Trên khu đất rộng 1.500 ha ở Đông Bắc Chernihiv - Grygorii Tkachenko, một nông dân Ukraine đang xây dựng lại nông trại của mình. Các ruộng ngô, khoai tây, máy móc và nơi sản xuất sữa bò của ông bị “san phẳng” trong các cuộc giao tranh xung quanh thủ đô Kiev từ tháng 3, để lại một mảnh đất đầy vật liệu nổ.
Valentina, người phụ nữ ngoài 60 tuổi làm việc trong nông trại, cũng thiệt mạng trong các vụ tấn công. “Thật kinh khủng”, ông Tkachenko nói.
Những gì Tkachenko đang trải qua là câu chuyện chung của nhiều nông dân Ukraine - một trong những nước sản xuất ngũ cốc lớn nhất thế giới. Theo Politico, Ukraine sản xuất lương thực cho số người nhiều gấp 10 lần dân số nước này, với những con tàu đầy ắp lúa mì, dầu hướng dương và ngô thường xuyên đến Nam Phi và Trung Đông. Các nước như Ai Cập, Li-băng và Mauritania phụ thuộc nhiều vào lương thực nhập khẩu từ Ukraine.
Khi chiến sự xảy ra, nông dân Ukraine tại nhiều vùng không kịp chuyển từ vụ mùa đông sang xuân. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sản xuất lương thực cũng như thị trường toàn cầu.
Nhiều ý kiến cho rằng xung đột là nguyên nhân chính khiến giá thực phẩm tăng cao, tạo ra khủng hoảng chưa từng có khi nhân loại vốn đang phải gánh chịu tình trạng nghèo đói kỉ lục (theo một báo cáo chung gần đây của Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu). Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh lương thực toàn cầu, trở ngại đang ngăn cản các gia đình nghèo đưa thực phẩm lên bàn ăn có thể là tổng hòa của nhiều yếu tố phức tạp từ kinh tế, chính trị đến đại dịch, đòi hỏi nỗ lực phối hợp tháo gỡ giữa các bên.
“Giải cứu” lương thực
Theo các báo cáo, triển vọng nguồn cung lương thực toàn cầu tương đối khả quan, song nghịch lý là vẫn có nhiều nước phải đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực.
Các đại biểu của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc hồi cuối tháng 5 cảnh báo, sản lượng ngũ cốc xuất khẩu sụt giảm trên toàn cầu sẽ khiến thế giới đi từ đói đến đói cùng cực, trong khi xung đột Nga – Ukraine tiếp diễn.
“Một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, sau khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, đang dẫn đến nạn đói trên toàn thế giới do chiến tranh ở Ukraine và thiếu ngũ cốc xuất khẩu”, vấn đề được hơn 75 đại biểu đề cập đến trong phiên họp của hội đồng bảo an hôm 19/5.
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhấn mạnh, 60% những người đang phải đối mặt với nạn đói trên thế giới đều đến từ khu vực đang xảy ra xung đột vũ trang hoặc bất ổn chính trị. Dù các tổ chức như Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) có chương trình cứu trợ, nhưng tất cả vẫn mới chỉ là “muối bỏ bể”.
Nga và Ukraine chiếm 30% sản lượng xuất khẩu ngũ cốc và 67% dầu hướng dương trên thế giới. Với tỷ lệ này, những ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu lương thực của hai nước trong xung đột có thể gây tác động về giá và kéo theo ảnh hưởng đến cả thị trường.
Câu chuyện được chú ý trong những ngày gần đây liên quan đến khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc mắc kẹt ở Ukraine, khi các chuyến tàu vận chuyển không được đảm bảo an toàn và hàng loạt rắc rối hậu cần khác phát sinh do chiến sự. Các bên đang cố gắng tạo ra một hành lang phù hợp để vận chuyển số hàng hóa này. Song theo nhiều tính toán, lượng ngũ cốc được vận chuyển trên thực tế sẽ vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường như trước cuộc chiến.
Nhìn rộng ra, thế giới không chỉ phụ thuộc duy nhất vào nguồn cung cấp lương thực của Nga và Ukraine. Tuy nhiên, chưa biết các nhà sản xuất lớn khác có bù vào chỗ trống được hay không.
Theo World Population Review, 10 nước sản xuất lúa mì lớn nhất thế giới năm 2020 bao gồm Trung Quốc (134,2 triệu tấn), Ấn Độ (107,5 triệu tấn), Nga (85,8 triệu tấn), Mỹ (49,6 triệu tấn), Canada (35,1 triệu tấn), Pháp (30,1 triệu tấn), Pakistan (25,2 triệu tấn), Ukraine (24,9 triệu tấn), Đức (22,1 triệu tấn) và Thổ Nhĩ Kỳ (20,5 triệu tấn).
Trong khi đó, các nước nhập khẩu nhiều lúa mì bao gồm Indonesia, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Nigeria, với giá trị nhập khẩu lên đến hàng tỷ USD.
Vấn đề nằm ở đâu?
Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, “có đủ thực phẩm cho tất cả mọi người”, nhưng vấn đề nằm ở khâu phân phối. Có vẻ như giống như ở Ukraine, dù có lương thực, nhưng vì nhiều lý do, “cây cầu” đưa các mặt hàng đến cho người tiêu dùng đang bị gián đoạn hoặc phá vỡ.
Các vấn đề về an ninh lương thực được nhắc đến từ trước khi xung đột Ukraine nổ ra, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành toàn cầu và hệ quả của biến đổi khí hậu gây thiệt hại nghiêm trọng cũng như “đảo ngược” thành quả phát triển của nhiều nền kinh tế. Theo Ngân hàng thế giới (WB) và các chuyên gia Liên hợp quốc, cùng với nhiều yếu tố kinh tế xã hội khác, thế giới 5 năm trở lại đây chứng kiến xu hướng đói nghèo ngày càng gia tăng.
Chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thiếu nhiên liệu, thiếu nhân lực, năng lực sản xuất suy giảm sau đại dịch,... hàng loạt khủng hoảng đẩy giá các mặt hàng thiết yếu trong đó có thực phẩm tăng vọt. Tính đến 19/5, chỉ số giá nông nghiệp tăng 42% so với tháng 1/2021. Giá ngô và lúa mì lần lượt tăng 55% và 91% cùng kì, trong khi giá gạo giảm khoảng 12%.
Lạm phát giá cả nội địa tại các nước vẫn ở mức cao. Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4/2022, theo WB, 92,9% các nước thu nhập thấp, 84,2% các nước thu nhập trung bình thấp và 78% các nước thu nhập trên trung bình trên chứng kiến mức lạm phát trên 5%, nhiều nước có mức lạm phát hai con số.
Tất cả những điều này ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận lương thực thực phẩm của người dân, đặc biệt ở các nước nghèo và đang phát triển, các nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
Chiến sự Nga-Ukraine chắc chắn làm cho tình hình tồi tệ hơn. Khi xuất khẩu đường biển bị hạn chế, các bên phải tìm các phương án thay thế như đi tàu, nhưng vấn đề bảo hiểm cũng như an toàn, chi phí,... không khỏi khiến các nhà đầu tư chần chừ. So với những gì đạt được, những rủi ro mà họ gặp phải có thể không tương xứng.
Theo báo cáo “Tổng quan thị trường hàng hóa tháng 4/2022” của Ngân hàng Thế giới, cuộc chiến ở Ukraine làm thay đổi các mô hình thương mại, sản xuất và tiêu dùng toàn cầu theo cách sẽ khiến giá cả tiếp tục duy trì ở mức cao lịch sử cho đến cuối năm 2024, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và lạm phát. Có thể thấy, xung đột Ukraine không phải là tất cả, nhưng là nút thắt quan trọng cần giải quyết trong bài toán an ninh lương thực.
Giải pháp tình thế
Để đối phó với tình trạng giá tăng và khả năng khủng hoảng lương thực, một số nước đang có các biện pháp tạm thời như tìm nguồn cung thay thế Nga, Ukraine. Tuy nhiên không phải nhà sản xuất nào cũng sẵn sàng giao hàng.
Một “ứng cử viên” được kỳ vọng giúp lấp đầy khoảng trống của Ukraine là Ấn Độ, khi nước này thu hoạch 6 vụ lúa với sản lượng lớn liên tiếp. Theo World Grain, các nước có thể tìm đến Ấn Độ để nhập lương thực thay cho Ukraine là Bangladesh, Indonesia, khi việc ở gần Ấn Độ giúp họ cắt giảm chi phí vận chuyển.
Ấn Độ thường đứng thứ hai sau Trung Quốc về sản lượng lúa mì hàng năm nhưng chỉ chiếm chưa đến 1% sản lượng xuất khẩu. Dù vậy, trong những tháng đầu xung đột Ukraine, nước này giao một lượng lớn lúa mì cho Bangladesh, Indonesia, Philippines và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Công ty Ấn Độ cũng xuất khẩu thức ăn chăn nuôi sang Hàn Quốc và Thái Lan, Hội đồng ngũ cốc quốc tế (IGC) cho biết.
Ấn Độ cũng được cho là đàm phán và thảo luận về việc xuất khẩu lương thực sang Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Sudan, Nigeria và Iran. Tuy nhiên, nước này bắt đầu dừng xuất khẩu lúa mì từ tháng 5 và hạn chế xuất khẩu đường từ tháng 6.
Nhà sản xuất Trung Quốc cũng có những vấn đề riêng. Vụ lúa mì của nước này là vụ lớn nhất trên thế giới, lớn hơn gấp ba lần so với vụ mùa của Mỹ và lớn hơn gần 80% so với Nga. Tuy nhiên, Bắc Kinh duy trì các kho dự trữ của nhà nước với sản lượng dồi dào và khuyến khích nông dân tiếp tục sản xuất bằng cách hỗ trợ giá, tất cả đều nhằm đảm bảo an ninh lương thực.
Bên cạnh đó, kho dự trữ của Trung Quốc thời gian gần đây cũng gặp nhiều thách thức. Khoảng sau năm 2020, nước này bắt đầu nhập khẩu lúa mì nhiều hơn do nhu cầu tiêu thụ trong nước vượt quá khả năng sản xuất. Điều kiện gieo trồng kém khiến Trung Quốc phải hoãn vụ mùa thu năm 2021, càng khiến sản lượng bị thắt chặt. Dù tăng nhập khẩu, Bắc Kinh khẳng định sẽ không quá phụ thuộc vào thị trường quốc tế.
Không chỉ các nhà nhập khẩu, các nhà xuất khẩu cũng tìm cách "thích nghi". Tháng 5, Reuters đưa tin rằng các nhà máy mía đường ở Brazil - nhà sản xuất và xuất khẩu đường lớn nhất thế giới - hủy bỏ các hợp đồng xuất khẩu đường và chuyển sản xuất sang ethanol trong nỗ lực tận dụng giá năng lượng cao.
Theo dự đoán của WB, trong những tháng tới, một thách thức lớn với các nhà sản xuất lương thực sẽ là khả năng tiếp cận phân bón. Giá phân bón tăng mạnh trong tháng 3, gần 20% kể từ tháng 1/2022 và gần gấp ba lần so với một năm trước. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến sản lượng ngũ cốc ở nhiều khu vực.
Các tổ chức quốc tế đang kêu gọi cộng đồng hành động khẩn cấp để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực, duy trì mở cửa thương mại và hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương, bao gồm cả việc hỗ trợ tài chính để họ đáp ứng những nhu cầu cấp thiết nhất. Trong khi đó từ năm 2020 đến 2021, số người mất an ninh lương thực tạm thời trên thế giới đã tăng 40 triệu lên 193 triệu người.
Bình luận