Kiểm định chất lượng giáo dục đại học: Động lực để cạnh tranh và phát triển

Tin tức - Sự kiệnThứ Bảy, 30/07/2022 12:19:58 +07:00
(VTC News) -

Theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng, quá trình kiểm định chất lượng giáo dục là động lực để các trường phát triển, giúp nâng tầm giáo dục đại học tại Việt Nam.

Những năm qua, thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, giáo dục đại học nước ta xác định kiểm định chất lượng (KĐCL) là yếu tố quan trọng nhằm chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, năng lực hệ thống giáo dục đại học. 

Năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định thành lập 2 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tư thục. Đây là lần đầu tiên trung tâm kiểm định thuộc công ty ngoài công lập được thành lập và cho phép hoạt động. TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long (một trong hai trung tâm kiểm định tư thục của Việt Nam đến thời điểm hiện tại) có những chia sẻ về những giá trị cốt lõi và định hướng của trung tâm.

Kiểm định chất lượng giáo dục đại học: Động lực để cạnh tranh và phát triển - 1

TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long. 

- Theo bà, điểm khác biệt giữa Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Longvới các trung tâm khác ở Việt Nam là gì?

Là trung tâm ra đời muộn nhưng chúng tôi quyết tâm thực hiện phương châm: Trung tâm trẻ nhưng chất lượng kiểm định nhất định không được non trẻ. Nguyên tắc cốt lõi mà chúng tôi hướng đến là Chất lượng - Khách quan - Công bằng”, nhưng có lẽ, điểm riêng biệt nhất của trung tâm là lực lượng kiểm định viên nòng cốt và quan điểm về mục tiêu của hoạt động kiểm định chất lượng.

Nguyên tắc cốt lõi mà chúng tôi hướng đến là “Chất lượng - Khách quan - Công bằng”, nhưng có lẽ điểm riêng biệt nhất của trung tâm là lực lượng kiểm định viên nòng cốt và quan điểm về mục tiêu của hoạt động kiểm định chất lượng.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng

Các kiểm định viên cơ hữu của Trung tâm là những chuyên gia tích luỹ được kinh nghiệm trong giáo dục đại học khá đa dạng. Một số đã trải nghiệm qua nhiều công việc cụ thể ở các trường từ giảng viên đến các vị trí quản lý; một số vừa có kinh nghiệm thực tiễn ở các trường, vừa có thời gian làm công tác quản lý vĩ mô, xây dựng chính sách, được tiếp cận với các xu hướng mới của giáo dục đại học khi làm việc ở các Bộ, ngành như Bộ GD-ĐT, Bộ Quốc phòng... Khi cùng nhau xây dựng trung tâm mới, chúng tôi duy trì sinh hoạt khoa học hàng tuần để nâng cao năng lực chuyên môn.

Như vậy, kiểm định viên khả năng thực hiện mục tiêu kép của trung tâm là vừa đáp ứng tốt yêu cầu đánh giá theo đúng quy định của bộ tiêu chuẩn, vừa có khả năng khuyến nghị, định hướng cho sự phát triển và nâng cao chất lượng cho các trường được kiểm định.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn có Ban cố vấn, Hội đồng KĐCL giáo dục. Trong đó nhiều chuyên gia hàng đầu ở lĩnh vực KĐCL giáo dục, nhiều người đã tham gia kiểm định với các tổ chức KĐCL giáo dục quốc tế uy tín. Chuyên gia luôn làm việc với tinh thần cống hiến, là lực lượng định hướng cho sự phát triển Trung tâm và truyền đạt kinh nghiệm cho các thế hệ kiểm định viên lớp sau.

- Trung tâm kiểm định giáo dục Thăng Long tập trung vào giá trị nào nhất khi đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục Việt Nam?

Hai giá trị cơ bản được chúng tôi tập trung khi đánh giá chất lượng là đúng quy định, đúng chuẩn và thực hiện quy trình PDCA để liên tục phát triển. 

Ở thời điểm đánh giá, việc đạt chất lượng giáo dục phải được hiểu đã thực hiện công việc đúng quy định, quy trình, đúng chuẩn chất lượng theo pháp luật và theo các quy định nội bộ của trường. Trong đó, quy định của pháp luật thường là các yêu cầu chung, ở mức tối thiểu để đạt được mặt bằng chất lượng chung; còn quy định của trường là các quy định cụ thể, ở mức cao hơn quy định tối thiểu. Đó cũng thường là cam kết của trường với người học và xã hội nên phải thực hiện.

Trong quá trình phát triển phải thường xuyên thực hiện quy trình PDCA là việc lập kế hoạch (Plan), thực hiện kế hoạch đã đề ra (Do), rà soát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch (Check) và cuối cùng là thực hiện điều chỉnh, cải tiến thích hợp (Act) để sau đó bắt đầu tiếp chu kỳ PDCA mới, ở mức độ cao hơn.

Nếu từng khâu công việc ở mỗi trường đều quán triệt hai nội dung trên thì từng trường và cả hệ thống sẽ hình thành văn hoá chất lượng và đạt chất lượng ngày càng cao.

- Kết quả do trung tâm đánh giá được các trường sử dụng như thế nào và nhằm mục đích gì?

Nếu theo quy định của pháp luật thì kết quả đạt chất lượng kiểm định sẽ được các trường sử dụng làm căn cứ để xác định chỉ tiêu tuyển sinh, xác định mức học phí, tự chủ mở ngành, tự chủ liên kết đào tạo với nước ngoài... nhưng đó chỉ là các quyền lợi trong ngắn hạn.

Kết quả kiểm định chất lượng còn phải mang lại những giá trị thực chất, lâu dài hơn cho nhà trường như rà soát đồng bộ từ một góc nhìn bên ngoài khách quan hơn để cải tiến chất lượng ở tất cả các vị trí trong từng lĩnh vực hoạt động để chất lượng ngày càng được nâng cao qua mỗi chu kỳ kiểm định. Qua đó, nhà trường xây dựng được văn hoá chất lượng, điều chỉnh định hướng phát triển trường (nếu cần thiết) để liên tục phát triển và phát triển bền vững. Đó cũng là lời khẳng định khá tin cậy về chất lượng hoạt động của nhà trường với cơ quan quản lý, người học, nhà tuyển dụng lao động và xã hội.

Kiểm định chất lượng giáo dục đại học: Động lực để cạnh tranh và phát triển - 2

TS. Nguyễn Thị Kim Phụng trao Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình đào tạo Điều dưỡng cho đại diện Khoa Điều dưỡng, Đại học Quốc tế Hồng Bàng. 

- Làm sao để đảm bảo việc đánh giá của trung tâm nói riêng và các trung tâm khác nói chung công bằng và kết quả được công nhận và sử dụng rộng rãi cả trên bình diện quốc tế?

Hiện nay, toàn hệ thống KĐCL giáo dục đều đang đánh giá theo bộ tiêu chuẩn và theo quy trình của Bộ GD&ĐT ban hành. Bộ tiêu chuẩn này được xây dựng trên cơ sở tham khảo sâu bộ tiêu chuẩn của tổ chức KĐCL giáo dục khu vực AUN-QA.

Tất cả các kiểm định viên (trong đó một số người đủ tiêu chuẩn làm trưởng đoàn đánh giá ngoài) đều hoạt động trong toàn hệ thống.

Quy trình kiểm định đang được quy định khá chặt chẽ, vì vậy, nếu các kiểm định viên thực hiện các công việc kiểm định đều làm việc công tâm, khách quan thì kết quả kiểm định chắc chắn sẽ đảm bảo công bằng. Do đó, điều quan trọng nằm ở công tác đào tạo, bồi dưỡng, thi cấp chứng chỉ và đạo đức kiểm định viên.

Để kết quả KĐCL giáo dục của Việt Nam được sử dụng rộng rãi trên bình diện quốc tế thì cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Khuyến khích các kiểm định viên có chứng nhận và tham gia hoạt động kiểm định quốc tế; tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo trong nước, có sự tham gia của các đối tác quốc tế uy tín nhằm nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác kiểm định; đánh giá kiểm định viên và tổ chức KĐCL giáo dục theo tiêu chuẩn đánh giá của tổ chức bảo đảm chất lượng quốc tế; tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước tham gia vào mạng lưới các tổ chức bảo đảm chất lượng quốc tế hoặc có thoả thuận hợp tác quốc tế trong việc công nhận kết quả kiểm định lẫn nhau…

Các giải pháp này đã được quy định trong Quyết định số 78/QĐ-TTg của TTgCP Phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 - 2030”. Tuy nhiên, để thực hiện các giải pháp này thì cần nhiều thời gian, nguồn lực và tất cả các chủ thể liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, các Trung tâm KĐCL giáo dục và các cơ sở giáo dục đại học đều phải xây dựng kế hoạch chiến lược để thực hiện.

VY VY
Bình luận
vtcnews.vn