• Zalo

Khu du lịch mọc giữa rừng phòng hộ Quảng Nam, liệu có sự bao che cho con ông quan huyện?

Thời sựThứ Ba, 19/03/2019 07:50:00 +07:00Google News

Mảnh đất mọc lên khu nghỉ dưỡng trái phép khiến dư luận dậy sóng đứng tên con trai của Phó Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Duy Xuyên.

Những ngày vừa qua, câu chuyện Bí thư Đoàn xã Duy Sơn Ngô Phi Nhị (huyện Duy Xuyên) “bắt tay” với một nhà thiết kế trong TP.HCM ngang nhiên dựng khu nghỉ dưỡng trái phép ngay giữa rừng phòng hộ vẫn chưa đi đến hồi kết.

1

Khu nghỉ dưỡng "chui" mọc giữa rừng phòng hộ. 

Khi chính quyền địa phương còn đang loay hoay với “bài toán” cưỡng chế tháo dỡ công trình sai phạm thì dư luận đang đặt ra câu hỏi: Liệu có sự ưu ái cho cái sai? Cái sai rõ ràng ai cũng thấy thuộc về Ngô Phi Nhị - con trai của ông Ngô Bốn, Phó Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Duy Xuyên.

Nói huỵch toẹt ra là người dân tự bao đời bám cánh rừng Trà Lý kiếm kế sinh nhai đang băn khoăn với nỗi hoài nghi: Liệu chính quyền có ngó lơ khi khu nghỉ dưỡng mọc lên giữa rừng do Nhà nước quản lý?

Sự hoài nghi ấy hoàn toàn có cơ sở. Cơ sở đó đến từ những dữ kiện do chính vị lãnh đạo huyện Duy Xuyên cung cấp cho PV VTC News.

Một ngày đầu tháng 3, tại buổi trả lời báo chí, ông Lê Trung Cường (Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên) thông tin, trong khu rừng Trà Lý rộng mênh mông, ông Ngô Phi Nhị đứng tên chủ đất chừng 2,9 héc ta.

Trước 2017 (tức thời điểm khu đất của ông Nhị chưa được quy hoạch thành đất rừng phòng hộ), như bao nông dân địa phương khác, ông Nhị vào rừng phát quang bụi rậm, trồng keo.

2 năm qua, ông Nhị vẫn dựng lều, trồng lúa và hoa màu.

Tuy nhiên, lùm xùm bắt đầu nảy sinh từ thời điểm cuối năm 2018 khi ông Nhị và nhà thiết kế Đinh Văn Thơ xin cải tạo đất để trồng trọt thêm một số loại cây khác.

Thay vì thực hiện theo đúng cam kết với chính quyền xã, ông Đinh Văn Thơ đã tự ý đưa máy móc, nhân lực vào thi công. Hình hài một khu nghỉ dưỡng sinh thái đẹp tựa như tranh vẽ dần dà hiện hữu ngay giữa rừng phòng hộ.

Bên ngoài khu nghỉ dưỡng ghi rõ “Gia tư riêng” được bao bọc bởi hàng rào thép lưới B40. Ngay cạnh cổng ra vào là xưởng mộc.

Bên trong khu nghỉ dưỡng là những thửa đất được cải tạo phục vụ cho việc trồng hoa, rau màu. 

Cũng trong khu đất rộng chừng 1ha mang dáng dấp của khu nghỉ dưỡng còn có những ngôi nhà tranh tre thuần Việt. Ngay giữa lòng hồ nước còn mọc lên cả một căn nhà bằng gỗ sang trọng.

10

Vườn cây trái xanh ngắt một màu trong khu nghỉ dưỡng. 

Khu nghỉ dưỡng đẹp lên từng ngày, nỗi bức xúc của người dân địa phương theo đó cũng nhân gấp bội. Chẳng mấy chốc, tuyến đường DH8 dẫn vào khu nghỉ dưỡng bị xe lớn, xe nhỏ vận chuyển vật liệu phục vụ cho “Gia tư riêng” băm nát đến thê thảm.

Và khi đã quá “chướng tai gai mắt” với khu nghỉ dưỡng, bà con làng Chánh Lộc (những cư dân sinh sống ngay sát bìa rừng phòng hộ Trà Lý) mới mang nỗi bực dọc dồn nén bấy lâu trình bày với chính quyền địa phương.

Lạ thay, khu nghĩ dưỡng “chui” mọc sừng sững giữa rừng phòng hộ, từ người già tới con trẻ đều biết và ấm ức từng ngày, vậy mà chính quyền địa phương không hay (?).

Ngày 4/3, khi PV VTC đặt câu hỏi: "Tại sao cơ quan chức năng không ngăn chặn ngay từ đầu hành vi của ông Bí thư Đoàn xã?", ông Phó Chủ tịch huyện Duy Xuyên lấy lý do "Họ (chủ khu nghỉ dưỡng) lén lút xây dựng".

“Lợi dụng thời gian Tết Nguyên đán, họ thuê nhân công, đưa máy móc vào dựng lên các hạng mục không được cấp phép. Ngay khi tiếp nhận thông tin phản ảnh của người dân, huyện đã yêu cầu dừng thi công”, ông Lê Trung Cường bao biện cho việc thiếu giám sát của cơ quan chức năng.

4 3

Đến bao giờ, công trình sai phạm này mới bị tháo dỡ? 

Sai thì xử lý, khắc phục. Đó là điều hiển nhiên. Ban đầu, chính quyền huyện Duy Xuyên yêu cầu ông cán bộ đoàn và nhà thiết kế phải tháo dỡ công trình vi phạm trước ngày 8/3. Sau đó, thời gian này được gia hạn thêm đến ngày 15/3 vừa qua.

Tuy nhiên, tới ngày phải hoàn thành công tác tháo dỡ, chủ khu nghỉ dưỡng vẫn “bình chân như vại”. Tất cả các hạng mục được xây trái phép hầu như còn nguyên xi. Việc dừng lại ở mức độ kiểm điểm nhắc nhở mà Đảng ủy xã Duy Sơn vừa áp dụng đối với Bí thư Đoàn xã Ngô Phi Nhị rõ ràng là chưa thuyết phục. 

Phải chăng “tối hậu thư” mà huyện này đưa ra chẳng khác nào “đàn gảy tai trâu”.

Và mới đây, khi PV tiếp tục đặt câu hỏi "Trước sự chây ì của chủ nhân khu nghỉ dưỡng, huyện xử lý thế nào?", ông Cường buông câu khẳng định chắc nịch: “Huyện đang lên phương án cưỡng chế tháo dỡ”.

Còn cụ thể bao giờ cưỡng chế thì vẫn là một dấu hỏi to đùng bỏ ngỏ câu trả lời.

Người dân ắt hẳn cũng đang muốn biết những ai đã liên quan đến vụ việc này? Nhưng người vi phạm sẽ bị xử lý ra sao? Bởi lẽ, một mình ông Ngô Phi Nhị không thể "che mắt thiên hạ" một việc lớn như vậy cho dù có là con trai của 'quan huyện'.

THANH BA
Bình luận
vtcnews.vn