• Zalo

Không ủng hộ khoe thân phản cảm với trang phục dân tộc

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 11/12/2012 01:50:00 +07:00Google News

(VTC News) - “Chúng tôi không bao giờ ủng hộ việc khoe thân một cách phản cảm vì thí sinh chính là đại diện đất nước tại các cuộc thi” - ý kiến của Elite VN.

(VTC News) - “Chúng tôi không bao giờ ủng hộ việc khoe thân một cách phản cảm vì thí sinh chính là đại diện đất nước tại các cuộc thi” - Giám đốc Elite Việt Nam nói về việc một số thí sinh diện trang phục dân tộc hở hang tại các đấu trường sắc đẹp thế giới.

Hiện Elite Việt Nam là công ty giữ bản quyền cử thí sinh trong nước đi tham dự rất nhiều cuộc thi sắc đẹp lớn trên thế giới. Do đó hàng năm việc chọn trang phục dân tộc là một trong những bài toán gây đau đầu cho Elite.

Không ít lần những đại diện do Elite cử đi thi thố tại đấu trường sắc đẹp thế giới đã gặp phải sóng gió dư luận với những bộ trang phục dân tộc mình chọn. Điển hình là: Hoàng My tại Hoa hậu Thế giới 2012 bị chê quá hở, Lê Huỳnh Thuý Ngân tại Nữ hoàng Du lịch Quốc tế 2011 cũng bị cho là giống đồ cosplay.


VTC News đã ghi lại ý kiến của bà Nguyễn Thuý Nga - Giám đốc công ty Elite Việt Nam về những khó khăn cũng như quan điểm của Elite trong khâu chọn lựa trang phục dân tộc cho các đại diện của Việt Nam tại đấu trường nhan sắc thế giới.

Bà Nguyễn Thuý Nga - Giám đốc công ty Elite VN, đơn vị giữ bản quyền của rất nhiều cuộc thi sắc đẹp lớn trên thế giới tại Việt Nam. 
Khó đẹp vì sự bảo thủ của người Việt

Việc lựa chọn trang phục dân tộc cho thí sinh tham dự các cuộc thi quốc tế rất quan trọng vì qua trang phục dân tộc mọi người có thể biết thí sinh đến từ đất nước nào và cũng phần nào biết về văn hóa của dân tộc đó.

Chính vì vậy khi quyết định cho thí sinh mặc trang phục dân tộc thế nào trong các cuộc thi quốc tế, Elite đều rất cân nhắc trong việc lên danh sách nhà thiết kế, lên lịch làm việc để cùng trao đổi về ý tưởng của trang phục.

Những bộ trang phục dân tộc thường rất cầu kỳ, nhiều chi tiết nên thời gian để lên ý tưởng và hoàn thiện mất rất nhiều thời gian và sự đầu tư về tài chính. Có những bộ trang phục dân tộc, riêng tiền đầu tư cho vải và phụ kiện, nhân công cũng lên đến trên dưới 10.000 USD.
Trang phục dân tộc của Victoria Thuý Vy tại Miss World 2011. 
Thế nhưng không phải khi nào chúng ta cũng có những bộ trang phục dân tộc được ưng ý. Chúng ta khó trách được tại sao trang phục dân tộc Việt Nam không được nổi bật so với các nước khác.


Bởi trang phục dân tộc của chúng ta là áo dài, về căn bản là và cũng rất khó biến tấu. Nếu kết hợp với sự bay bổng như với các mẫu mã của châu Âu, châu Mỹ thì sẽ lại bị phê phán là lai căng, là hở hang. Nếu giữ nguyên tính truyền thống thì lại thành nặng nề, nhàm chán.

Với văn hóa tập quán của người Việt nói chung thì sự bảo thủ trong suy nghĩ vẫn lớn hơn so với các nước khác, đặc biệt các nước châu Âu, châu Mỹ, và tư tưởng đó cũng phần nào thể hiện trong trang phục của các thí sinh.

Thêm nữa lĩnh vực thời trang vẫn là lĩnh vực mới tại Việt Nam so với các nước trên thế giới. Các nhà thiết kế Việt cũng mới chỉ có điều kiện hội nhập, học hỏi khoảng gần 20 năm gần đây khi Việt Nam bắt đầu mở cửa, vì vậy cũng không thể đòi hỏi những thiết kế của chúng ta có thể ngay lập tức sánh ngang với những nhà thiết kế nổi tiếng từ các nước đã có bề dày kinh nghiệm.

Đừng làm hạn chế sự sáng tạo

Trang phục dân tộc phải đảm bảo tiêu chí đầu tiên là phải nói lên được văn hóa đặc trưng của dân tộc, tức là khi nhìn vào trang phục dân tộc người ta phải thấy được thí sinh này đến từ đất nước nào và văn hóa dân tộc của đất nước thí sinh đại diện.

Nó có thể được thể hiện qua hình dáng trang phục đặc trưng như áo dài của Việt Nam, kimono của Nhật Bản, hay sườn xám của Trung Quốc.., nhưng nó cũng có thể được thể hiện qua những họa tiết trang trí hay những chi tiết thể hiện trên trang phục.
Theo bà Thúy Nga, việc cứ khăng khăng cho rằng chỉ có áo dài mới nói lên tính dân tộc của người Việt là hơi phiến diện. 
Ví dụ nếu ai am hiểu văn hóa Việt cũng có thể biết biểu tượng trống đồng hay chim lạc là những biểu tượng của người Việt xưa. Việc cứ khăng khăng cho rằng chỉ có áo dài mới nói lên tính dân tộc của người Việt theo tôi sẽ hơi phiến diện và cũng sẽ làm hạn chế sự sáng tạo của nhà thiết kế.

Việc sử dụng chất liệu gì, thiết kế trang phục kiểu gì, trang trí thế nào, dùng họa tiết gì để từ đó có được bộ trang phục dân tộc đặc trưng cho Việt nam  chính là nhiệm vụ của nhà thiết kế.

Không ủng hộ việc khoe thân phản cảm

Nghệ thuật sẽ rất khó phân định như toán học. Một bộ trang phục có thể vừa được đánh giá là xấu vừa được đánh giá là đẹp là điều vẫn xẩy ra khá thường xuyên. Khái niệm đẹp xấu chỉ mang tính tương đối, nằm trong quan điểm và thẩm mỹ của người xem.

Cá nhân tôi cho rằng việc biến tấu trang phục dân tộc theo nhiều phong cách khác nhau, hay thậm chí có thể hở hơn trang phục truyền thống bình thường theo tôi cũng không có gì là quá, trừ khi nó trở thành quá phản cảm như thí sinh Nhật Bản trong cuộc thi Hoa hâu Hoàn vũ đã biến tấu bộ kimono dân tộc thành như bộ đồ bơi.

Trong cuộc thi nhan sắc thì việc thí sinh tận dụng tối đa vẻ đẹp hình thể (trong phạm vi cho phép) khi biểu diễn trang phục là điều không có gì phản cảm. Tôi cho rằng khi thí sinh mặc trên người bộ trang phục dân tộc thì ai cũng ý thức được trọng trách thể hiện văn hóa dân tộc của mình, vì vậy thí sinh cũng không thể mặc những bộ đồ quá lố lăng vì như vậy là sự xúc phạm đất nước mình.

Trong bộ trang phục của Hoàng My trong cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2012 chúng tôi thấy nhà thiết kế đã thể hiện tốt việc thể hiện một phần lịch sử Việt Nam thông qua bộ trang phục và Hoàng My cũng đã thể hiện tốt việc trình diễn bộ trang phục.

Với những bộ trang phục khác nhà thiết kế cũng muốn thể hiện những câu chuyện lịch sử khác nhau qua trang phục của mình, nhưng chắc chắn là không thể bộ trang phục nào cũng đạt được hiệu quả như mọi người mong muốn và tôi nghĩ rằng đó là điều hoàn toàn bình thường cho nhà thiết kế Việt Nam.
Bộ trang phục dân tộc của Lê Huỳnh Thuý Ngân tại cuộc thi Nữ hoàng Du lịch Quốc tế 2011. 
Qua những trang phục cho các thí sinh và ý kiến khen chê của dư luận các nhà thiết kế, thí sinh cũng như Elite sẽ rút ra những kinh nghiệm sâu sắc cho mình. Chắc chắn chúng tôi không bao giờ ủng hộ việc khoe thân một cách phản cảm vì thí sinh chính là đại diện đất nước tại các cuộc thi.


Tuy nhiên thế nào là hở hang, thế nào là xuyên tạc trang phục dân tộc thì tôi thấy có lẽ nên xem xét lại.

Áo dài truyền thống kín đáo giống như tính cách phụ nữ Việt Nam, nhưng trong thời đại bây giờ và đặc biệt trong cuộc thi sắc đẹp thì có thể sẽ được biến tấu ở mức độ nào đó để vừa giữ được tính đặc trưng của trang phục dân tộc nhưng lại giúp thí sinh thể hiện được vẻ đẹp hình thể nhiều cách khác nhau. Tức là không phải lúc nào cũng quá kín cổng cao tường, nhưng đồng thời sự biến tấu cũng phải ở mức cho phép được.

Đàm Mộng Hoài(ghi)

Bình luận
vtcnews.vn