Viettel - Viber: Thương vụ trăm triệu USD
Mới đây, trên các trang tin tức quốc tế đã lan truyền thông tin cho rằng Viber Media, công ty sở hữu Viber - ứng dụng OTT hàng đầu thế giới hiện nay - đang muốn bán mình cho một "công ty hàng đầu châu Á". Mức giá được xác định cho cuộc sang nhượng này được dự đoán vào khoảng từ 300 - 600 triệu USD.
Để sở hữu Viber, Viettel sẽ phải bỏ ra hàng trăm triệu USD
Ra mắt vào năm 2010, tới nay ứng dụng gọi điện và nhắn tin miễn phí Viber đã có hơn 200 triệu người sử dụng với tầm hoạt động ở 200 quốc gia, trong đó mạnh nhất là tại khu vực Đông Nam Á. Riêng ở Việt Nam, Viber cũng được xác định là dịch vụ OTT đứng đầu với 8 triệu người dùng.
Trước khi xuất hiện những thông tin trên, phía Viettel cũng từng có nhiều động thái rõ ràng bày tỏ ý định quan tâm tới lĩnh vực OTT. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel không ít lần dành cho dịch vụ nhắn tin và thoại miễn phí này những lời "có cánh" khi nhấn mạnh: OTT là một cuộc cách mạng thực sự trong lịch sử 100 năm của ngành viễn thông thế giới.
Đi kèm với đó, lãnh đạo của Viettel cũng từng bày tỏ ý định mua lại các công ty sáng tạo để tập đoàn Quân Đội sáng tạo và đổi mới nhanh hơn. Nếu mua lại được các công ty dạng này sẽ tạo được sức ép lên cho Viettel Telecom, thông qua việc để cho các công ty trong nội bộ cạnh tranh trực tiếp với nhau, đây lại là cơ hội để Viettel Telecom đổi mới, ông Hùng cho biết.
Cũng chính từ những động thái và lời phát ngôn trên, nhiều ý kiến đã cho rằng rất có thể trong thời gian tới vụ "hôn nhân" giữa Viettel và Viber sẽ thành sự thật. Qua đó, Viettel không những trở thành nhà mạng đầu tiên của Việt Nam đặt chân vào lĩnh vực OTT mà thông qua đó còn có thể vươn dịch vụ ra tầm thế giới.
"Chưa bao giờ Viettel có ý định mua Viber"
Trong các diễn biến mới nhất, lãnh đạo của cả Viber và Viettel đều lên tiếng phủ nhận về thương vụ mua bán được kỳ vọng ở trên. Trong khi CEO của Viber, Talmon Marco cho biết: "Tôi không biết gì về việc này" thì một lãnh đạo cao cấp của Viettel cũng khẳng định: "Chưa bao giờ Viettel có ý định mua Viber".
Triển vọng hợp tác giữa nhà mạng và doanh nghiệp OTT sẽ là khả thi hơn
Có thể đặt ra giả thuyết rằng phát ngôn từ phía Viber là động thái "làm hàng" nhằm tìm kiếm một cái giá cao hơn cho thương vụ bán mình. Còn về phía Viettel, việc bộc lộ rõ ý định không muốn mua ứng dụng OTT này được coi là "nước cờ" rất chuẩn xác vào thời điểm này
Đầu tiên phải nói đến mức giá mà Viber bán mình, mặc dù khó có thể nói chính xác là bao nhiêu nhưng con số này chắc chắn sẽ không dưới 300 triệu USD như các tin đồn trước đó, thậm chí Viettel phải chi cao hơn là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này sẽ ngốn của hãng Quân Đội một khoản tiền rất lớn nếu biết lợi nhuận năm 2013 của Viettel chỉ hơn 1 tỷ USD.
Ngoài ra việc Viettel tiếp tục đổ tiền vào Viettel Global, đơn vị phụ trách các dự án đầu tư ra ngoài, trong năm 2014 đã khiến nguồn vốn đầu tư của Tập đoàn giảm đi khá nhiều. Tính đến nay Viettel đã bỏ vào đơn vị trên số tiền lên tới hơn 12.100 tỷ đồng. Chính vì vậy việc bỏ ra một số tiền lớn cho Viber thực sự là bài toán khó.
Không những thế hồi đầu năm 2014, Viber đã chính thức mở văn phòng đại diện ở Việt Nam. Động thái trên có thể được hiểu rằng hãng đã sẵn sàng cho các hoạt động kinh doanh tại đây, thay vì bán mình thì tự kiếm tiền có lẽ sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn.
Trước đây, trong những lần nói về mối quan hệ giữa nhà mạng và dịch vụ OTT, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel từng không ít lần nhấn mạnh: Viettel sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp cung cấp OTT để cùng phát triển. Từ đó có thể hiểu ngoài việc mua đứt, khả năng hợp tác vẫn được ưu tiên.
Việc bắt tay cùng phát triển đã không ít lần được các doanh nghiệp viễn thông Việt tính tới, thậm chí những gói cước 3G dành riêng cho OTT cũng được xác định là sẽ ra mắt trong thời gian tới. Ngoài ra hình thức này cũng giúp nhà mạng tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ mà họ phải bỏ vào các thương vụ mua bán, sát nhập với doanh nghiệp OTT.
Ở một diễn biến khác, lãnh đạo của Viettel cũng từng cho biết đang đàm phán hợp tác với Kakao Talk, một ứng dụng OTT cũng rất phổ biến. Khả năng thương vụ này hoàn toàn có thể xảy ra khi trong quá khứ Kakao Talk cũng từng có quãng thời gian ngắn hợp tác với một đơn vị cung cấp nội dung số trong nước.
Bình luận