• Zalo

Khu tự trị Đồi Capitol: Dân biểu tình Mỹ thử nghiệm cuộc sống không cảnh sát

Tư liệuChủ Nhật, 14/06/2020 15:31:15 +07:00Google News
(VTC News) -

Những người biểu tình lập ra "khu tự trị Đồi Capitol" như một thử nghiệm cho cuộc sống không có sự hiện diện của cảnh sát.

Bên ngoài đồn cảnh sát Đồi Capitol ở Seattle (Mỹ), những người biểu tình và lực lượng trị an suốt cả tuần nay mắc kẹt trong sự bế tắc mà đôi lúc đi kèm với những màn khói hơi cay.

Trước sự phản ứng ngày một gia tăng sau cái chết của George Floyd, Sở cảnh sát Seattle đã nhượng bộ. Họ sẵn sàng rời bỏ trụ sở và cho phép người biểu tình tự do kiểm soát khu vực bên ngoài.

Ở khu vực gần đó, nơi vốn là trung tâm văn hóa và nghệ thuật của thành phố, người biểu tình đang tận dụng từng giây phút. Họ dựng lên các chướng ngại, lập rào chắn các con phố và chiếm lấy một số khu vực mà giờ đây được gọi là "Khu tự trị Đồi Capitol".

Khu tự trị Đồi Capitol: Dân biểu tình Mỹ thử nghiệm cuộc sống không cảnh sát - 1

Người biểu tình tiếp tục lên tiếng trong khu tự trị Đồi Capitol.

"Vùng đất này bây giờ là tài sản của người dân Seattle" là dòng chữ trên một tấm biển đặt trước cửa đồn cảnh sát đang tạm thời bỏ hoang.

Toàn bộ khu vực này bây giờ trở thành cái nôi của bình đẳng sắc tộc và có thể còn hơn thế nữa.

Những gì đang xảy ra ở đây chính là cuộc thử nghiệm của cuộc sống không có cảnh sát. Hàng trăm người tụ tập để nghe các buổi diễn thuyết, đọc thơ và ca nhạc.

Đêm thứ Ba, họ ngồi giữa giao lộ cùng nhau xem bộ phim "Lần thứ 13" (13th), tác phẩm điện ảnh của Ava DuVernay nói về những tác động của hệ thống tư pháp đến cộng đồng người Mỹ gốc Phi.

Thứ Tư, người ta thấy những đứa trẻ cầm phấn vẽ lên mặt đường.

Video: Người biểu tình chiếm khu phố ở Seattle, lập 'khu tự trị'

Một khu phố được sắp xếp dành riêng cho người hút thuốc. Một nơi khác được bố trí làm trạm y tế. Ở khu vực được gọi là "Hợp tác xã không cảnh sát", mọi người có thể lấy nước ngọt và đồ ăn miễn phí. Họ không dùng đến tiền, trừ một quầy hàng bán bánh kẹp xúc xích giá 6 USD.

Đêm thứ Tư, Tổng thống Donald Trump đã cố gắng vẽ ra một khung cảnh kinh khủng hơn. Ông kêu gọi chính quyền trấn áp người biểu tình và viết lên Twitter rằng "Khủng bố trong nước đã chiếm lấy Seattle".

"Giành lại thành phố của các người ngay bây giờ", ông Trump viết trên Twitter, trực tiếp nhắm đến Thị trưởng Jenny Durkan và Thống đốc Jay Inslee. "Nếu các người không làm điều đó, tôi sẽ làm. Đây không phải trò chơi".

Bà Durkan đáp trả: "Để chúng tôi được yên. Quay về hầm trú ẩn của ông đi".

Khu tự trị Đồi Capitol: Dân biểu tình Mỹ thử nghiệm cuộc sống không cảnh sát - 2

Rào chắn được dựng lên bao quanh khu vực bị người biểu tình chiếm đóng.

Cảnh sát trưởng Carmen Best phát biểu trong một đoạn video gửi đi vào ngày thứ Năm rằng việc rời bỏ trụ sở không phải quyết định của bà và bản thân bà rất giận dữ vì những điều đang xảy ra. Bà cũng bày tỏ sự lo ngại, dù không có căn cứ nào cả, về những vấn đề như các doanh nghiệp bị đòi tiền bảo kê.

Bà Best sau đó nói rằng không có báo cáo chính thức nào và những chuyện đó chỉ được lan truyền trên mạng xã hội. Liên minh Doanh nghiệp Đồi Capitol cho biết họ đã liên hệ tới các doanh nghiệp trong khu vực và không nhận được bất cứ báo cáo nào về những vụ việc như vậy.

Hoạt động của "khu tự trị" ngày càng nhận được sự ủng hộ ngầm của thành phố. Harold Scoggins, người đứng đầu Sở Cứu hỏa, cũng có mặt ở đó hôm thứ Tư để đối thoại với người biểu tình, kết nối họ đến Sở Cảnh sát và đảm bảo rằng khu vực này có đầy đủ nhà xí và dịch vụ vệ sinh.

"Tôi không biết chúng tôi sẽ đi đến đâu", Scoggins chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn. "Chúng tôi đang từng bước gây dựng mối quan hệ, xây dựng lòng tin từ những thứ nhỏ nhặt để có thể cùng nhau tìm ra cách giải quyết".

Khu tự trị Đồi Capitol: Dân biểu tình Mỹ thử nghiệm cuộc sống không cảnh sát - 3

Dân biểu tình lắng nghe một buổi diễn thuyết.

Những người biểu tình cũng đang cố gắng giải quyết khi các nhóm người đặt ra những ưu tiên khác nhau. Có một bản danh sách gồm ba yêu cầu được dán lên tường: bỏ ngân sách cho Sở Cảnh sát, đầu tư vào y tế cộng đồng và hủy tất cả cáo buộc đối với người biểu tình.

Nhưng trên một hàng rào gần đó, bản danh sách khác lại có tới năm điều. Trên mạng còn có một bản 30 yêu sách.

Trong khi cái chết của George Floyd ở Minneapolis kích động làn sóng biểu tình đòi chấm dứt nạn bạo lực và kỳ thị chủng tộc của cảnh sát, nhiều người lại hướng đến vấn đề rộng hơn. Có những thông điệp gợi nhắc tới phong trào Chiếm Phố Wall năm 2011, nhắm vào các tập đoàn Mỹ vì tác động của họ trong việc gây ra tình trạng bất bình đẳng xã hội.

Đêm thứ Ba, Kshama Sawant, thành viên của Hội đồng Thành phố dẫn đầu đoàn biểu tình kéo đến Tòa thị chính và tổ chức một cuộc tụ họp bên trong tòa nhà để vận động cho kế hoạch đánh thuế Amazon, công ty đặt trụ sở ở Seattle.

Dù vậy, một số người đến đây vì vấn đề sắc tộc và cảnh sát đã bắt đầu lo lắng rằng những vấn đề lớn hơn có thể che mờ mục tiêu chính khi cuộc đấu tranh cho người Mỹ gốc Phi đã gần đạt được những bước tiến quan trọng.

"Chúng ta chỉ nên tập trung cho một thứ trước", Moe'Neyah Dene Holland, nhà hoạt động 19 tuổi của phong trào Black Lives Matter phát biểu. "Những thứ khác có thể theo sau vì, thật sự là, người da đen đang chết dần chết mòn và đây mới là điều chúng ta phải tập trung vào".

Chính quyền thành phố đã chuẩn bị ứng phó với khả năng các cuộc biểu tình có thể kéo dài. Thứ Tư, một nhóm người của Sở Giao thông Seattle định thay thế một số rào chắn bằng hộp trồng cây để thay đổi không khí cho khu tự trị.

Tuy nhiên khi họ đến dọn dẹp các rào chắn, một số người biểu tình đã phản đối. Phó giám đốc Rodney Maxie dặn các nhân viên của ông quay lại vào lúc khác, sau khi nói chuyện với những người biểu tình.

"Đây là cuộc tập dượt tốt cho trường hợp động đất 9.0 độ richter", ông nói.

Khu tự trị Đồi Capitol: Dân biểu tình Mỹ thử nghiệm cuộc sống không cảnh sát - 4

Người biểu tình được nhận đồ ăn và thức uống miễn phí bên trong khu tự trị.

Những người biểu tình cũng có những quan điểm khác nhau về việc khu tự trị sẽ được duy trì trong bao lâu. Có người tự hỏi liệu cảnh sát có cố chiếm lại khu vực này hay không. Những người khác cho biết họ mong đợi rào chắn sẽ được giữ ở đó hàng tuần, cho đến khi chính quyền đáp ứng đủ những yêu cầu của họ.

John Moore, 23 tuổi, đang làm việc ở trạm y tế tạm thời vừa được dựng lên trong sân của một nhà hàng taco. Anh mong rằng khu tự trị này sẽ được công nhận hợp pháp. Nhóm của Moore đang mong đợi sẽ có một nơi làm việc dài lâu. Moore cho biết họ có hàng tá người sở hữu đủ loại chứng nhận hành nghề. Anh cũng cho rằng thử nghiệm một khu vực không có cảnh sát có thể sẽ hiệu quả.

"Chúng tôi đang cố gắng chứng minh bằng hành động, rằng chúng tôi không cần cảnh sát mà vẫn có thể đáp ứng nhu cầu của cộng đồng", Moore cho biết.

Tiểu Cường(Nguồn: The New York Times)
Bình luận
vtcnews.vn