• Zalo

“Không thể và không nên cấm game online”

Thời sự Chủ Nhật, 15/08/2010 07:16:00 +07:00Google News

(VTC News) – “Tự thân game online không phải là xấu. Thậm chí nó còn là sản phẩm siêu việt. Chính quyền không thể xem game online là một thứ "bạch phiến số".

(VTC News) – “Tự thân game online không phải là xấu. Thậm chí nó còn là sản phẩm siêu việt, là thành tựu trí tuệ con người. Chính quyền không thể xem game online là một thứ “bạch phiến số” hay ma tuý trong lĩnh vực công nghệ điện tử”.

Việc cấm game Online đã và đang tạo nhiều dư luận ngược chiều nhau. PV VTC New đã có cuộc trao đổi với TS xã hội học Trịnh Hoà Bình, Viện Xã hội học VN. Ông cho rằng không thể và và không nên "cấm cửa" game Online.

Thưa ông, việc quản lý game hiện nay có những bất cập gì đang tồn tại?

Quản lý các hoạt động văn hoá - giải trí luôn luôn là một công việc không đơn giản. Đặc biệt là game online. Loại hình giải trí điện tử này vừa gắn liền với hàng loạt các vấn đề khác như tư tưởng, lối sống…

Game online vận hành dựa trên hệ thống tiện ích hiện đại của internet với tính cách như là sản phẩm kỳ diệu bậc nhất của trí thức và văn minh nhân loại. Có lẽ, chính bởi thế, những bất cập trong quản lý game có thể xem như là đương nhiên, thể tất phải xảy ra. Cố chăng là, người ta chỉ hy vọng làm giảm bớt những bất cập ấy. Sơ bộ có thể kể tên một số các bất cập nổi trội đại loại như: - Mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển dịch vụ game Online với đòi hỏi kiểm soát chặt chẽ với người chơi, nhà cung cấp dịch vụ, giới hạn giờ chơi, hoạt động.

- Mâu thuẫn giữa việc thẩm định nội dung trình duyệt với thực tiễn nội dung của các game khác đang vận hành ngoài xã hội.

- Mâu thuẫn giữa định dạng và kiểm soát sự vận hành giữa game Online và Offline.

Với tư cách là nhà xã hội học, ông có nhận xét gì về biện pháp mà Bộ TT&TT đưa ra để hạn chế game Online?

Một số nhà hoạt động xã hội khác đã đề cập đến, các biện pháp gần đây do Bộ Thông tin – Truyền thông đưa ra nhằm hạn chế game online phải áp sự “bất lực “của giới quản lý. Nhưng nói cho chính xác hơn là chúng ta còn “lung túng” trong lựa chọn các giải pháp, đặc biệt là giải pháp kỹ thuật để quản game một cách hợp lý và khoa học.

Nghĩa là vừa làm lành mạnh hoá nó, vừa hạn chế các hệ luỵ không mong muốn của nó đối với người chơi (tính gây nghiện, tiêu tốn quá nhiều thời giờ, ảnh hưởng tới sức khoẻ… có thể còn được truyền tải trong game…) mà lại vẫn tạo điều kiện để game online phát triển theo hướng có lợi cho cộng đồng xã hội Việt Nam. Đặc biệt trong điều kiện hiện nay, khi mà sân chơi, các loại hình giải trí cho con người, nhất là giới trẻ đang ngày càng trở nên thiếu thốn và đơn điệu, nghèo nàn.

Mặc dù vậy, các biện pháp mới đây của cơ quan quản lý cần được đánh giá cao như là các ứng xử tình thế có giá trị một khi chưa đưa ra được hệ thống giải pháp toàn cục đồng bộ.

Hoạt động của dịch vụ game Online là một loại hình mới mẻ khá phức tạp, với tác động nhiều chiều, đa diện trong đời sống văn hoá, tinh thần và nhu cầu giải trí, xúc cảm thẩm mỹ và có ảnh hưởng đến sức khoẻ và trí tuệ của một bộ phận dân cư quan trọng trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Bởi thế nên không thể và không nên cấm cửa game online.

Thực tế cho thấy, dường như các nhà quản lý đang lúng túng trong cách xử lý và biện pháp cấm được đưa ra trong khi nó sẽ gây ra những hệ luỵ lớn khác như việc truy cập Internet của những người có nhu cầu chính đáng?

Như trên đã nói, đó là thực tế mà nhà quản lý cũng như đông đảo những người có cùng mối quan tâm đối với game. Làm sao mà không lúng túng được khi phạm vi xử lý ở đây liên quan đến quyền được giải trí của con người, quyền kinh doanh hay làm những gì mà pháp luật không cấm đối với doanh nghiệp.

Cũng như cả những vấn đề liên quan tới WTO… Nhưng tôi tin là, cuối cùng chúng ta cũng sẽ tìm được, lựa chọn được những giải pháp, những phương án thích ứng và hợp lý nhất.

Thông tư hướng dẫn việc thực hiện cấm có nói việc các đại lý Internet phải cách xa trường học tối thiểu là 200m. Vậy những cửa hàng đã được cấp phép, theo ông thì sẽ thế nào?

Về mặt logic cũng như tiếp cận từ hướng ‘‘vật hoá” thì người ta không thể trục xuất các cửa hàng, đại lý đã “ra đời” từ trước khi có trường học được thành lập. Ở đây sẽ nảy sinh những thoả ước, thương thảo… giữa các bên theo hướng có lợi nhất. Hay chính xác hơn là ít xấu nhất cho các bên. Trong đó, đương nhiên ưu tiên thuộc về giới trẻ, thuộc về đối tượng học sinh, con em chúng ta.

Ông giải thích thế nào về những trường hợp học sinh giỏi, thi đoạt giải Olympic, Quốc tế, những người thành đạt vẫn chơi game?

Những ví dụ đại loại như thế luôn nói lên một điều: Tự thân game online không phải là xấu. Thậm chí nó còn là sản phẩm siêu việt, là thành tựu trí tuệ con người, của công nghệ thông tin và công nghệ nội dung số. Chính quyền không thể xem game online là một thứ “bạch phiến số” hay ma tuý trong lĩnh vực công nghệ điện tử.

Người ta sẽ không khó chỉ ra hàng loạt những ích lợi, những yếu tố tích cực… mà game online đem lại cho người chơi (hợp lý, biết tự điều tiết…) đó là sự rèn luyện ý chí, bản lĩnh, trau dồi một số kỹ năng, phát huy tính nhanh nhạy, khả năng thích ứng, độ nhạy cảm… Và quan trọng nhất đó chính là việc phải lợi dụng, phải huy động đến trí não, con người ta phải “cảm”, phải “tư duy” trong thời khắc nhanh nhất để đưa ra quyết định cần thiết để chiến thắng, để thành đạt…

Có thể và phải chăng những ví dụ “chấm phá” cho dù còn phiến diện đó cho chúng ta thấy và hiểu được vì sao mà nhiều học sinh, sinh viên giỏi, đoạt nhiều giải thưởng trong các kỳ thi trong nước, quốc tế hay những người thành đạt đồng thời cũng là game thủ sáng giá.

Xin cảm ơn ông!

Nam Phong

 

Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010

Hãy tham gia bình chọn cho người đẹp mà bạn yêu thích nhất.
Người đẹp được bình chọn nhiều nhất sẽ được nhận danh hiệu

"Người đẹp do khán giả bình chọn"cùng phần thưởng

50 triệu đồng và 01 xe Vespa LX hồng(trị giá 66 triệu đồng)

Soạn tin:HH  <Số Báo Danh>  <Số người bình chọn đúng>  gửi 8530

Xem danh sách thí sinh và thông tin chi tiết tại

http://binhchon.hoahauvietnam2010.vn

Bình luận
vtcnews.vn