• Zalo

Không tận dụng lợi thế, vượt qua thách thức, phát thanh sẽ mất vị thế

Thời sựThứ Sáu, 04/05/2018 17:32:00 +07:00Google News

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng: "Phát thanh vẫn có lợi thế riêng và người làm phát thanh cần biết tận dụng lợi thế truyền thống và nền tảng hiện đại để phát triển phát thanh".

Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XIII là sự kiện quan trọng để những người làm phát thanh nâng tầm nghiệp vụ, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, từ đó đổi mới mạnh mẽ về nội dung, kỹ thuật, công tác quản lý.

Nhân sự kiện này, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng: "Phát thanh vẫn có lợi thế riêng và người làm phát thanh cần biết tận dụng lợi thế truyền thống và nền tảng hiện đại để phát triển phát thanh".

701_vlui

 PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.  

- Thưa ông, Liên hoan Phát thanh năm nay được tổ chức vào tháng 5 tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An hẳn phải có lý do đặc biệt?

Cứ hai năm một lần, những người làm báo phát thanh trong cả nước lại gặp nhau ở Liên hoan Phát thanh toàn quốc (LHPTTQ). Mấy lần gần đây được tổ chức ở Đà Lạt rồi Nha Trang.

LHPTTQ lần thứ XIII được tổ chức từ ngày 3/5 - 5/5/2018 tại Nghệ An quê Bác, vào dịp kỷ niệm lần thứ 128 Ngày sinh của Bác Hồ kính yêu. Ngoài ý nghĩa vừa nêu, Liên hoan lần này được xem là có quy mô, sức lan tỏa lớn nhất, chắc chắn sẽ thành công rực rỡ.

Từ nhiều tháng nay, Đài Tiếng nói Việt Nam cùng tỉnh Nghệ An, nòng cốt là Đài PT-TH Nghệ An và các đài PT-TH trong cả nước đã chuẩn bị rất chu đáo, rất háo hức hướng về liên hoan này.

- Ông nhìn nhận như thế nào về cơ hội của báo phát thanh qua mỗi kỳ liên hoan?

LHPTTQ là nơi để những người làm phát thanh gặp nhau, đưa những tác phẩm tốt có được trong hai năm qua để dự thi. Các nhà báo xuất sắc có tác phẩm tốt sẽ được trao giải, được vinh danh.

Qua liên hoan, những người làm phát thanh cả nước có được góc nhìn tương đối rõ và bao quát về trình độ chuyên môn của các đơn vị, từ Đài phát thanh quốc gia cho đến các đài địa phương.

Sau mỗi kỳ liên hoan, những đơn vị, những nhà báo khá, giỏi rồi thì cố gắng phấn đấu hơn nữa; những đơn vị và những nhà báo còn hạn chế, yếu kém sẽ nhìn lại mình kỹ hơn, nghiêm khắc hơn để sửa đổi, sáng tạo, vươn lên. 

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, các loại hình báo chí thay đổi hàng ngày, hàng giờ. Hai năm giữa 2 kỳ LHPT là một quãng thời gian đủ để những người làm nghề nhận dạng được khuynh hướng phát triển, định vị được mình đang đứng ở đâu và có kế hoạch tự cập nhật mình để không tụt hậu.

Và không chỉ nghĩ đến việc làm sao để không tụt hậu, mà còn phải có chiến lược để bản thân mình phát triển, sáng tạo, dẫn dắt.  

Mỗi kỳ LHPT cũng là cơ hội để mỗi bản đài, bản thân mỗi phóng viên đưa ra những sản phẩm phát thanh có nội dung tốt, hình thức thể hiện có tính đột phá để diện mạo nghề báo phát thanh không ngừng đổi mới đáp ứng nhu cầu của thính giả.  

- Và những người làm nghề cũng phải vượt qua không ít thách thức, thưa ông?

 Bất cứ loại hình báo chí nào, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức nghề nghiệp đều phải được đặt lên ngang hàng nhau: Có tài nhưng phải có đức, có năng lực chuyên môn nhưng cũng phải có trách nhiệm đối với ngòi bút, micro của mình để khi đưa thông tin, công chúng thấy thông tin đó chính xác, bổ ích, hấp dẫn và thiết thực, làm cho đời sống ngày càng tốt lên.

Tôi thấy tuyệt đại bộ phận những người làm phát thanh đều tốt nhưng trong mặt trái của cơ chế thị trường, một số nhà báo, kể cả ở Trung ương và địa phương cũng có những nghiêng ngả, thậm chí vi phạm pháp luật.

Các cơ quan báo chí từ cấp ủy đến chuyên môn, Liên chi hội nhà báo, các chi hội nhà báo, các tổ chức công đoàn, thanh niên phải tổ chức giáo dục anh em để họ luôn luôn trau dồi 3 điều: Năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp.

Ba điều này phải luôn song hành, hỗ trợ cho nhau.

- Trong thời điểm hiện nay, theo ông, cần làm gì để phát huy được những lợi thế của phát thanh?

 Sau khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào 2/9/1945, thì khoảng thời gian đó và trước đó nữa, Bác đã nghĩ đến chuyện thành lập một Đài Phát thanh Quốc gia.

Bởi vậy, ngày 2/9 Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, thì ngày 7/9 Đài Tiếng nói Việt Nam ra đời. Đây là cơ quan báo chí đầu tiên của Nhà nước Việt Nam mới, là mốc của báo chí cách mạng Việt Nam. Ngành phát thanh trong 30 năm đầu (từ 1945 - 1975) là một trong những cơ quan báo chí hàng đầu.

vov_nguyen_the_ky_hgan 3

 

Bởi vậy, phát thanh vẫn có lợi thế riêng. Người làm phát thanh phải biết tận dụng cả lợi thế truyền thống và cả nền tảng hiện đại để phát triển phát thanh.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Khi có truyền hình, các cơ quan báo chí nhiều hơn, số lượng báo in phát hành lớn hơn, báo điện tử và mạng xã hội ra đời, vị thế của phát thanh ở một chừng mực nào đó có giảm đi.

Thế nhưng, ở các nước phát triển, phát thanh vẫn có chỗ đứng vững vàng bởi sự tiện lợi của nó - có thể nghe ở bất cứ chỗ nào: trên ô tô khi đang trên đường đi làm, về nhà hay đi đường trường...

Lúc nấu ăn, ngồi thư giãn, tập thể dục, người ta cũng mang cái đài nhỏ đi nghe nên phát thanh vẫn có lợi thế. Khi bão lụt, thảm họa, mất điện... sẽ không xem ti vi, không vào mạng được. Lúc đó, phát thanh sẽ phát huy thế mạnh.

Chỉ cần một cái đài nhỏ, người ta có thể nghe đài, biết được diễn biến, mức độ và tình trạng của cơn bão, của thảm họa và cách phòng chống.

Với người đi biển, trừ những tàu thuyền lớn có máy thu vệ tinh thì bắt được sóng của truyền hình, có thể kết nối được internet, còn các tàu, thuyền nhỏ thì chỉ có thể nghe được phát thanh.

Ở nông thôn, miền núi, chỉ cần có cụm loa thì cả xóm, cả bản đều nghe. Ở nước ta, phương tiện giao thông là ô tô ngày càng nhiều. Bởi vậy, các kênh  phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam có đông công chúng, người nghe.

Hơn nữa, phát thanh hiện nay được đưa lên internet, đưa qua vệ tinh, số hóa... Với sự đa nền tảng, đa loại hình như vậy, phát thanh sẽ vươn thông tin ra khắp trong và ngoài nước, từ đất liền đến biển khơi.

Bởi vậy, phát thanh vẫn có lợi thế riêng. Người làm phát thanh phải biết tận dụng cả lợi thế truyền thống và cả nền tảng hiện đại để phát triển phát thanh.

Thị trường thông tin hiện đang phát triển nhanh và có tính cạnh tranh cao.  Thông tin phát thanh thuộc phân khúc nhanh và có sự cạnh tranh gay gắt.

Nhưng những người làm báo phát thanh không xa rời giá trị cốt lõi của thông tin –nhanh, chính xác, biết phát huy lợi thế cạnh tranh đặc thù thì công nghệ đa nền tảng thực sự là cơ hội để phát triển.

Chỉ có những người làm phát thanh mà không ý thức được điều này để nâng vị thế của ngành mình, của loại hình báo phát thanh lên thì mới làm cho nó bị mai một.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(Nguồn: VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn