Theo ông Trần Trọng Hùng, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan, sau vụ cháy trung tâm thương mại Marywilska 44, nơi khoảng 1.000 người Việt làm việc với trên dưới 400 quầy hàng, có thể nói gần 100% bà con có hàng hóa kinh doanh ở đây đều chịu thiệt hại.
“Hiện tại bà con đang chờ các quyết định của các cơ quan chính quyền, bao gồm các bên như cảnh sát, công tố viên, đơn vị phòng cháy chữa cháy, an toàn xây dựng,... liên quan đến vụ cháy thì mới có thể đưa ra những bước tiếp theo. Toàn bộ khu chợ cho đến hôm nay (15/5) vẫn bị phong tỏa”, ông Hùng cho biết.
Theo thông tin báo chí, trung tâm thương mại cũng đang tính đến bước làm một khu kinh doanh tạm thời, nhưng vẫn phải chờ thông tin cụ thể. Về phía những người Việt có gian hàng bị cháy, đến hôm nay vẫn còn nhiều người trụ ở phía ngoài khu chợ để đợi xem khi nào có thể vào kiểm tra, mong muốn khôi phục được tài sản phần nào hay phần đó.
Thiệt hại cụ thể ở mỗi người mỗi quầy hàng khác nhau sẽ có những mức độ khác nhau, có người ước tính là khoảng 20.000 USD, cũng có người là khoảng 400.000-500.000 USD.
Cộng đồng lên phương án hỗ trợ
Ông Trần Trọng Hùng cho biết, cộng đồng người Việt ở Ba Lan, các hội nhóm như hội người Việt, hội doanh nghiệp và các tổ chức khác, sau khi biết tin hỏa hoạn đã có phản ứng rất kịp thời, trước hết là thăm hỏi bà con, và ngay từ những ngày đầu tiên đã có các cuộc họp để phối hợp giữa tất cả các tổ chức, cộng đồng để hỗ trợ bà con.
“Chúng tôi cũng đã kêu gọi sự quyên góp và hỗ trợ thì cũng nhận được sự chia sẻ của rất nhiều các tổ chức từ bà con người Việt ở cả những nước lân cận. Cộng đồng không chỉ gọi điện chia sẻ, hỏi thăm, động viên mà còn có các hình thức quyên góp khác nhau và chúng tôi cũng đã lập ra các tài khoản để mọi người có thể quyên góp hỗ trợ cho bà con ở Marywilska.
Ngoài ra cộng đồng của mình ở đây cũng tổ chức đi đến các khu kinh doanh để quyên góp và cũng nhận được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp”.
Theo ông Hùng, những sự hỗ trợ và quyên góp nhận được lần này là rất lớn so với nhiều lần cộng đồng tổ chức quyên góp, hỗ trợ trước đây. Nhưng thiệt hại của bà con nói chung vẫn còn quá lớn.
Hiện cộng đồng đang chia ra làm các bước hỗ trợ cụ thể để tính đến lâu dài. Ban đầu là một khoản tiền thăm hỏi dành cho tất cả các bà con. Sau đó sẽ chia ra một khoản khác để tập trung vào những gia đình khó khăn hơn và những bà con thực sự cần hỗ trợ. Khoản thứ ba sẽ dành để tổ chức các chương trình hướng dẫn phát triển ngành nghề, tạo cơ hội cũng như học nghề.
“Chúng tôi cũng đã mời các công ty trụ cột trong cộng đồng, những công ty có tiềm năng phát triển để cùng nhau bàn thảo, đưa ra một phương án hỗ trợ lâu dài”, ông Hùng nói.
Thành phố sẽ xây dựng lại khu chợ
Theo Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan, chính quyền thành phố đã quyết tâm sẽ tái thiết khu vực buôn bán này và những công ty trực tiếp quản lý cũng đã công bố muốn phát triển lại khu vực này.
Cùng với đó, cơ quan đại diện tại sứ quán Việt Nam đã liên tục sát cánh với bà con từ những ngày đầu tiên, sau đó liên lạc với các cơ quan của chính quyền tỉnh và các bộ ngành để xin hỗ trợ và trao đổi với họ phương thức hỗ trợ, cũng như cách cung cấp lại các giấy tờ bị mất trong vụ cháy, giải quyết thủ tục hành chính, v.v... cho những người bị ảnh hưởng.
“Đối với khu chợ tạm thì chính quyền thành phố dự định làm trong vòng 1-2 tháng, nhưng cũng phải chờ tình hình thực tế. Còn việc xây dựng lại hoàn toàn sẽ phải tính đến 1-2 năm”, ông Hùng cho biết.
Nói thêm về các vụ cháy tương tự, theo ông Hùng, nguyên nhân có thể xuất phát từ nhiều yếu tố trong đó bao gồm bất cẩn. Một số vụ cháy trước đây xảy ra do chập điện - đến từ sử dụng nguồn điện kém chất lượng hoặc chưa cẩn thận, cộng thêm hàng hóa là những vật dễ cháy để gần các dụng cụ điện đó. Một số yếu tố khác bao gồm cơ sở vật chất, quy mô đám cháy, tốc độ lan, hệ thống phòng chữa cháy... đều có thể ảnh hưởng đến thiệt hại. Vụ cháy mới đây được đánh giá là có quy mô lớn hơn các vụ trước rất nhiều.
“Trong giai đoạn có các vụ cháy xảy ra thì cộng đồng mình và những trung tâm thương mại cũng đã đưa những phương án như là ngắt điện, ngắt cầu dao của các quầy khi hết giờ làm việc, và biện pháp này cũng đã giúp được rất nhiều. Tuy nhiên, với đám cháy mới đây thì việc ngắt cầu dao thậm chí chưa kịp thực hiện. Có nghĩa là trong khoảng thời gian từ lúc đóng quầy đến lúc các bảo vệ đi ngắt cầu dao thì vụ cháy đã xảy ra rồi, và mọi người đều được yêu cầu phải ra ngoài, sau đó không thể cứu được hết tất cả các khu vực bị cháy”.
Bình luận