• Zalo

Kiếm tiền mưu sinh với nghề 'treo người' giữa lưng chừng trời ở Hà Nội

Thị trườngThứ Ba, 18/06/2024 06:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Hà Nội vào mùa sấu cũng là lúc nhiều người đua nhau trèo lên những cây sấu cao vài chục mét để hái quả, bất chấp hiểm nguy và bị cấm hoạt động.

Những ngày này, dọc hai bên vỉa hè nhiều tuyến phố ở Hà Nội như Phan Đình Phùng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo...dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người bán sấu xanh. Đa phần người bán cũng chính là người đã leo lên những cây sấu cao vút ngay giữa phố để hái quả. Hiện giá mỗi kg sấu ở đây được bán với giá 30.000 đồng/kg, đắt hơn ở chợ từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Người mua cũng vui vẻ chấp nhận mức giá này vì được mua loại tươi ngon, rõ ràng về nguồn gốc.

Nhưng để hái được những chùm sấu xanh non, người trèo phải đu mình trên những ngọn cây cao tới vài chục mét, chỉ với thiết bị bảo hộ là sợi dây thừng.

Bất chấp nguy hiểm, những người hái sấu vẫn leo trèo trên độ cao 30 - 40m để mưu sinh. (Ảnh: Afamily)

Bất chấp nguy hiểm, những người hái sấu vẫn leo trèo trên độ cao 30 - 40m để mưu sinh. (Ảnh: Afamily)

Dụng cụ hành nghề cũng rất đơn giản gồm một chiếc sào có móc sắt, bao tải, cân mini và đoạn dây thừng dài chừng 30 - 40 mét. Một người có thâm niên hái sấu cho biết, vì đã có kinh nghiệm leo trèo nên đối với họ những gốc cây cao đến 20 - 30 mét chỉ trong nháy mắt là leo lên được, trong khi với người bình thường muốn leo lên phải dùng thang.

"Cứ đến mùa sấu, chúng tôi lại tranh thủ kiếm thêm thu nhập bằng nghề trèo hái sấu, dù biết rất nguy hiểm do cây cao, cành nhỏ, giòn và dễ gãy. Tuy nhiên, một năm chỉ có vài ba tháng để hái sấu thôi nên chúng tôi vẫn không muốn bỏ lỡ cơ hội này.

Chúng tôi thường canh lúc 4 - 5h sáng hoặc trưa nắng gắt để trèo hái, tránh công an phạt vì đây là hành vi vi phạm quy định. Với lại, ngày nào nắng ráo mới trèo hái, còn trời mưa dễ trơn trượt thì chúng tôi lại đi làm công việc hằng ngày", anh này nói.

Nhiều người bán sấu dọc hai bên đường ở Hà Nội sau khi leo trèo, hái trên cây cao vài chục mét.

Nhiều người bán sấu dọc hai bên đường ở Hà Nội sau khi leo trèo, hái trên cây cao vài chục mét.

Vợ chồng chị Thoa (quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa) ngoài công việc chính là đánh giày và bán trái cây thì cứ đến mùa sấu lại ra đường Phan Đình Phùng để hái, bán sấu kiếm thêm thu nhập. "Từ 3,4 năm nay, cứ đến mùa sấu là cả hai vợ chồng đều đi hái sấu, rồi chia ra mỗi người bán một nơi. Thông thường mùa sấu chỉ kéo dài hai tháng nên chúng tôi tranh thủ để kiếm thêm do thu nhập của nghề này cũng khá hơn nghề đánh giày một chút, lại cũng không mất vốn, chỉ phải ngồi một chỗ để bán, không phải đi lại nhiều nơi", chị Thoa nói.

Theo chị Thoa, những cây sấu nổi tiếng lâu đời ở phố Phan Đình Phùng hiện quá già rồi, chỉ còn rất ít quả nên năm nay vợ chồng chị chuyển sang hái ở cây trên phố Trần Hưng Đạo. Sáng sớm, cứ 4 - 5h, chồng chị cũng như những người khác lại leo vun vút lên những cây sấu cao hơn 30m để hái quả.

"Công việc này chỉ chồng tôi làm được, còn tôi phụ bán. Hôm nào may mắn thì hái được tới 50, 60kg, tuy nhiên không phải hôm nào cũng được như vậy. Sấu hái đến đâu thì bán ngay đến đấy, chủ yếu bán cho những người đi đường ghé vào mua", chị Thoa chia sẻ.

Nhiều người lao động nghèo ngoài công việc chính để mưu sinh còn tranh thủ trèo sấu để kiếm thêm thu nhập.

Nhiều người lao động nghèo ngoài công việc chính để mưu sinh còn tranh thủ trèo sấu để kiếm thêm thu nhập.

Được biết, mùa sấu năm nay kém hơn năm ngoái, sản lượng chỉ bằng một nửa. "Không chỉ thu hoạch được ít mà giá cũng thấp hơn, chỉ 30.000 đồng/kg, sấu chín thì giá cao hơn, khoảng 40.000 đồng/kg. Mọi năm giá lên tới 40.000 - 50.000 đồng/kg và cứ hái xuống là người dân lại đến mua hết sạch.

Mặc dù vậy, trung bình một ngày nghề này cũng giúp gia đình tôi kiếm được ít nhất 400.000 - 500.000 đồng nên dù nguy hiểm luôn rình rập, những người nghèo như chúng tôi vẫn coi đây là một nguồn kiếm ra tiền, giúp cải thiện cuộc sống hàng ngày", một người bán sấu trên phố Phan Đình Phùng nói.

Đa phần người mua sấu đều là những người đi đường ngang qua.

Đa phần người mua sấu đều là những người đi đường ngang qua.

Không chỉ đối diện hiểm nguy, những người bán sấu còn luôn nơm nớp lo bị công an xử phạt. "Hái sấu và bán sấu trên vỉa hè là công việc bị cấm nên chúng tôi lúc nào cũng thấp thỏm, lo sợ bị công an nhắc nhở và xử phạt. Do đó, chúng tôi thường bày bán rất nhanh chóng rồi nếu còn thì sẽ bán đổ mối cho tiểu thương ở chợ", chị Thoa chia sẻ.

Kiếm tiền mưu sinh với nghề 'treo người' giữa lưng chừng trời ở Hà Nội  - 5
Kiếm tiền mưu sinh với nghề 'treo người' giữa lưng chừng trời ở Hà Nội  - 6

Sấu sau khi hái xuống sẽ được đóng 2 - 4kg để dễ bán cho người qua đường.

Những cơn mưa rào bất chợt cũng trở thành nỗi ám ảnh của người hái sấu. "Những hôm nào trời mưa là coi như nghỉ bán, cũng không thể trèo hái bởi cây trơn trượt, hơn nữa mưa to thì cũng không ai muốn dừng lại mua sấu", một người nói.

Tuy kiếm ra tiền nhưng hái sấu cũng chỉ là công việc thời vụ dịp hè, sau 2 tháng mùa vụ kết thúc, những người lao động lại quay trở lại với công việc mưu sinh hằng ngày và chờ đến năm sau, khi cây sấu trổ hoa, ra "lộc" để lại tất bật "treo người" giữa lưng chừng trời nhằm kiếm thêm thu nhập.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn