Ở World Cup đầu tiên vào năm 1930, người ta không chọn đội chủ nhà đá khai mạc. Vinh dự này được trao cho Pháp và Mexico, hai đội bóng ở bảng A. Kết quả Pháp thắng Mexico 4-1.
4 năm sau, World Cup được tổ chức ở Italia, thể thức thi đấu có sự thay đổi lớn. Theo đó, 16 đội dự vòng chung kết được chia cặp đá loại trực tiếp. Thế là ngay trong ngày đầu tiên của giải đấu, 8 trận đấu đồng loạt diễn ra lúc 16h30 (giờ địa phương) ở 8 sân đấu khác nhau.
Bởi vậy, nói World Cup 1934 không có khai mạc cũng đúng mà có 8 trận khai mạc cũng không sai. Trong 8 trận này, chủ nhà Italia thắng Mỹ 7-1. Và đây mới là trận mở màn một kỳ World Cup có tỷ số đậm nhất lịch sử giải đấu.
World Cup 1938 FIFA giữ nguyên thể thức thi đấu như ở Italia 4 năm trước. Nhưng không biết vì lý do gì mà trận Thụy Sĩ và Đức lại được tổ chức sớm hơn các trận đấu còn lại 1 ngày. Hai đội hòa nhau 1-1 dù đã đá thêm 2 hiệp phụ. Vì ngày đó luật đá luân lưu chưa ra đời nên ở cuộc đấu lại sau đó 5 ngày, Thụy Sĩ thắng Đức 4-2.
World Cup 1950, FIFA lại thay đổi thể thức thi đấu. 15 đội dự giải chia làm 4 bảng, (3 bảng 4 đội và 1 bảng 3 đội) đá vòng tròn, chọn 4 đội nhất bảng vào vòng tiếp theo để tiếp tục đá vòng tròn tìm ra nhà vô địch. Đây là World Cup duy nhất không có trận chung kết. Brazil là đội chủ nhà đầu tiên trong lịch sử được chọn đá trận khai mạc và giành chiến thắng 4-0 trước Mexico.
Đến World Cup 1954 thể thức lại thay đổi. 16 đội chia làm 4 bảng lấy 2 đội nhất nhì vào đá tứ kết. Ở giải đấu này, trong ngày khai mạc, bảng 1 và bảng 3 được chọn đá mở mà. Theo đó 4 cặp đấu của hai bảng này đồng loạt ra sân lúc 18h ngày 16/6/1954.
Năm 1958, Thụy Điển là chủ nhà được chọn đá trận đầu tiên của giải đấu và thắng Mexico 3-0. Nhưng 4 năm sau ở Chile, 4 bảng đấu chọn mỗi bảng 1 cặp cùng đá trận mở màn vào lúc 15h ngày 30/5.
Từ World Cup 1966 trở đi trận khai mạc mới ổn định và là trận khai mạc đúng nghĩa khi đội chủ nhà được chọn đá trận đầu tiên. Sau này thì FIFA có thay đổi sang việc chọn nhà vô địch đá khai mạc nhưng rồi lại quay về chọn đội chủ nhà từ năm 2006.
Tính từ World Cup 1966 thì đúng chủ nhà Nga của World Cup 2018 là đội có màn khai cuộc hủy diệt nhất.
Ngoài ra, pha đánh đầu mở tỷ số của Gazinskiy cho tuyển Nga còn đưa cầu thủ này sánh ngang với Philipp Lahm của tuyển Đức (tại World Cup 2006) khi trở thành cầu thủ ghi bàn ngay ở tình huống dứt điểm đầu tiên tại World Cup.
Chưa hết, bàn thắng nâng tỷ số lên 2-0 của Denis Cheryshev cũng đưa cựu cầu thủ của Real Madrid trở thành cầu thủ đầu tiên vào thay người ghi được bàn thắng ở trận mở màn các kỳ World Cup.
Còn "gã khổng lồ” Artem Dzyuba (cao tới 1m96) của Nga cũng lập được thành tích đáng nể khi bàn thắng nâng tỷ số lên 3-0 của anh được thực hiện chỉ 89 giây sau khi được tung vào sân. Đây là pha làm bàn nhanh kỷ lục tại World Cup trong 16 năm qua.
Và cuối cùng, Sergei Ignashevich (38 tuổi, 335 ngày) cũng thiết lập kỷ lục cho riêng mình khi trở thành cầu thủ nhiều tuổi nhất góp mặt trong một trận World Cup, kể từ sau trường hợp của “sư tử già” Roger Milla tại World Cup 1994. Kỷ lục này sẽ bị phá ngay tối nay khi thủ thành Essam El-Hadary (45 tuổi) của Ai Cập ra sân trong trận đấu với Uruguay.
Bình luận