• Zalo

Không tin chiến tranh kết thúc, binh sĩ Nhật tiếp tục chiến đấu gần 30 năm sau

Thế giớiThứ Năm, 07/02/2019 21:51:00 +07:00Google News

29 năm sau xung đột, binh sĩ Nhật Hiroo Onoda vẫn tiếp tục nhiệm vụ vì không biết và không tin chiến tranh đã kết thúc.

Theo The Vintage News, câu chuyện sĩ quan tình báo Nhật lẩn trốn trên một hòn đảo Philippines gần 3 thập niên sau thế chiến II được nhiều người biết đến vào năm 1974. Dù trường hợp của Onoda được biết đến nhiều nhất, ông không phải người cuối cùng chính thức đầu hàng, mà là Teruo Nakamura vài tháng sau đó.

Tuy nhiên Nakamura đã dừng hoạt động chiến đấu ngay khi chiến tranh kết thúc và chỉ lẩn trốn, còn Onoda vẫn tham gia vào một “cuộc chiến cá nhân” và thực tế chịu trách nhiệm cho một số cuộc đụng độ với cảnh sát và lực lượng địa phương Philippines.

linh-tinh-bao-nhat-tiep-tuc-chien-dau-30-nam-sau-chien-tranh-1

 Onoda (bên phải) và khi ông đầu hàng và giao nộp vũ khí (bên trái). (Ảnh: Vintage News)

Hiroo Onoda sinh năm 1922, là con trong một gia đình samurai. Bố ông phục vụ trong quân đội hoàng gia Nhật và chết tại Trung Quốc năm 1943. Onoda gia nhập quân đội hoàng gia Nhật khi 18 tuổi, chỉ 1 năm trước khi Nhật chiến tranh với Mỹ theo sau trận chiến Trân Châu cảng.

Năm 1944, Onoda đến đóng tại đảo Lubang, Philippines. Sĩ quan tình báo trẻ này được chỉ thị bằng mọi giá làm gián đoạn cuộc tấn công của phe đồng minh lên hòn đảo. Chỉ thị đi kèm mệnh lệnh không được đầu hàng trong bất kỳ trường hợp nào hoặc tự sát.

Dù vậy, một sĩ quan cấp cao trên đảo mong muốn đầu hàng khi quân Mỹ và Philippines đánh tới đã ngăn cản không cho Onoda thực hiện nhiệm vụ. Kết quả, khi quân Mỹ lên đảo, lực lượng Nhật tại đây nhanh chóng bị đánh bại.

Nhìn thấy thất bại đến gần, Onoda cùng 3 binh sĩ khác trốn đi và rút vào rừng, thực hiện cuộc chiến du kích. Hiroo Onoda đã tiếp tục chiến tranh du kích trong 29 năm sau.

Trong thời gian này, họ tham gia một số vụ phá hoại nhỏ và đụng độ với cảnh sát địa phương. Dù nhìn thấy tờ rơi thông báo Nhật đầu hàng, họ cho rằng đây là đòn tuyên truyền của kẻ thù và phủ nhận. Niềm tin này càng được củng cố khi cảnh sát dùng súng đối phó với nhóm 4 binh sĩ Nhật.

Cuối năm 1945, tờ rơi lại được thả ở các ngọn núi gần nhóm binh sĩ du kích. Lần này tờ rơi có chữ ký của Tướng Tomoyuki Yamashita, người chỉ huy lực lượng Nhật ở Philippine và Đông dương. Nhóm của Onoda vẫn phủ nhận, khi ông xem tờ rơi và cho rằng chữ ký là giả.

Năm 1949, Yuichi Akatsu – một người trong nhóm lẻn ra ngoài và đầu hàng cơ quan chức năng. Việc kêu gọi những người khác đầu hàng tiếp tục – bao gồm phân phát ảnh và thư từ từ người nhà khuyên họ ngừng phản kháng – nhưng tất cả đều không có tác dụng. Onoda và hai người khác từ chối tin rằng chiến tranh đã kết thúc.

Năm 1953, Shimada – một người khác trong nhóm bị bắn ở chân trong một lần đụng độ với một số ngư dân địa phương có vũ trang. Dù phục hồi sau đó nhưng Shimada bị giết trong một đợt tìm kiếm. Onoda và Kozuka trốn thoát.

Kozuka chết trong một cuộc đụng độ khác năm 1972, khi cảnh sát chặn vụ phá hoại của họ ở cánh đồng trong một ngôi làng. Không còn khả năng hành động du kích, Onoda lui vào trong núi cố gắng sống sót.

Năm 1974, Norio Suzuki – một nhà thám hiểm Nhật Bản muốn tìm sĩ quan mất tích đã gặp được và làm bạn với Onoda, cố gắng thuyết phục ông là chiến tranh đã kết thúc. Để làm được điều này, Suzuki đã phải quay về Nhật Bản với hình ảnh của Onoda và xin sự cho phép chính thức của Yoshimi Taniguchi, chỉ huy của Onoda trong chiến tranh, người lúc đó làm nghề bán sách.

Taniguchi đến Lubang và chính thức cho phép Onoda đầu hàng ngày 9/3/1974. Hiroo Onoda đầu hàng và giao nộp vũ khí – bao gồm một con dao găm là món quà của mẹ ông năm 1944. Ông giữ con dao này bên mình chủ yếu để tự sát nếu bị bắt.

Onoda được truyền thông Nhật chú ý sau đó. Tổng thống Philippines lúc bấy giờ là Ferdinand Marcos miễn cho Onoda những tội ông phạm phải vì tin rằng chiến tranh vẫn diễn ra.

Ông chết ngày 16/1/2014 do bệnh tim và viêm phổi.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn