Mới đây VKSND Tối cao đã ra quyết định về việc thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật và quy định của ngành trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc về hình sự, công tác tổ chức cán bộ, côang tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản tại VKSND tỉnh Đắk Lắk.
Theo quyết định, ông Phạm Duy Hải, kiểm sát viên (KSV) cao cấp, Phó Chánh Thanh tra VKSND Tối cao, làm trưởng đoàn thanh tra.
Nhiều trường hợp kiểm sát viên bị tố vi phạm
Về nội dung làm việc, đáng chú ý, đoàn thanh tra yêu cầu VKSND tỉnh Đắk Lắk báo cáo cụ thể bảy trường hợp: KSV bị tố cáo nhận hối lộ, KSV bị tố cáo đòi tiền của bị can, KSV có hành vi đánh bạc ăn tiền sau đó đăng lên Facebook, việc đề nghị VKSND Tối cao bổ nhiệm cán bộ…
Đoàn thanh tra cũng yêu cầu viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo VKSND hai cấp lập danh sách trích ngang và hồ sơ kiểm sát vụ việc: Không khởi tố vụ án hình sự các tố giác, tin báo về tội phạm. Người bị tạm giữ được trả tự do, không xử lý hình sự.
Các vụ án, bị can mà cơ quan điều tra và VKSND hai cấp đình chỉ. Các vụ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung từ ba lần trở lên. Các trường hợp tòa tuyên bị cáo không phạm tội, quan điểm của Viện Kiểm sát (VKS)…
Yêu cầu báo cáo sáu vụ án cụ thể
Đoàn thanh tra cũng yêu cầu VKSND tỉnh Đắk Lắk báo cáo cụ thể về việc giải quyết sáu vụ án: Vụ Trương Thị Tính (ngụ thị xã Buôn Hồ) phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vụ vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng có liên quan đến Đỗ Thái Vũ.
Vụ Hà Thăng Long và Nguyễn Văn Hiến cùng đồng phạm phạm các tội giết người, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản ở huyện Krông Buk.
Vụ Võ Trường Giang phạm tội chiếm đoạt tài sản. Vụ Lê Viết Hùng (công an viên xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) đánh chết người. Vụ Lê Hữu Nhạc và đồng phạm phạm tội cưỡng đoạt tài sản.
Theo kế hoạch, thời gian thanh tra trong vòng 60 ngày, lấy số liệu từ cuối năm 2014 đến cuối năm 2017. Tất cả tài liệu liên quan phải báo cáo về Văn phòng VKSND tỉnh Đắk Lắk trước ngày 7/3 để đoàn thanh tra nghiên cứu.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi có diễn biến mới.
Yêu cầu báo cáo một vụ Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh
Trong những vụ VKSND Tối cao yêu cầu VKSND tỉnh Đắk Lắk báo cáo có vụ công an viên xã Phú Xuân, huyện Krông Năng Lê Viết Hùng đánh chết người mà Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần phản ánh, phân tích rằng VKS truy tố không đúng tội danh.
Theo hồ sơ, một đêm tháng 7/2014, anh Trương Quốc Long nghi ngờ ông Nguyễn Hữu Thâu vào nhà lấy trộm sắt nên đuổi theo bắt ông Thâu.
Sau đó, công an viên Lê Viết Hùng đã giữ ông Thâu lấy lời khai và đánh đập, đến sáng thì ông Thâu bị hôn mê sâu và tử vong.
VKSND huyện Krông Năng truy tố Hùng về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ. TAND huyện nhận định Hùng có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích (dẫn đến chết người) nên trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng VKS huyện vẫn bảo lưu quan điểm.
Do giới hạn xét xử (tòa không được xử tội nặng hơn tội VKS truy tố) nên TAND huyện phải xử Hùng về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ và phạt ba năm tù.
Tháng 6/2016, TAND tỉnh Đắk Lắk xử phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm, đồng thời kiến nghị cấp giám đốc thẩm hủy án của chính mình để điều tra, xét xử lại do giới hạn xét xử.
Năm 2017, chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã kháng nghị bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Đắk Lắk, đề nghị Ủy ban Thẩm phán xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm.
Lý do mà văn bản kháng nghị đưa ra cũng giống phân tích của Pháp Luật TP.HCM. Theo đó, Hùng tát, đánh ông Thâu trong khi ông Thâu không có hành vi chống trả, cản trở hay bỏ trốn.
Hành vi của Hùng gây ra không thuộc trường hợp đang thi hành công vụ mà cấu thành tội cố ý gây thương tích (theo khoản 3 Điều 104 BLHS, có khung hình phạt 5-15 năm tù).
Các cơ quan tố tụng huyện Krông Năng khởi tố, truy tố Lê Viết Hùng về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ (khoản 1 Điều 97 BLHS, có khung hình phạt 2-7 năm tù) là đánh giá chưa đúng sự thật khách quan của vụ án cũng như bản chất hành vi phạm tội của bị cáo.
Bình luận