Ở nước ta hiện nay, nghề phi công là giấc mơ của nhiều người. Làm phi công, không chỉ được bay khắp nơi trên thế giới mà còn được hưởng một mức lương cao chót vót lên tới hàng trăm triệu mỗi tháng.
Hấp dẫn như vậy, những sự thực không nhiều người có thể với tới "giấc mơ bay". Vì muốn trở thành phi công, cao to, đẹp trai, thông minh, người không có sẹo... chưa đủ. Bạn còn phải có một số tiền "khủng" ít nhất 4 tỷ đồng để đi học, tới lúc thành nghề.
Không còn “bao cấp” như trước
Được biết, giai đoạn từ năm 2015 trở về trước, khi mà phi công nước ta còn thiếu nhiều, các học viên phi công có thể xin 1 phần, tới 100% kinh phí đào tạo từ các hãng hàng không như Việt Nam Airlines để đi học, sau khi đã vượt qua vòng sơ tuyển đầu tiên.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, khi nguồn nhân lực đã gần như đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, các hãng hàng không đang dần dần loại bỏ chương trình hỗ trợ dành cho học viên, buộc các học viên phải tự chi trả toàn bộ học phí đào tạo nếu muốn đi học trở thành phi công.
Chị Hồng Hạnh, chuẩn bị trở thành Cơ phó cho một hãng hàng không giá rẻ chia sẻ: “Sau khi cống hiến 10 năm cho nghề tiếp viên hàng không, tôi có mong muốn trở thành phi công chuyên nghiệp. Tôi đã tự bỏ tiền túi để theo học ngành phi công ở Mỹ.
Chi phí ban đầu mà tôi phải bỏ ra để học 2 năm bên Mỹ khoảng 2 tỷ đồng. Số tôi cũng không may mắn vì khi mình chuyển sang học phi công các hãng hàng không đang bỏ chương trình hỗ trợ học phí đào tạo phi công. Thay vào đó, các học viên sẽ phải tự chi trả các khoản phí đào tạo, và khi làm việc sẽ được tính cộng bù vào lương”.
Video: Nhiều tác phẩm xúc động viết về người lính không quân
Chị Hạnh nhận định: “Nghề phi công bây giờ không phải ai muốn cũng được. Để trở thành phi công, quan trọng nhất không phải là tiền, mà là rất nhiều tiền”.
Sự thực, theo khảo sát của VTC News với một số gia đình có con em đang học phi công ở nước ta, thì chi phí đi học đào tạo phi công ở nước ngoài, đào tạo huấn luyện bay trong nước đến khi trở thành cơ phó các gia đình đều phải tự trả 100%. Tổng chi phí ước tính từ khi bắt đầu học đến khi lên được cơ phó khoảng 4 tỷ đồng.
Chi phí thực để trở thành một phi công là bao nhiêu?
Việt Nam hiện tại có trường Học viện Hàng không Việt Nam. Tuy nhiên, để tham gia vào các khóa học trở thành phi công, có bằng hàng không quốc tế, các học viên sẽ phải tới một số quốc gia có truyền thống đào tạo nguồn nhân lực ngành hàng không cho Việt Nam như: Mỹ, Úc, Anh, Pháp hoặc New Zealand, mới đây nhất có thêm Nam Phi.
Để trở thành phi công chuyên nghiệp, một học viên có thể đi theo 3 con đường. Một là học tại Việt Nam, sau đó xin đi du học nước ngoài. Hai là du học ngay từ đầu và thứ ba là được các hãng hàng không nội địa cử đi học.
Ở trường hợp thứ nhất, các học viên có thể học sơ cấp tại Học viện Hàng không Việt Nam trong 2 năm, sau đó, tùy vào năng lực và tài chính có thể học tiếp tại Nam Phi hoặc Úc.
Anh Louis Trần, một học viên phi công đang tham gia khóa học đào tạo phi công tại Nam Phi cho biết: “Học ở Việt Nam chủ yếu là học ngoại ngữ, và lý thuyết, sau đó khi đủ điều kiện bạn sẽ phải ra nước ngoài để tiếp tục học thực hành trong vòng 14 - 24 tháng, tùy vào năng lực của mỗi người”.
Chi phí đi học trong nước và nước ngoài do người học tự chi trả 100%. Đây là một số tiền không nhỏ.
Theo thông tin mà anh Louis cung cấp, chi phí ban đầu bỏ ra để đi du học tại Nam Phi là 77.000 USD (khoảng 1,7 tỷ đồng). Sau 2 năm, học viên có thể nhận được bằng hàng không quốc tế và trở về Việt Nam học tiếp.
Giai đoạn này gọi là học chuyển loại.Chi phí của giai đoạn này khoảng 30.000 USD (gần 700 triệu đồng). Tiếp tục, sau khi học chuyển loại xong, các học viên sẽ tốn thêm 75.000 USD (khoảng 1,6 tỷ đồng) để được huấn luyện lên cơ phó tại một hãng hàng không nào đó trong nước.
Với khoản tiền 75.000 USD, các học viên sẽ được thực hành trên máy bay thương mại trong vai trò như một người trợ lý. "Mình sẽ ngồi ở bên phải buồng lái và ngồi bên cạnh một vị cơ trưởng hoặc cơ phó nào đó để học việc. Thời gian có thể tùy vào năng lực của mỗi người, nhưng trung bình là vào khoảng 500 giờ bay là xong bước 1.
Nói như vậy, nhưng có một sự thực là, lên cơ phó rồi bao giờ được bay chính thức thì vẫn còn phải đợi", anh Louis Trần cho biết.
Ở trường hợp thứ hai, học viên có thể lựa chọn các trường đại học tại các quốc gia đã kể trên và phải theo học 5 - 6 năm mới được cấp chứng chỉ hàng không quốc tế. Chi phí cho toàn bộ khóa học trên dưới 5 tỷ đồng, tùy vào từng cơ sở dạy học và chưa bao gồm các chi phí sinh hoạt.
Với trường hợp thứ ba, các học viên có thể thi sơ tuyển vào các hãng hàng không nội địa như: Jetstar, Vietjet hoặc VNA, thời hạn có thể từ 1 - 2 năm, chi phí là tự túc.
Chị Hồng Hạnh, một học viên vừa hoàn thành xong khóa học tại Mỹ cho biết, nếu tính riêng chi phí học, mỗi học viên phải tự bỏ tiền túi ra khoảng 1,7 tỷ đồng. Trong quá trình đào tạo có thể phát sinh thêm nhiều chi phí khác nhau, như chi phí thuê máy bay để học.
“Để học phi công, các học viên phải thuê máy bay thực hành. Đầu tiên là học về máy bay 1 động cơ, máy bay cỡ nhỏ, chi phí thuê máy bay là 200 USD/giờ. Sau đó là học tiếp máy bay 2 động cơ, còn gọi là máy thương mại, chi phí thuê là 300 USD/giờ. Một học viên phải học trung bình khoảng 50 giờ bay cho 2 loại máy bay trên, tổng chi phí là khoảng 25.000 USD (khoảng 600 triệu đồng).
Tuy nhiên, có nhiều học viên có thể mất tới 70, thậm chí là 80 giờ bay mới có thể hoàn thành khóa đào tạo. Đây là chi phí phát sinh lớn nhất mà học viên có thể gặp phải”, chị Hạnh nói.
Dù đi theo ngành phi công ở bất kỳ trường hợp nào, các học viên đều phải bỏ ra vài tỷ đồng để trở thành một cơ phó rồi mới được nhìn nhận như một phi công chuyên nghiệp.
Bình luận