Chuyên gia kinh tế khẳng định chính sách coi xe hơi là mặt hàng xa xỉ ở Việt Nam thực sự không phù hợp, cần giảm bớt thuế phí để giảm giá xe.
Trong ngày khai mạc Triển lãm ôtô quốc tế Việt Nam lần thứ nhất 2015 (VIMS) cũng diễn ra buổi hội thảo giữa khách mời là các quan chức chính phủ, những chuyên gia trong ngành, thành viên các hãng xe nhập khẩu và các cơ quan truyền thông.
Thu hút sự quan tâm hơn cả là câu chuyện giá xe liên quan tới "Chính sách thuế và các chính sách ưu đãi đối với phụ tùng xe chính hãng" qua ý kiến của chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long.
PGS.TS NGô Trí Long (giữa) cho rằng không nên coi ôtô là mặt hàng xa xỉ. |
Theo đó, vị diễn giả này đánh giá ngành công nghiệp xe hơi ở Việt Nam hiện nay chưa thành công, có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó một yếu tố chính là chính sách phát triển chưa phù hợp, có sự mâu thuẫn.
Việt Nam coi công nghiệp ôtô là ngành rất quan trọng, do đó cần được ưu tiên phát triển để góp phần công nghiệp hóa đất nước. Tuy nhiên, song song đó, do lo ngại về sự quá tải của hệ thống giao thông, chính phủ lại muốn hạn chế sự phát triển của thị trường ôtô trong nước bằng cách đánh thuế cao.
Ngành công nghiệp bốn bánh không giống những ngành công nghệ chế tạo khác như điện thoại hay máy tính. Việt Nam có thể tiêu dùng ít một sản phẩm điện thoại nào đó, nhưng hoàn toàn có thể phát triển nhiều nhà máy lắp ráp để xuất khẩu. Riêng với ngành xe hơi, muốn có nhiều nhà máy lắp xe cũng như phát triển công nghiệp phụ trợ, bản thân thị trường nội địa phải phát triển. Đầu ra thị trường nội địa có ổn định, thì các công ty mới có cơ sở đầu tư tiếp.
Chính mâu thuẫn này trong cách làm chính sách mà ngành công nghiệp ôtô Việt Nam mãi không thể hoàn thành những mục tiêu đề ra. Cụ thể, một chiếc xe hơi nếu nhập khẩu về bán trong nước, phải chịu tới 4 loại thuế gồm thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp. Chưa hết, cùng thuế là phí, tới 10 khoản phí khác nhau cho xe lăn bánh là trước bạ, đăng kiểm, cấp giấy chứng nhận bảo đảm an toàn kỹ thuật, phí đường bộ, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, xăng dầu, khí thải... Tất cả gộp lại khiến mức giá ôtô ở Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới.
Để giải quyết thực trạng này, theo PGS.TS Ngô Trí Long, cần loại bỏ quan điểm cho rằng xe hơi là mặt xa xỉ, mà phải coi ôtô chỉ là phương tiện giao thông bình thường như xe máy. Từ đó, cần giảm thuế, đặc biệt là thuế nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt để giảm giá bán xe, từ đó thúc đẩy thị trường tăng trưởng. Khi đó, các doanh nghiệp trong ngành sẽ tăng cường đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giúp người tiêu dùng mua được xe chất lượng tốt, giá cả phù hợp.
Cần giảm thuế để kích thích thị trường phát triển. |
Quan điểm này của chuyên gia kinh tế nhận được nhiều ý kiến đồng tình của những người tham gia hội thảo. Thị trường cũng có những tín hiệu tươi sáng, đó là lộ trình cắt giảm thuế sẽ đến trong những năm tới, theo cam kết với WTO cùng các hiệp định thương mại như ASEAN hay TPP.
Ngoài vấn đề trên, hội thảo còn bàn luận những chủ đề khác gồm "Thảo luận mở về Thuế tiêu thụ đặc biệt" do đại diện Bộ Công thương trình bày; "Thực trạng sử dụng phụ tùng không chính hãng và tiêu chuẩn chung cho phụ tùng chính hãng" do các đại diện các hãng xe diễn giải; "Đơn giản hóa các thủ tục đăng kiểm xe nhập khẩu và phụ tùng trước và sau khi đưa vào lưu hành" do ông Tô An, trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới Cục Đăng Kiểm Việt Nam trình bày.
Triển lãm ôtô quốc tế Việt Nam lần thứ nhất (VIMS 2015) diễn ra từ 10-13/10 tại triển lãm Giảng Võ (Hà Nội) với sự tham gia của 9 thương hiệu xe hơi nhập khẩu.
Nguồn: Vnexpress
Bình luận