• Zalo

Không nên phẫn nộ khi Nguyễn Đức Nghĩa kháng cáo

Thời sựThứ Ba, 17/08/2010 12:37:00 +07:00Google News

(VTC News) - Nhiều luồng ý kiến đã đăng tải trên một số báo cho rằng Nghĩa đã “không giữ lời”, là “thách thức cái thiện”... Đặt vấn đề như vậy có ổn?

(VTC News) - Nhiều luồng ý kiến đã đăng tải trên một số báo cho rằng Nghĩa đã “không giữ lời”, thậm chí có tờ báo còn bày tỏ sự “phẫn nộ” khi cho rằng với tội ác đã gây ra, việc Nguyễn Đức Nghĩa kháng cáo là “thách thức cái thiện” và điều khó có thể chấp nhận được… Có nên nhìn nhận vấn đề một cách đơn giản như vậy?


Theo các chuyên gia pháp luật, việc Nghĩa kháng cáo là hết sức bình thường. Có thể đó là kết quả của sự thay đổi về mặt nhận thức của Nghĩa, và sự thay đổi nhận thức này là không phù hợp với nhận thức của xã hội về tội ác của bị cáo. Nhưng một khi việc kháng cáo đã là một quyền tố tụng mà pháp luật dành cho bị cáo thì cũng không nên lên án.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Nguyễn Đức Nghĩa khẳng định: “Dù bản án tuyên thế nào cũng không kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt”. Tuy nhiên, sau khi án sơ thẩm được tuyên, trong hạn 15 ngày, Nghĩa đã bất ngờ kháng cáo.

Nhiều luồng ý kiến đã đăng tải trên một số báo cho rằng Nghĩa đã “không giữ lời”, thậm chí có tờ báo còn bày tỏ sự “phẫn nộ” khi cho rằng với tội ác đã gây ra, việc Nguyễn Đức Nghĩa kháng cáo là “thách thức cái thiện” và điều khó có thể chấp nhận được…

 

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia pháp luật, xét ở mọi góc độ (luật pháp, tâm lý tội phạm và cả tình cảm), việc kháng cáo của Nghĩa là hết sức bình thường, không thể lấy việc kháng cáo để đánh giá về tính trung thực trong lời nói hay lên án tội ác của Nguyễn Đức Nghĩa.

 

Để bạn đọc có cái nhìn khách quan hơn, VTC News xin giới thiệu một số ý kiến của các chuyên gia về tâm lý tội phạm và chuyên gia luật hình sự về vấn đề này. 

 

 
Thạc sĩ luật học Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Hồng Hà, Hà Nội), một trong những tác giả của bộ sách Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự Việt Nam: "


"Nguyễn Đức Nghĩa đã làm một việc mà pháp luật cho phép"

 

“Trước hết, cần thấy rằng việc kháng cáo bản án sơ thẩm là một việc hết sức bình thường vì đó là một quyền tố tụng của người bị kết án được quy định tại điểm i, khoản 2 Điều 50 và Điều 231 Bộ luật tố tụng hình sự.

 

Theo quy định này, bị cáo có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Toà án sơ thẩm và khi có kháng cáo, Tòa án cấp Phúc thẩm phải mở phiên tòa để xét nội dung kháng cáo.

 

Trong vụ án “xác chết không đầu”, Nguyễn Đức Nghĩa bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt tử hình. Nếu Nghĩa không kháng cáo bản án sơ thẩm trong thời hạn luật định (15 ngày kể từ ngày tuyên án), thì Nghĩa vẫn còn 7 ngày  (kể từ ngày thứ 16 trở đi) để gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch Nước. Trong trường hợp Nghĩa kháng cáo bản án sơ thẩm thì thời hạn 7 ngày để gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch Nước sẽ được tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

 

Trong quá trình tạm giam cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, Nghĩa từng nhiều lần khẳng định “sẽ không kháng cáo dù án tuyên thế nào”. Nhưng việc Nghĩa lại bất ngờ kháng cáo vào ngày cuối cùng của thời hạn kháng cáo cũng là việc bình thường.

 

Dù kháng cáo với động cơ gì thì Nghĩa cũng đã làm một việc mà pháp luật cho phép bị cáo được làm. Việc kháng cáo có thể là kết quả của sự thay đổi về mặt nhận thức của Nghĩa và sự thay đổi nhận thức này rõ ràng là không phù hợp với nhận thức của xã hội về những việc mà bị cáo đã thực hiện. Nhưng một khi việc kháng cáo đã là một quyền tố tụng mà pháp luật dành cho bị cáo thì cũng không nên lên án việc Nguyễn Đức Nghĩa kháng cáo.

 

Hành vi phạm tội do Nghĩa thực hiện là đặc biệt nghiêm trọng, lý do Nghĩa nêu ra trong đơn kháng cáo khó có thể được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận nên khả năng Nghĩa thoát hình phạt tử hình ở phiên tòa phúc thẩm sẽ là cực kỳ nhỏ. Nhưng dù sao cũng nên có cái nhìn nhân văn hơn với việc Nghĩa làm đơn kháng cáo. Trước cái chết, con người ta có thể có nhiều toan tính, nhiều hy vọng nhưng dù có toan tính gì, hy vọng gì thì cũng không thể vượt qua luật pháp.

 

Tôi cho rằng nên coi việc Nghĩa kháng cáo là bình thường như những trường hợp kháng cáo trong các vụ án hình sự khác, không nên tốn quá nhiều giấy mực để bàn luận…”.

 

 
PGS – TS Trương Công Am (Trưởng bộ môn Tâm lý tội phạm, Học viện Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an):


 "Việc kháng cáo là bình thường"

 

“Không thể tin vào lời hứa của tội phạm vì bản chất của tội phạm là ngoan cố. Chẳng hạn, nhiều bị cáo ra tòa tỏ vẻ ăn năn nhưng khi cận kề cái chết rồi vẫn bấu víu vào để hi vọng bản án khác đi. Trong rất nhiều trường hợp khi ra tòa phản cung bảo là bị đánh, bị ép cung để mong bám víu vào một cái gì đó nhằm kéo dài thời gian. Tâm lý của nhiều người phạm tội là như vậy.

 

Trong trường hợp của Nguyễn Đức Nghĩa, có thể trước lúc bản án sơ thẩm có hiệu lực, bị cáo đã suy nghĩ, dằn vặt nhiều, và có thể bị tác động xung quanh (như người nhà, luật sư). Việc kháng cáo có thể là kêu oan hoặc bám vào tình tiết nào đó, mà trong trường hợp cụ thể này thì đó là tình tiết “giết người man rợ”.

 

Theo tôi, bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa kháng cáo không phải hi vọng lật lại bản án mà nhiều khả năng là bấu víu vào đó để kéo dài thời gian sống, để người thân còn có thể vào trại gặp mặt. Nghĩa và bố mẹ Nghĩa phải làm hết khả năng của họ để mong kéo dài thời gian sống, đó cũng là chuyện bình thường”.

 

PGS – TS  Phạm Hồng Hải (Đoàn Luật sư Hà Nội): Đối mặt với cái chết, người ta sẽ phải suy nghĩ khác


"Theo tôi, việc kháng cáo của Nghĩa chỉ là nhằm kéo dài thời gian sống. Khi con người ta đối mặt với cái chết, người ta sẽ phải suy nghĩ khác đi. Bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực ngay nên con người ta có quyền hi vọng.

 

Việc kháng cáo hay thay đổi lời nói trong và sau phiên tòa là điều hết sức bình thường. Việc Nghĩa “cam kết” tại phiên tòa sơ thẩm và sau đó không giữ đúng “cam kết” của mình cũng là điều bình thường chứ không nên dựa vào đó để đánh giá tính trung thực của bị cáo".

 Ngọc Linh

Ý kiến của bạn như thế nào? Hãy gõ vào ô Thảo luận về bài viết dưới cuối bài. Gõ tiếng Việt có dấu để được đăng tải. Trân trọng!

 

Bình luận
vtcnews.vn