cân nặng.

Brenda Cantrell tiết lộ: "Cho tới khi mở va ly ra thì bạn không thể biết trong đó có gì. Coi như một canh bạc lớn". Đôi khi, nhân viên UBC tìm thấy quần áo, đồ diện tử hoặc sách truyện - những vật dụng dễ bán lại nhất. Không ít lần họ tìm thấy một số đồ giá trị của nhà sưu tập nào đó như bản in có chữ ký của Salvador Dali. Và dĩ nhiên, thi thoảng, họ phải chuẩn bị tinh thần để đối phó với... rắn cắn!

Brenda Cantrell, 35 tuổi, đã làm việc tại Trung tâm hành lý vô thừa nhận UBC từ 14 năm nay. Ban đầu, Brenda chỉ làm nhân viên khuân vác nhưng hiện nay, cô đã được đề bạt làm "Đại sứ thương hiệu" của UBC. Sinh ra và lớn lên ở Scottsboro - nơi UBC tọa lạc trên diện tích rộng hơn 3.726m2 - hồi còn là học sinh, Brenda thường mua sắm quần áo ở đây.

"Nơi đây đã trở thành một phần con người tôi. Là gia đình thứ hai của tôi", cô tâm sự.

Khách hàng mua sắm tại UBC đến từ 50 bang nước Mỹ và 40 quốc gia khác nhau. Rất nhiều người trong số đó thường xuyên tới UBC theo một lịch trình đều đặn hàng năm.

Brenda cho biết: "Khách tới đây đều thể hiện rất nhiều cảm xúc. Đối với họ, mua sắm ở UBC không chỉ đơn thuần là một món mặc cả giá hời (dù thực sự có những vật dụng được bán với mức giảm giá 50-80% so với giá bán lẻ trên thị trường). Sở hữu một món đồ ở Trung tâm hành lý thất lạc quả thực mang lại cảm xúc không giống khi bạn mua sắm ở bất cứ đâu".

Hình ảnh nơi mua sắm tại Trung tâm hành lý vô thừa nhận ở Mỹ 
Tại trung tâm, mỗi ngày có thêm 5.000-7.000 vật dụng mới, phần lớn chúng đều được bán chỉ trong vòng 1 tháng.

"Đó chính là điều khiến công việc này trở nên thật tuyệt vời", Brenda thổ lộ. "Ngày nào cũng có thể xuất hiện một viên đá quý cực hiếm ẩn mình trong một va ly nào đó. Bạn có thể tìm thấy một chiếc máy ảnh kỹ thuật số chỉ với giá bằng nửa so với giá mua bên ngoài hay một viên kim cương trị giá 2.000 USD mà ở đây chỉ được bán với giá 20 USD".

Có không ít tình huống thú vị đã diễn ra. Brenda kể, có một vị khách tới UBC mua một nàng búp bê Barbie cho con gái của mình. Sau đó, vị khách này phát hiện ra bên trong cơ thể nàng Barbie là một xấp tiền mặt 500 USD.

"Còn có một quý bà tới mua bức tranh sơn dầu với giá chỉ 60 USD. Bà ấy có lẽ đã kiểm tra từ trước và tôi đoán, bức họa được vẽ bởi một nghệ sĩ thiên tài. Giá trị thực của nó rơi vào khoảng 20.000 USD".

Tất nhiên, không phải mọi vật dụng tìm thấy trong các va ly thất lạc của hành khách đi máy bay đều được rao bán ngay. Một lần, nhân viên UBC mở hộp và phát hiện bản thu nhỏ bộ áo giáp có từ thế kỷ 15. Nó ngay lập tức trở thành điểm hút khách ở triển lãm của UBC - nơi trưng bày một cây đàn violon thế kỷ 18, một máy ảnh của NASA và nổi tiếng hơn cả là Hoggle - nhân vật gác cổng người lùn nửa yêu tinh trong bộ phim "Labyrinth" của David Bowie năm 1986.

Và còn có những chuyện tình cờ vô cùng đáng yêu đã diễn ra ở UBC. Brenda Cantrell nhớ lại: Một người đàn ông tới công tác ở Alabama đã ghé Trung tâm và mua một đôi ủng trượt tuyết làm quà tặng vợ mình. Khi về nhà, người đàn ông mới hiểu vì sao đôi ủng lại vừa với vợ mình một cách hoàn hảo đến thế.

"Đó chính là đôi ủng mà cô ấy đã làm mất trong một kỳ nghỉ vài tháng trước. Hãng hàng không khi đó đã bồi thường cho cô ấy và cuối cùng thì đôi ủng đoàn tụ với chủ nhân khi nó được mua lại với giá chỉ 45 USD".

Khánh Huyền (theo Bloomberg)
Bình luận
vtcnews.vn