Nguyễn Thị Lan, 32 tuổi, sống tại Hà Nội, trải qua hành trình đầy khó khăn, đau đớn sau sinh mổ. Vết sẹo ở bụng khiến chị luôn tự ti, không dám mặc những bộ trang phục yêu thích. Chị quyết định đi xăm hình để che vết sẹo, mong những cánh hoa xăm sẽ giúp chị lấy lại tự tin.
Những ngày đầu sau khi xăm hình, chị Lan vui vì các hình xăm đã giấu đi vết sẹo ở bụng, giúp chị tư tin hơn. Tuy nhiên, sau vài tháng mỗi cánh hoa xăm lại biến thành một cái sẹo mới lồi lên, xấu xí hơn.
Chồng chị, lo lắng cho sức khoẻ của vợ nên đưa đến Bệnh viện Da liễu Trung ương thăm khám, điều trị. Chị Lan mất gần 2 năm để xoá đi hình xăm cũng như xử lý phần sẹo lồi của mình.
Tương tự chị Lan, Thảo, cô gái 26 tuổi cũng tìm đến bệnh viện để cầu cứu bác sĩ do gặp biến chứng xoá hình xăm. Cô gái vừa tốt nghiệp đại học, bắt đầu bước vào thị trường lao động. Thảo là người đam mê nghệ thuật, ngay từ khi còn trẻ cô quyết định xăm một hình lớn trên vai trái, biểu tượng cho sự tự do và cá tính của mình. Hình xăm là một phần của bản thân cô, Thảo luôn tự hào về nó. Tuy nhiên, khi bắt đầu đi xin việc, Thảo gặp phải nhiều khó khăn hơn cô tưởng.
Thảo háo hức khi được mời phỏng vấn tại một công ty lớn mà cô mơ ước. Có kỹ năng và kinh nghiệm nhưng nhà tuyển dụng không nhận Thảo. Sau vài lần như vậy, Thảo dần nhận ra ánh mắt "khác lạ" của nhà tuyển dụng khi thấy hình xăm trên người cô gái. Thảo cho rằng hình xăm đang trở thành rào cản lớn trong quá trình tìm việc nên quyết định xóa bỏ xăm.
Thảo tìm đến một cơ sở xóa xăm được quảng cáo rộng rãi trên mạng với giá rẻ và cam kết hiệu quả. Ngay ngày hôm sau, vùng da xóa xăm bắt đầu trở nên bỏng rát và phồng rộp. Thảo cảm thấy lo lắng nhưng cố gắng kiên nhẫn theo dõi tình trạng. Khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, da của cô gái bắt đầu mưng mủ và xuất hiện những vết loét.
Thảo vội vàng tìm đến bệnh viện trong tình trạng viêm nhiễm nặng. Bác sĩ cho biết do cơ sở xóa xăm thiếu uy tín sử dụng thiết bị không đảm bảo chất lượng, kỹ thuật viên thiếu chuyên môn, nên da của Thảo bị nhiễm trùng nghiêm trọng. Quá trình điều trị sau đó kéo dài không chỉ để lại vết sẹo lớn mà còn khiến vùng da bị tổn thương không đều màu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ và sức khỏe của Thảo.
TS.BS Vũ Huy Lượng, Trưởng khoa laser, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết xăm hình là quá trình xâm nhập trực tiếp vào da, không được thực hiện đúng cách và đảm bảo vệ sinh sẽ dễ gây ra nhiễm trùng và biến chứng nghiêm trọng.
“Trường hợp của chị Lan cơ địa sẹo lồi khi thêm tác động từ kim xăm và mực xăm không đảm bảo vệ sinh, nguy cơ nhiễm trùng để lại sẹo càng cao”, bác sĩ Lượng nói và cho biết với Thảo, cô gái gặp biến chứng phổ biến nhất là nhiễm trùng do dụng cụ không được vệ sinh sạch sẽ.
Ngoài biến chứng nhiễm trùng, việc dụng cụ xăm, xoá xăm không được tiệt trùng đúng cách, vi khuẩn và virus có thể xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở, dẫn đến các bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, viêm gan C, và HIV.
“Thợ xăm cần phải có kiến thức cơ bản về vệ sinh và sát khuẩn, song thực tế nhiều cơ sở xăm hình hiện nay không đáp ứng được tiêu chuẩn này”, bác sĩ Lượng cho hay.
Hiện nay, các cơ sở xăm hình mọc lên như nấm sau mưa, nhưng không phải nơi nào cũng được quản lý chặt chẽ và đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh. Theo bác sĩ Lượng, việc quản lý các cơ sở xăm hình cần được thắt chặt hơn nữa để đảm bảo an toàn cho người dân.
Thợ xăm là người tác động trực tiếp lên da thịt, nếu không có kiến thức về vô khuẩn dễ dẫn đến việc lây truyền bệnh. Mỗi loại vi khuẩn, virus có sức đề kháng khác nhau, không thể chỉ dùng một loại dung dịch sát khuẩn chung cho tất cả.
Bên cạnh đó, những người cơ địa dị ứng có thể phản ứng mạnh với mực xăm, gây ra các phản ứng dị ứng, nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, hoặc thậm chí là sốc phản vệ.
Vấn đề nghiêm trọng khác là nguy cơ gây ung thư da từ các loại mực xăm chứa hóa chất độc hại. Nhiều loại mực xăm trên thị trường chứa các kim loại nặng như thủy ngân, chì, và arsen, cũng như các hóa chất như p-phenylenediamine (PPD) và polycyclic aromatic hydrocarbons (PAHs). Thủy ngân, một thành phần thường trong mực xăm màu đỏ, là chất độc hại được chứng minh có khả năng gây ung thư và tổn thương hệ thần kinh. PPD được sử dụng trong mực xăm màu đen, cũng là một chất gây dị ứng mạnh và có thể gây ung thư nếu tiếp xúc lâu dài.
Với những nguy cơ trên, việc chọn lựa cơ sở xăm hình uy tín và kiểm tra kỹ lưỡng thành phần của mực xăm là cần thiết. Để bảo vệ sức khỏe bản thân, người xăm hình cần nâng cao nhận thức về các rủi ro tiềm ẩn và tham khảo ý kiến từ các chuyên gia y tế trước khi quyết định xăm hình. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn để đảm bảo an toàn cho người dân, từ đó giảm thiểu các biến chứng và nguy cơ ung thư da từ việc xăm hình.
Bình luận