Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14, các đại biểu thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung đó là quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do có các hình thức đào tạo khác nhau.
Mặc dù Quốc hội đã thông qua và luật có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2019, nhưng trong thực tế, xã hội và nhiều chuyên gia vẫn lo lắng về chất lượng không đồng đều giữa người học ở các loại hình đào tạo. Một số ý kiến cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cơ chế kiểm tra, giám sát thường xuyên để đảm bảo chất lượng tương đương giữa các loại hình đào tạo.
Tại Điều 38 về văn bằng giáo dục đại học trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học chỉ quy định “Văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ. Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của một trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành các nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp bằng ở trình độ đào tạo tương ứng”.
Như vậy, không còn có sự phân biệt về bằng cấp giữa các hình thức đào tạo. Văn bằng hệ đào tạo đại học chính quy so với các hệ đào tạo vừa học vừa làm hay còn gọi là tại chức, từ xa... có giá trị tương đương nhau.
Ông Lê Quốc Hạnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Hà Nội nói: “Phù hợp với xu thế thế giới nhưng nếu căn cứ vào thực tế đào tạo của mình thì rất là băn khoăn vì thực trạng đào tạo có sự chênh rất lớn giữa các hệ không chính quy với chính quy.
Giữa đào tạo chính quy và đào tạo không chính quy có độ vênh về chuyên môn, về học thuật, về kiến thức, về điều kiện đào tạo... nên người ta sẽ cho là đánh đồng mọi thứ như thế là không công bằng”.
Xét ở góc độ xây dựng văn bản thì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được xây dựng dựa trên nền tảng phát triển giáo dục đại học của các nước trên thế giới.
Luật quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do có các hình thức đào tạo khác nhau, gồm chính quy, tại chức, liên thông, từ xa tạo điều kiện cho tất cả sinh viên tốt nghiệp có cơ hội ngang nhau trong việc công nhận văn bằng, tuyển dụng lao động, đồng thời góp phần khuyến khích người lao động tiếp tục học tập nâng cao trình độ.
Để tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai luật, năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thông tư về tuyển sinh và đào tạo trình độ đại học hình thức vừa làm vừa học (tại chức) quy định rất rõ về địa điểm đào tạo, chương trình đào tạo, hình thức tổ chức đào tạo.
Tuy vậy, thực tế về tuyển sinh, đào tạo và chuẩn “đầu ra” giữa người học ở các loại hình đào tạo gồm chính quy, tại chức và từ xa hiện nay ở Việt Nam đang không có sự tương đồng về chất lượng cho dù là giảng dạy cùng một chương trình, cùng giảng viên...
Ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nêu thực tế: “Hiện nay ở khâu tuyển sinh thì cũng không được gắt gao và khắt khe như tuyển sinh đại học hệ chính quy hay hệ tập trung.
Về chương trình đào tạo thì hầu hết chương trình của các trường đều giống nhau, tuy nhiên quá trình đào tạo thì khác nhau và khâu đánh giá cũng có việc bản thân các thầy, bản thân người học cũng quan niệm là hệ vừa học vừa làm nên trong đánh giá cũng không được khắt khe như của hệ đại học chính quy. Nếu thực sự chúng ta muốn coi trọng hai bằng cấp này tương đương thì phải siết chặt các công đoạn, các quy trình từ khâu tuyển sinh cho đến khâu đào tạo và đến khâu đánh giá”.
Cơ quan chịu trách nhiệm trong việc “siết chặt” các công đoạn, quy trình từ tuyển sinh đến đào tạo và đánh giá được nhiều chuyên gia nhắc tới chính là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cùng với xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tổ chức kiểm định nghiêm ngặt đối với các cơ sở đào tạo.
Một số ý kiến cũng đề xuất, khi cấp văn bằng cho sinh viên tốt nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên ghi rõ các hình thức đào tạo trên văn bằng, bảng điểm để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng lao động biết được là họ đang tiếp cận với lao động như thế nào.
Ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi nêu ý kiến: “Thông thường các đơn vị đào tạo để phân biệt thì ngoài bằng tốt nghiệp ra thì sẽ có bảng điểm, trong bảng điểm sẽ có thông tin chi tiết về khóa học, ngành học và hình thức đào tạo. Các doanh nhiệp muốn kiểm tra xem học theo hình thức gì thì có thể kiểm tra kèm cùng với bảng điểm tốt nghiệp.
Theo tôi, trong bảng điểm hiện tại thì có hình thức đào tạo thì chúng ta cũng nên cân nhắc việc đó. Quan điểm của tôi là vẫn phải có cái gì đó để chúng ta biết được là bạn ấy học theo hình thức đào tạo nào”.
Video: Mua bằng đại học giả dễ như mua rau
Một số chuyên gia cũng cho rằng, để giá trị của bằng tốt nghiệp đại học theo hình thức chính quy và hình thức tại chức thực sự có giá trị ngang nhau như quy định của Luật thì điều quan trọng là các trường đại học phải có trách nhiệm hơn, không đào tạo dàn trải; không nên tuyển sinh bằng mọi giá để đủ chỉ tiêu, số lượng mà phải có sự chọn lọc.
Thế nhưng, với thực tế ở Việt Nam hiện vẫn còn nhiều trường đại học tổ chức đào tạo chạy theo lợi nhuận, người học chỉ cần bằng cấp mà không coi trọng kiến thức thì xã hội cũng khó có thể coi trọng hai bằng cấp của hai hệ đào tạo khác nhau là chính quy và tại chức có chất lượng tương đương.
Bình luận