• Zalo

Kiếm chục triệu/ngày nhờ trà chanh, mía đá đầu hè

Kinh tếThứ Sáu, 04/05/2012 05:39:00 +07:00Google News

(VTC News) – Tại Hà Nội, các loại đồ uống giải khát được bày bán trên vỉa hè như trà đá, trà chanh, mía – sấu đá, hoa quả dầm... đang rất “hút" khách.

(VTC News) – Tại Hà Nội trong những ngày nắng nóng vừa qua, các loại đồ uống giải khát được bày bán trên vỉa hè như trà đá, trà chanh, mía – sấu đá, hoa quả dầm, các loại chè… vô cùng đắt khách.


Dù mới chỉ đầu hè, nhưng những quán nước giải khát ven đường đã mọc lên như nấm tại mọi ngóc ngách ở Hà Nội để “đáp ứng” nhu cầu không ngừng tăng lên của người dân. Mặt hàng được bày bán chủ yếu là trà đá, trà chanh, mía – sấu đá, hoa quả dầm, các loại chè…

Kiếm chục triệu mỗi ngày

Theo tiết lộ của chị T - chủ một quán trà chanh vỉa hè trên đường Láng (đoạn gần chợ Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội), trong những ngày vừa qua họ kiếm được không dưới 10 triệu đồng/ngày nhờ bán trà chanh với giá 8.000 đồng/cốc, kèm theo hạt hướng dương với giá khoảng 10.000 đồng/đĩa.

Từ khoảng 7 giờ tối trở đi, khu vực này thường chật kín người, chủ yếu là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên. Họ tới đây để uống trà chanh, sấu – me đá và gặm nhấm hạt hướng dương rồi cùng trò chuyện, “chém gió” với bạn bè.

“Mỗi ngày chúng tôi đón khoảng trên 500 lượt khách, có hôm lên tới gần nghìn người khiến hai vợ chồng tôi phục vụ không xuể, buộc phải thuê thêm nhân viên chạy bàn cùng người chuyên dắt xe cho khách và “canh chừng” cảnh sát”, chị T cho biết thêm.

 

Người phụ nữ này cũng tiết lộ, ở những quán nằm sâu bên trong, do họ không lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, không bị công an “sờ gáy” nên người ta bán thêm cả mía đá với giá 10.000 – 12.000 đồng/cốc, thu nhập còn “khủng” hơn nữa.


Anh Lê Tuấn Anh – chủ quán mía đá vỉa hè ở làng Nha (Long Biên, HN) cho biết: “Mỗi cây mía giờ có giá từ 15.000 – 20.000 đồng (tùy thời điểm mua, hàng có khan hiếm hay không), cộng thêm một chút nước đường và nhiều đá, tôi pha chế được thành tối thiểu 3 cốc nước mía bán với giá 12.000 đồng/cốc. Sau khi trừ tất cả các chi phí, tính ra bán mía đá 1 vốn 3 lời. Có những ngày đông khách, tôi kiếm được khoảng 4 – 5 triệu đồng”.

Trong khi đó, chủ một quàn trà đá vỉa hè trên đường Tam Trinh (Hai Bà Trưng, HN) nói: “Thời tiết nắng nóng, lượng người tới “quán” của tôi cũng đông hơn hẳn so với trước, trừ lúc giữa trưa do nắng nóng gay gắt quá.

Với 2.000 đồng/cốc trà đá, bán kèm thêm với một số loại kẹo ngọt khác như kẹo lạc, kẹo ngậm, kẹo cao su hoặc bánh rán …trung bình mỗi ngày tôi kiếm được trên dưới 1 triệu đồng. Có những hôm kiếm được tới gần 2 triệu đồng”.

Bên cạnh trà đá, mía đá, trà chanh, nhiều loại nước giải khát khác như sấu - me đá (15.000 đồng/cốc), các loại hoa quả dầm (15.000 đồng/cốc) hoặc các loại chè (12.000 đồng/cốc) ... cũng đang rất được lòng các “thượng đế” trong ngày hè oi bức.

Nhanh + rẻ = siêu bẩn!

Tại Hà Nội, dọc đường Tam Trinh (Hai Bà Trưng), đường Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy), hay con đường từ chợ Cầu Diễn lên ngã tư Nhổn… không khó để tìm thấy những quán nước giải khát ven đường siêu bẩn.

Dừng chân tại những quán nước bên đường như vậy, sau chưa đầy 5 phút gọi đồ, bạn đã có trong tay thứ mình muốn trong khi nếu vào một quán café chẳng hạn, bạn sẽ phải chờ tối thiểu là gấp ba lần khoảng thời gian đó.

Không chỉ thế, chủ những quán nước như vậy còn luôn “găm” sẵn hàng để phục vụ  những vị khách quá vội, chỉ lấy hàng, trả tiền rồi đi ngay. Không ít người tỏ ra ngạc nhiên với tốc độ pha chế thuộc vào diện “siêu tốc” của chủ những hàng quán như vậy, nhưng …dần rồi thành quen.

Những quán nước giải khát vỉa hè đang mọc lên như nấm tại Hà Nội

Tuy nhiên, khi ngồi nghỉ chân tại những quán nước như thế, các “thượng đế” sẽ được thưởng trà, uống nước giải khát quyện cả đống bụi đường do quán gần những nơi công trường đang thi công, xe tải đi lại nhiều.

Cũng có khi, khách phải ngửi trọn những đợt mùi hôi thối bốc lên từ cống rãnh đen ngòm hoặc dòng sông chết cạnh đó. Thậm chí, có quán mọc lên ngay cạnh những bãi rác tanh hôi, chứa đủ mọi loại rác thải.

Nhiều chủ quán trong lúc miệng đon đả chào mời khách thì tay đã thoăn thoắt tráng vội qua loa chiếc cốc mà những vị khách vừa đi để lại vào trong một chậu nước bé đục, đen ngòm được chuẩn bị sẵn từ sáng cho tới tối xẩm để chúng có thể tiếp tục phục vụ người tiếp theo.

Đến thời điểm mía đá lên ngôi 

Nhiều vị khách còn sững sờ khi tận mắt chứng kiến những giọt nước bẩn từ tay người bán chảy tòng tòng trên túi nước giải khát của mình. Số khác dù biết là bẩn nhưng "khuất mắt trông coi".


Theo tiết lộ của anh Minh (Mỹ Đình, HN), chủ một quán nước mía rong tại khu vực này, nhiều khi khách uống thừa, họ lại đổ dồn nước mía vào túi rồi chờ bán cho người khác.

Chị Thư – chủ một quán trà đá ở gần cầu Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng) trấn an khách: “Ở đây còn toàn đồ uống an toàn đấy, chứ tại một số nơi khác, người ta còn dùng tới hóa chất, hương liệu, phẩm màu độc hại, chẳng rõ xuất xứ để pha chế đồ uống cho khách. Nguy hiểm lắm!”.

Biết bẩn, nhưng vẫn… thèm

Mặc dù tại nhiều quán nước giải khát ven đường, cái bẩn lồ lộ hẳn ra ngoài, nhưng nhiều người vẫn cứ thản nhiên ngồi thưởng trà, uống nước giải khát một cách ngon lành.

Biết là bẩn, nhưng ...vẫn thèm 

Chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này, anh Linh – chủ một nhà nghỉ ở khu vực Nhổn cho biết: “Bẩn thì ai chả biết, nhưng mà thời tiết nắng nóng như này, không uống những thứ giải nhiệt đó thì sao chịu được.



 
 
Thực ra bên cạnh chuyện giá cả rẻ lại được phục vụ nhanh hơn vào hàng quán, tôi uống những thứ đó thành…thói quen rồi.

Nói nghiện thì hơi quá, nhưng đúng là lâu không uống cốc mía đá hoặc trà đá chẳng hạn, lại thấy thèm. Nhất là khi những biển quảng cáo với dòng chữ “Mía đá”, “Sấu đá” …cứ đập vào mắt ở mọi nẻo đường, thì các tín đồ như tôi chịu sao nổi”.


Trong khi đó, chị Linh (Bạch Mai, Hai Bà Trưng, HN) nói: “Ở nhà chồng tôi rõ là kĩ tính. Lau bát bằng khăn không đẹp mắt là anh ấy nhất định không chịu dùng cơm. Tuy nhiên, đến cơ quan, bạn bè rủ đi trà đá, người ta dùng khăn siêu bẩn để lau cốc, anh ấy cũng phải cam chịu.

Nói chung bây giờ có quá nhiều thứ bẩn, không an toàn, nhưng mà vì ở nhà không có hoặc không sẵn những thứ đồ uống như vậy nên dù biết bẩn, anh ấy vẫn cố dùng. Bản thân tôi nhiều khi lâu không ăn cũng thèm chè đỗ đen, nhưng ngại nấu, tốn thời gian mà có khi lại còn đắt đỏ hơn đi mua sẵn nên …”.


Bài và ảnh: Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn