Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng cổ phiếu SAB của Tổng công ty cổ phần bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Bia Sài Gòn – Sabeco) đã chính thức “chào sàn” chứng khoán Việt Nam trong ngày 6/12. Đúng như dự báo, ngay trong giờ mở cửa, SAB nhanh chóng “gây bão”.
Kiếm 14.106 tỷ đồng trong chớp mắt
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa mở cửa, cổ phiếu SAB đã giao dịch ở sắc tím – giá tăng trần. Chào sàn ở mức 110.000 đồng/CP nhưng SAB vọt lên 132.000 đồng/CP. Như vậy, chỉ sau vài giây, cổ phiếu SAB đã tăng 22.000 đồng/CP.
Với đà tăng này của SAB, vốn hóa thị trường Bia Sài Gòn tăng 14.106 tỷ đồng lên 84.612 tỷ đồng (khoảng 3,8 tỷ USD). Bia Sài Gòn lọt vào danh sách các công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Trên bảng giao dịch điện tử, bên dư bán SAB hoàn toàn trống trơn. Trong khi đó, bên dư mua, lệnh mua chất đầy. Chỉ riêng ở mức giá trần, dư mua đã đạt hơn 6,2 triệu đơn vị. Nhiều người muốn mua và chẳng ai muốn bán nên lượng giao dịch SAB rất khiêm tốn. Tính tới gần trưa, mới chỉ có hơn 3.000 đơn vị được trao tay.
Điều đáng nói, SAB “nóng” trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh mạnh. Chỉ số VN-Index có thời điểm giảm 4,61 điểm, tương ứng 0,7% xuống 655,6 điểm, chỉ số VN30-Index giảm 2,53 điểm, tương ứng 0,4% xuống 622,79 điểm.
Không lâu trước khi “lên sàn”, Bia Sài Gòn đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3/2016 với nhiều tín hiểu khả quan. Trong đó, lợi nhuận sau thuế quý 3/2016 đạt 1.273 tỷ đồng, tăng 210 tỷ đồng, tương ứng 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái, lũy kế 9 tháng đạt 3.658 tỷ đồng.
Có vốn góp chủ sở hữu là 6.413 tỷ đồng nhưng do kinh doanh hiệu quả nên vốn chủ sở hữu của ông lớn ngành bia vọt lên 14.403 tỷ đồng.
Dù vậy, Bia Sài Gòn vẫn còn một điểm đáng lưu ý chính là hoạt động đầu tư chưa hiệu quả. Trong đó, đặc biệt phải kể đến nguồn vốn rót vào các ngân hàng thương mại. Vì những khoản đầu tư này, Bia Sài Gòn phải “treo” hàng trăm tỷ đồng cho dự phòng rủi ro.
Cổ phiếu bia lao đao
Nhà đầu tư đã đoán được sức nóng của SAB trong ngày chào sàn. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã dự báo sai về sức nóng của ngành bia. Ngược với kỳ vọng của những người tham gia thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngành bia không những không “ăn theo” “anh cả” mà còn suy giảm bất ngờ.
Trước khi SAB niêm yết, BHN của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Bia Hà Nội – Habeco) là cổ phiếu ngành bia lớn nhất trên thị trường. Hôm nay, đầu phiên, BHN tăng nhẹ theo SAB nhưng rất nhanh chóng, cổ phiếu này đảo chiều suy giảm.
Có thời điểm, BHN rơi xuống “đáy” 105.700 đồng/CP sau khi giảm 3.300 đồng/CP. Như vậy, lúc mất mát nhiều nhất trong phiên sáng 6/12, vốn hóa thị trường Bia Hà Nội “bốc hơi” 765 tỷ đồng xuống còn 24.501 tỷ đồng.
Cổ phiếu BHP của Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Hải Phòng mất mát khá lớn khi giảm 1.900 đồng/CP xuống 20.000 đồng/CP. Trên bảng dư mua, thậm chí đã xuất hiện lệnh mua BHP ở mức giá sàn. Đà giảm của BHP khiến vốn hóa thị trường Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Hải Phòng “bốc hơi” 17,4 tỷ đồng.
Cổ phiếu SMB của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung giảm 4.400 đồng/CP xuống 47.500 đồng/CP. SMN khiến vốn hóa thị trường Cổ phiếu SMB của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung giảm 131 tỷ đồng.
Cổ phiếu HAT của Công ty Cổ phần Thương mại Bia Hà Nội cũng ghi tên mình vào danh sách các cổ phiếu ngành bia lao đao khi giảm 4.000 đồng/CP xuống 62.000 đồng/CP. Vì HAT, vốn hóa thị trường công ty hao hụt 12,5 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSP của công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Phú Thọ thậm chí còn lao dốc mạnh hơn khi giảm 5.100 đồng/CP xuống 38.200 đồng/CP. BSP khiến vốn hóa thị trường công ty “bốc hơi” 63,8 tỷ đồng.
WSB của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Tây mới là mã chứng kiến đà rơi chóng mặt. Gần cuối phiên sáng, WSB giảm 11.800 đồng/CP xuống 81.000 đồng/CP. Vì vậy, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Tây đã “đánh rơi” 171 tỷ đồng.
Bình luận