Với mục tiêu, phát triển KDLQG Cao nguyên đá Đồng Văn bền vững, chuyên nghiệp, bảo đảm lợi ích cộng đồng dân cư, góp phần xóa đói, giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, bảo đảm an ninh, quốc phòng, toàn vẹn lãnh thổ Quốc gia và trật tự an toàn xã hội; phấn đấu đến năm 2025, phát triển Công viên Địa chất (CVĐC) toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn thành khu du lịch đặc biệt với cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; đến năm 2030, đáp ứng các tiêu chí và được công nhận Khu du lịch quốc gia, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 5 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 13 nghìn lao động trực tiếp.
Từ những định hướng phát triển cụ thể, quy hoạch tổng thể góp phần đưa du lịch tỉnh nhà trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị; tạo được sự liên kết du lịch giữa Hà Giang với các vùng miền trong cả nước và khu vực Trung du, miền núi phía Bắc; đồng thời là cơ hội để đáp ứng các tiêu chí của UNESCO đối với Công CVĐC trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị về tài nguyên di sản địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học, di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên; thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân.
Tuy nhiên, khi trở thành khu du lịch đặc biệt với cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ không tránh khỏi những tác động của sự "giao thoa văn hóa", sự can thiệp từ các công trình xây dựng đến môi trường, cảnh quan.
Ở nhiều địa phương trong cả nước, sự phát triển du lịch nóng vội đã phá vỡ quy hoạch, mất dần bản sắc văn hóa và không tính đến sinh kế cho người dân dẫn đến nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và làm mất đi sự hấp dẫn riêng có của cảnh quan... Du lịch Hà Giang đi sau, cần phải đón đầu và đúng định hướng.
Trả lời phóng viên về giải pháp phát triển bền vững KDLQG Cao nguyên đá Đồng Văn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang kiêm Trưởng Ban quản lý CVĐC toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, Lâm Tiến Mạnh cho biết: "Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thấy rõ giá trị của việc giữ gìn, bảo vệ tài nguyên di sản địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học, di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên trên Cao nguyên đá đối với việc phát triển du lịch.
Nêu cao vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trong khai thác, quản lý các điểm di sản gắn với phát triển du lịch, dịch vụ; khuyến khích các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, địa chất, khám phá và nghiên cứu khoa học gắn với các sản phẩm "Thổ canh hốc đá".
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương vùng CVĐC trong việc quản lý, phát huy các giá trị di sản; làm tốt công tác giáo dục cộng đồng đối với việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị CVĐC.
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đảm bảo tính chuyên nghiệp để du lịch phát triển bền vững".
Hiện nay, UBND tỉnh đang phối hợp với các chuyên gia của Mạng lưới CVĐC xây dựng các tuyến du lịch trong ngày trên Cao nguyên đá như: Tuyến Quản Bạ - Yên Minh "Hành trình lên khởi nguồn của sự sống"; tuyến Yên Minh - Đồng Văn "Giai điệu cuộc sống trên miền đá"; tuyến Đồng Văn - Mèo Vạc "Hành trình tới tự hào và hạnh phúc" và sẽ tiếp tục khảo sát, xây dựng các tuyến khác trên CVĐC để hình thành và đa dạng hóa các sản phẩm, đảm bảo du lịch của tỉnh phong phú về loại hình, đặc sắc về chất lượng; đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải cách hành chính, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển giao thông đồng bộ để liên kết và phát triển du lịch.
Bình luận