Trái với cảnh kinh doanh ảm đạm ngày đầu năm mới những năm trước, sáng nay (1/1/2012), các cửa hàng, dịch vụ đã rất phấn khởi vì 'kiếm bộn'.
Kinh doanh bận rộn
Ngày đầu tiên của năm mới, trên nhiều tuyến phố và tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, tình hình kinh doanh vẫn khá tấp nập. Theo lời chủ các cửa hàng, thông lệ ngày đầu năm thường “ngồi chơi, xơi nước” vì hầu hết mọi người tranh thủ nghỉ ngơi hoặc về quê, Nhưng năm nay lại hoàn toàn trái ngược, khi nhiều khách hàng đã tìm đến từ sáng sớm.
Anh Tiến – Nhân viên cửa hàng thời trang nam trên đường Cầu Giấy cho biết: “Từ sáng sớm, chúng tôi đã mở hàng được 4 chiếc áo khoác, áo phao. Còn những năm trước, sáng mùng 1, nhân viên nói chuyện phiếm là chính, cả ngày có khi không bán được cái nào. Năm nay, Tết Nguyên Đán cách không xa tết Dương Lịch, nhiều người không về quê lại tranh thủ đi mua sắm để tránh dịp áp Tết phải chen chúc”.
Không chỉ có shop của anh Tiến mà tại các nhiều cửa hàng bán quần áo mùa đông khác cũng thu hút nhiều khách hàng mua sắm. Đặc biệt, các shop có chương trình khuyến mại đầu năm đông khách hơn cả. Không chỉ có mức giảm giá từ 20 -50%, mà chương trình mua 1 tặng 1 đã “lôi kéo" được nhiều tín đồ shopping trong thời buổi làm ăn khó khăn.
Nhiều khu chợ không còn cảnh "đìu hiu" dịp Tết Dương Lịch như những năm trước (Ảnh: Thành Công)
Theo ghi nhận của PV VTC News tại một số khu chợ như chợ Đồng Xa, chợ Láng Hạ và chợ Thành Công…người bán bận rộn, người tiêu dùng tấp nập. Đặc biệt, quầy hàng thực phẩm và rau xanh được nhiều bà nội trợ chú ý nhất. Mức giá các loại rau xanh, củ, quả vẫn tương đối ổn định, bởi thời điểm tăng giá thường vào dịp cận Tết.
Tại quầy rau, củ, quả của bà Nguyễn Thị Sâm (Cầu Giấy – Hà Nội), các loại củ như khoai sọ, khoai tây, rau cần, cải cúc hết sạch. Nếu như những năm trước thường đến chiếu tối sức mua mới tăng, thì năm nay các loại rau bán chạy như “tôm tươi” từ lúc mở cửa. Theo lời bà Sâm, điều này nằm ngoài dự kiến, lượng rau lấy về chỉ bằng 1/3 so với ngày thường vì sợ ế.
“Tôi lấy hàng ít hơn ngày thường, nhưng nhu cầu tăng cao quá, nên đang đi gom thêm để bán phiên buổi chiều. Lượng khách phải tăng gấp đôi so với ngày mùng 1 năm ngoái đấy. Một số loại rau như rau muống, rau cải xoong ít người hái, do dự đoán lượng người mua ít, nên giá có tăng thêm từ 1.000 đồng/mớ, còn lại ổn định”, bà Sâm cho hay.
Dịch vụ sửa xe máy cũng đón lượng khách đông hơn ngày đầu năm mới những năm trước. Được biết, nhiều chủ nhân sở hữu xe máy không chỉ đợi ngày nghỉ để tránh phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ, mà còn cấp tập dành chút ít thời gian kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng sau hàng loạt vụ, cháy nổ xe xảy ra. Mức giá sửa chữa, thay thế phụ tùng vẫn như ngày thường, đúng với giá niêm yết.
Các tiệm sửa xe vẫn hoạt động nhộn nhịp (Ảnh: Thành Công)
Tại một tiệm sửa chữa, bảo trì xe máy hiếm hoi được mở cửa trên đường Hồ Tùng Mậu, nhân viên toát mồ hôi vì lượng khách đông đến ngỡ ngàng. Anh Đức Vũ – Quản lý cửa hàng liên tục phải gọi điện thoại cho tất cả nhân viên được nghỉ hôm nay, do trước đó anh chỉ huy động 1/3 sô nhân viên làm việc trong ngày 1/1, còn buổi chiều dự tính nghỉ. Tuy nhiên, với nhu cầu của khách tăng đột biến, anh Vũ thực sự đứng, ngồi không yên.
Anh Vũ cho biết: “Tôi có ngờ đâu khách đến nhiều như thế này. Cả cửa hàng có 10 nhân viên, sáng nay chỉ có 3 nhân viên đi làm còn lại cho nghì để về quê. Lúc đầu cứ cứ tưởng rồi cũng như năm ngoái, mở cửa hàng để đón 1-2 khách có nhu cầu sửa xe, còn lại thì ngồi uống trà đến trưa, nhưng riêng buổi sáng đã có gần 15 khách”.
Bàn ăn đặt trước khóa sổ
Thời tiết lạnh, ngày nghỉ dài, nhiều gia đình dành du lịch lại cho Tết Nguyên Đán, nên các cửa hàng ăn uống, quán lẩu, đồ nướng được dịp “ăn nên, làm ra”. Trong vài người có nhu cầu đặt bàn ăn, PV dạo qua gần 10 quán trên địa bàn Cầu Giấy, nhưng đều nhận được những cái lắc đầu hoặc chấp nhận ăn sau 20h, vì các bàn đã được đặt sẵn từ nhiều ngày trước.
Chị Hoàng Lan – Chủ kinh doanh hàng ăn trên phố Tô Hiệu (Hà Nội) xởi lởi: “Cửa hàng của tôi có gần 15 bàn, trong đó có 5 bàn nướng đã được đặt sẵn từ 2-3 ngày trước. Đối tượng khách chủ yếu là người quen, gần như năm nào họ cũng ăn ở đây rồi. Khách lạ mà không đặt trước thì thường không có chỗ đâu”.
Qua tìm hiểu được biết, hầu hết các cửa hàng ăn uống đã dự đoán trước lượng khách không sụt giảm, thậm chí còn tăng lên, nên đã phải duy trì 100% quân số nhân viên để phục vụ các thực khách trong mấy ngày nghỉ lễ. Nguyên nhân là do, Tết Âm lịch được mọi người dành cho gia đình, trong khi giá cả tăng cao khiến người dân thắt chặt chi tiêu, nên những cuộc đàn đúm được gác lại, còn mỗi tết Dương lịch là dịp tốt để “hội hè” sau một năm vất vả.
“Thông thường những năm trước Tết Dương lịch tôi cho nhiều nhân viên nghỉ, nhưng năm nay vận động ở lại hết và có thêm khoản lì xì nho nhỏ. Một phần là Tết Âm gần Tết Dương nên nhiều người không về quê, mà trời lạnh nên sẽ kéo ra quán thôi. Doanh thu mỗi ngày trừ chi phí còn lãi được trên dưới 10 triệu đồng, cả năm được mấy ngày làm ăn tốt thế này, phải tranh thủ chứ”, một ông chủ khác phân trần.
Anh Minh
Bình luận