(VTC News) - Thiếu nước sinh hoạt, "sống chung với... rắn", ngủ gần chuồng lợn... là cuộc sống của nhiều người dân tỉnh lẻ ở “khu ổ chuột” Đồng Đằng Ngải (Từ Liêm - Hà Nội).
Giữa lòng thành phố xa hoa, lộng lẫy vẫn có những khu nhà xập xệ, được xây tạm bợ cho những người lao động thuê sống tạm qua ngày.
Quả thực ngoài cái vỏ bọc bên ngoài là những ngôi nhà cao tầng chọc trời, những khu đô thị lớn, chỉ cách vài bước chân lại là những căn nhà, túp lều bé tẹo, lụp xụp, được lắp tạm bợ bởi những tấm ván, fibro xi măng cũ rích, chắp vá tứ tung, dựng lên để che nắng che mưa.
Những căn nhà lụp xụp, được dựng lên bởi các tấm ván, fibroxi măng. |
Những người thuê trọ ở đây chủ yếu là dân nghèo từ các tỉnh như Thanh Hóa, Nam Định, Phú Thọ, Hưng Yên... Do hoàn cảnh khó khăn, lên Hà Nội với đôi bàn tay trắng, để giảm chi phí một cách tối đa họ phải chấp nhận cảnh sống dưới mức tối thiểu này.
Nỗi khổ mang tên “nước sạch”Bước vào khu trọ, đập vào mắt chúng tôi là những bãi rác, sự hôi hám, mùi ẩm mốc bốc lên rất mất vệ sinh. Bể giếng khoan là nơi tắm rửa, ăn uống, vệ sinh của tất cả mọi người.
Bể nước giếng khoan dùng chung cho cả khu trọ |
Theo lời kể của chị Mận (quê Nam Định), mọi người ở đây đều dùng chung nước, mỗi tháng mỗi người phải đóng 60.000, nhưng nguồn nước ở đây không được đảm bảo.
"Chúng tôi phải đi mua hoặc đi xin ở ngoài nhà dân, mang về nấu ăn, cũng không dám dùng nước giếng để ăn, chỉ dùng để giặt giũ và tắm rửa, đôi khi còn không đủ nước mà dùng. Sáng sớm đi làm cũng không có nước mà đánh răng, rửa mặt” - chị Mận kể.
Chị Mận phải đi mua nước ở ngoài về nấu cơm |
Ngoài việc phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm thì an ninh ở xóm trọ cũng không được đảm bảo. Tình trạng mất trộm vẫn xảy ra thường xuyên.
“Mọi người ở đây ngày nào cũng phải ngửi mùi hôi thối từ chuồng lợn của chủ nhà, đặc biệt “nhà nào càng gần chuồng lợn thì giá tiền phòng càng rẻ”- chị Lê thuê trọ ở đây chia sẻ.
Được biết, phòng trọ 12m vuông có giá từ 500.000- 600.000, còn phòng bé hơn tầm 8m vuông thì có giá là 300.000. Thêm vào đó là chi phí điện nước tương đối cao.
Rắn “rơi tự do”.
Không chỉ thiếu thốn đủ bề, cuộc sống của người lao động nơi đây cũng đang đối diện với nhiều hiểm nguy, đe dọa cả tính mạng.
Chị Lê kể : “Ngày trước tôi ở phòng bên, rắn rết bò vào trong nhà, ở trên trần và trong góc phòng đều có, còn có cô ở đây đi chợ về thấy con rắn to như ngón chân cái quận tròn gần chum gạo.
Rắn còn nhảy nhảy ở trên nóc nhà, tôi lấy que chọc, mà nó còn rơi hẳn xuống, đôi khi rắn còn nhảy tưng tưng trên nóc. Vì muốn bảo đảm an toàn hai vợ chồng tôi phải chuyển sang phòng này, chấp nhận đắt hơn để đảm bảo an toàn tính mạng”.
Những căn phòng trọ này sẵn sàng chấp nhận cảnh "rắn rơi tự do" |
Chị Mận tâm sự: “Lên đây làm ăn một thân một mình cũng lủi thủi, buồn nhớ chồng, bố mẹ già ở nhà, nhớ quê hương, làng xóm, đôi khi nằm ngủ mà nước mắt cứ ứa ra. Nhưng có đứa con gái út học ngoài này, thỉnh thoảng cũng đến thăm nên cũng an ủi được phần nào”.
Cuộc sống của chị Lê khiến nhiều người không khỏi ái ngại |
Nói chuyện với chị Lê một lúc, chị cũng nghẹn ngào tâm sự : “lúc đầu lên đây có hai vợ chồng, nhưng khi đưa con đi học chồng chị găp tai nạn bị gãy xương cổ, giờ ngoài này có mình chị một thân một mình bươn chải. Thân gái dặm trường đi làm, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần nên nhiều khi cũng tủi thân lắm”.
Tuy ở đây mọi người đến từ những tỉnh khác nhau nhưng họ vân rất thân thiết, đùm bọc lẫn nhau, có chị có em, mối khi tối lửa tắt đèn.
Rời xóm trọ, hình ảnh những căn phòng chật chội ẩm thấp, chiếc giếng khoan phun nước vàng khè, cùng những con rắn độc lủng lẳng trên đầu… cứ không thôi ám ảnh chúng tôi.
Còn biết bao mảnh đời khốn khổ đang vì mưu sinh mà chấp nhận cuộc sống thiếu thốn đủ bề trong những "khu ổ chuột" rách nát này? Câu hỏi đó cứ mãi trở đi trở lại...
Kiều Anh
Bình luận