• Zalo

Kịch bản Nga-Triều Tiên lập đơn vị không quân chung khiến chuyên gia Mỹ lo lắng

Quân sựThứ Sáu, 26/01/2024 15:08:43 +07:00Google News
(VTC News) -

Vị chuyên gia Mỹ đã chỉ ra những cách mà Nga và Triều Tiên có thể tăng cường hợp tác quốc phòng trong tương lai và hành động này sẽ khiến Mỹ phải lo ngại.

Triều Tiên trong những năm gần đây đã đầu tư nhiều vào việc hiện đại hóa các cơ sở không quân của mình và trình làng các loại tên lửa không đối không nội địa mới.

Công việc này bắt đầu vào năm 2021 tại một trong những căn cứ không quân quan trọng nhất của nước này, đó là sân bay Sunchon. Sân bay này nằm cách Bình Nhưỡng 45 km về phía đông bắc. Đây là căn cứ chính, có đường băng lớn, các nhà chờ máy bay, sân đỗ và đường lăn hiện đại.

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, Triều Tiên đã hiện đại hóa toàn diện hệ thống phòng không trên mặt đất với các thế hệ hệ thống tên lửa đất đối không mới ngày càng hiện đại, vì vậy họ sẽ tìm cách đầu tư vào việc mua bổ sung các máy bay chiến đấu mới để đóng vai trò hỗ trợ trên không.

Chủ tịch Kim Jong-un bên Su-35 Nga và phi công sau chuyến bay trình diễn.

Chủ tịch Kim Jong-un bên Su-35 Nga và phi công sau chuyến bay trình diễn.

Triều Tiên nỗ lực mua máy bay chiến đấu

Thương vụ mua máy bay chiến đấu gần đây nhất của Triều Tiên được biết đến là 30 chiếc chiến đấu cơ thế hệ thứ ba MiG-21BiS, mua từ Kazakhstan năm 1997.

Tuy nhiên, đơn đặt hàng này chưa bao giờ được thực hiện do sự can thiệp của Mỹ đã gây áp lực lên Kazakhstan. Điều này nêu bật những khó khăn Bình Nhưỡng phải đối mặt trong thời kỳ hậu Xô Viết, nơi tất cả các đối tác thương mại lớn ngoại trừ Iran đều hết sức thận trọng để tránh làm mất lòng Washington.

Các nguồn tin Triều Tiên cũng cho biết, nước này tiếp tục được cấp phép sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư MiG-29 với sự hỗ trợ của Nga cho đến đầu những năm 2000, trong đó những chiếc MiG do Triều Tiên chế tạo đã bay lần đầu tiên vào năm 1993 và 15 chiếc đã được sản xuất vào cuối thập kỷ này.

Sau đó Triều Tiên cũng đã tìm cách mua máy bay chiến đấu Su-35 của Nga để bổ sung cho lực lượng không quân nhằm thay thế những chiếc MiG-29. Tuy nhiên có hai yếu tố chính đã ngăn cản Moskva bán máy bay mới cho Triều Tiên khi đó.

Đầu tiên là việc duy trì quan hệ với Hàn Quốc và Mỹ, điều mà từ những năm 1990 đã được Moskva ưu tiên trong chiến lược hướng đông của mình. Và rào cản thứ hai là do các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm các nước xuất khẩu vũ khí cho Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và con gái Kim Ju-ae tại sân bay Sunchon được tân trang lại bằng MiG-29. (Ảnh: KCNA)

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và con gái Kim Ju-ae tại sân bay Sunchon được tân trang lại bằng MiG-29. (Ảnh: KCNA)

Cách Nga hỗ trợ Triều Tiên

Chuyên gia về an ninh Triều Tiên AB Abrams nhận định rằng, Nga có thể tìm cách để vượt qua lệnh cấm vận vũ khí của Hội đồng Bảo an LHQ và ông chỉ ra Moskva có hai phương án chính để đạt được điều này.

Đầu tiên, có thể Nga sẽ xuất khẩu máy bay chiến đấu sang Triều Tiên, những loại máy bay mà Triều Tiên đã có sẵn như MiG-29. Để đối phó với các câu hỏi từ phương Tây thì họ có thể giải thích rằng, đây là những chiếc máy bay đã được sản xuất và nâng cấp trong chính Triều Tiên.

Hiện Triều Tiên đang biên chế một trung đoàn máy bay MiG-29, bất cứ hình ảnh được chụp bằng vệ tinh nào mà phương Tây đưa ra đều có thể được giải thích đơn thuần là những chiếc MiG-29 được đưa ra khỏi kho và đây là những chiếc máy bay được giao trước khi lệnh cấm vận được áp dụng.

Những chiếc MiG-29 mới của Triều Tiên có thể sẽ được hưởng lợi từ hệ thống điện tử hàng không, radar mới và tích hợp những vũ khí hiện đại hơn. Vị chuyên gia này nhấn mạnh rằng, MiG-29 có chi phí hoạt động tương đối thấp và vẫn là máy bay chiến đấu tối ưu cho nhu cầu phòng thủ của Triều Tiên hiện nay. 

Lựa chọn thứ hai được Abrams nhấn mạnh có thể mang lại nhiều biến đổi hơn cho cán cân quyền lực ở Đông Á là việc “chia sẻ hệ thống vũ khí và thành lập các đơn vị chung giữa hai nước”. Ví dụ tiêu biểu là các đơn vị không quân của Liên Xô trong Chiến tranh Triều Tiên và việc Mỹ chia sẻ vũ khí hạt nhân cho các hoạt động chung với các thành viên NATO ở châu Âu.

Máy bay MiG-29 và MiG-25 của Triều Tiên tại sân bay Sunchon.

Máy bay MiG-29 và MiG-25 của Triều Tiên tại sân bay Sunchon.

Vị chuyên gia này chỉ ra rằng, “Nếu Triều Tiên mua những loại máy bay chiến đấu mới của Nga, chẳng hạn như máy bay chiến đấu Su-35 và Su-57 – những chiếc máy bay được lãnh đạo Kim Jong-un thị sát trong chuyến thăm Nga vào tháng 9/2023. Những chiếc máy bay này có thể sẽ có nhân viên Nga đi cùng để hoạt động tại các căn cứ của Triều Tiên và được thông báo là hoạt động dưới sự chỉ đạo của một đơn vị chung do Nga quản lý. Những máy bay chiến đấu tầm xa như vậy rất dễ dàng bay qua Hàn Quốc từ các sân bay của Triều Tiên nằm sát biên giới Nga, trong khi vẫn đảm bảo được các nhiệm vụ như đánh chặn máy bay ném bom Mỹ trong phạm vi khu vực”.

Abrams nói thêm rằng “các đơn vị này sẽ chỉ được trang bị cho nhiệm vụ phòng không nên không có khả năng triển khai vũ khí hạt nhân và có thể sẽ không được trang bị vũ khí không đối đất”. Biện pháp này “sẽ là chìa khóa để xua tan mọi lời chỉ trích rằng, Nga đang cung cấp vũ khí cho Triều Tiên và phớt lờ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Chủ tịch Kim Jong-un thị sát buồng lái Su-57.

Chủ tịch Kim Jong-un thị sát buồng lái Su-57.

Đánh giá của Abrams được đưa ra sau khi Nga đã tăng gấp đôi sản lượng máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57 trong năm 2023, với số lượng dự kiến ​​sẽ tăng thêm 80-90% vào năm 2024, cho phép đáp ứng các đơn đặt hàng trong nước và sẽ bảo đảm cho xuất khẩu.

Trước đó, Nga cũng đã chia sẻ vũ khí hạt nhân cho Belarus vào năm 2023 theo một thỏa thuận tương tự như những thỏa thuận mà Mỹ tiến hành với các đồng minh châu Âu. 

Lê Hưng(Nguồn: Military Watch)
Bình luận
vtcnews.vn