Trong một phiên điều trần mới đây của Quốc hội Mỹ, các chuyên gia khẳng định những thách thức cơ bản trong nội tại Trung Quốc, như nợ công cao đang đặt ra các vấn đề lớn cho các mục tiêu kinh tế dài hạn của Trung Quốc.
Theo SCMP, giới chức Trung Quốc đang bất đồng về việc có nên theo đuổi các chính sách kích thích hơn nữa nền kinh tế hay tiếp tục cải cách dựa trên thị trường trong bối cảnh Bắc Kinh phải căng sức đối phó với Washington trên mặt trận thương mại.
Phó giáo sư Victor Shih, Trường chính sách và chiến lược quốc tế, Đại học California, Mỹ tin rằng, tính tới thời điểm hiện tại, cuộc chiến thương mại đã thành công trong việc tạo chia rẽ giữa các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh về cách đối phó với suy thoái kinh tế Trung Quốc.
Bắc Kinh đã và đang bắt tay vào thực hiện một số biện pháp kích thích kinh tế, nhưng không toàn diện như trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Nến kinh tế thứ 2 thế giới cũng công bố một loạt các bước nới lỏng chính sách tiền tệ và tăng chi tiêu tài khóa trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng trong môi trường giao dịch căng thẳng như hiện nay.
Theo ông Shih, nợ trong nước cùng với ma sát thương mại với Mỹ đang thúc đẩy chính quyền can thiệp thêm vào nền kinh tế đất nước.
Trong khi đó, ông Andrew Polk – đồng sáng lập của công ty nghiên cứu Trivium China nhận định, khi cuộc chiến thương mại kéo dài, những tác động tiêu cực thông qua thương mại, kinh tế, đầu tư và các kênh công nghệ sẽ ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng trung hạn của Trung Quốc.
Theo chuyên gia này, trận chiến thuế quan đã tạo ra khoảng cách giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dữ liệu thương mại được Bộ Thương mại Mỹ công bố mới đây cho thấy xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc giảm 18,2% trong 7 tháng đầu năm 2019 trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 12,3%.
Ông Polk cho biết do thuế quan, các công ty Trung Quốc bị định giá thấp hơn, nhưng tổn thất này được bù đắp sau khi Trung Quốc phá giá đồng NDT. Ông Polk tin rằng căng thẳng thương mại có thể làm giảm xuất khẩu của Trung Quốc trong năm qua nhưng các yếu tố kinh tế trong nước mới là nhân tố hàng đầu đẩy Trung Quốc tới miệng hố suy thoái.
Những quan điểm này trái ngược với quan điểm của Tổng thống Trump rằng ông là người khiến kinh tế Trung Quốc lao dao.
Nhiều nhà phân tích tin rằng việc kinh tế Trung Quốc bị chững lại như hiện nay một phần là do các đòn áp thuế của Trump, nhưng cũng xuất phát một phần từ sự chậm lại của kinh tế nước này trước căng thẳng thương mại.
Theo bà Elizabeth Economy, học giả thuộc Hội đồng Quan hệ Quốc tế (CFR), các mức thuế quan áp đặt qua lại lẫn nhau khiến giới chức Trung Quốc phải tập trung vào việc đối phó và ăn miếng, trả miếng với Mỹ thay vì cải cách kinh tế.
Bình luận