Sáng 26/1, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Cty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và 7 đồng phạm về hành vi tham ô tài sản tại Cty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land).
Tại tòa, các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Trịnh Xuân Thanh được nêu quan điểm bào chữa.
Ban đầu, bị cáo Đinh Mạnh Thắng khai 14 tỷ đồng chuyển cho Trịnh Xuân Thanh đựng trong thùng caton, nhưng khi ra tòa, bị cáo lại thay đổi lời khai, nói rằng số tiền này để tiền trong vali.
Liên quan đến việc này, luật sư Nguyễn Quốc Hùng - người bào chữ cho Trịnh Xuân Thanh phân tích: “Bỗng nhiên, bị cáo Thắng lại nhớ ra như vậy và bỗng nhiên, 2 lái xe của các bị cáo Thanh, Thắng cũng nhớ ra đã nhận vali tiền.
Không loại trừ khoản tiền 14 tỷ đồng nói trên bị Đinh Mạnh Thắng hoặc Thái Kiều Hương “rút ruột”. Trước thời điểm 14 tỷ đồng đến được nhà bị cáo Thắng (vợ ông Thắng nhận) thì quyền kiểm soát thuộc về Thắng và Hương".
Luật sư Hùng nêu giả định: “Chính HĐXX cũng đặt câu hỏi tại sao Hương lại nôn nóng làm việc cho PVP Land để bán cổ phần dù Hương làm việc cho Vietsan và Vietsan cũng bán cổ phần cho Cty 1/5. Như vậy, không loại trừ động cơ chiếm hưởng riêng trong số 14 tỷ đồng.
Đến thời điểm có thể bị phát giác tức khi CQĐT khởi tố vụ lừa đảo với Lê Hòa Bình thì Hương và Thắng đã lập tức trả lại số tiền này vì tiền vẫn nằm trong vùng kiểm soát của họ”.
Luật sư cũng đề nghị tòa cho phép thực nghiệm điều tra ngay tại tòa.
“Đồng nghiệp của tôi cũng trình bày mâu thuẫn nên phải tiến hành thực nghiệm điều tra tại tòa. Số lượng tờ tiền rất lớn (90.000 tờ), không thể cho vào 2 thùng caton đựng nước Lavi hoặc một vali.
Tôi đồng tình việc này vì thời gian xét xử còn dài và điều kiện thực nghiệm không khó, có thể thực nghiệm ngay tại tòa để điều tra… Việc này là chứng cứ rất quan trọng trong việc chứng minh có hay không việc chuyển 14 tỷ đồng cho Trịnh Xuân Thanh” - luật sư Hùng nói.
Luật sư Hùng khẳng định không có bất cứ chứng cứ nào thể hiện Trịnh Xuân Thanh đã nhận 14 tỷ đồng, đề nghị tòa tuyên bị cáo vô tội.
Trường hợp HĐXX còn phân vân, đề nghị cho thực nghiệm điều tra ngay tại tòa để tránh trường hợp có bản án gây oan sai cho Trịnh Xuân Thanh.
Trước đó, VKSND xác định Trịnh Xuân Thanh đã đồng ý bán cổ phần của PVP Land (nơi PVC nắm 28% vốn) tại Cty Xuyên Thái Bình Dương tức bán đất tại dự án Nam Đàn Plaza với giá 34 triệu đồng/m2 cho Lê Hòa Bình – nguyên Chủ tịch HĐQT Cty CP xây dựng và dịch vụ 1/5, Cty CP Minh Ngân. Mức giá trên thấp hơn thực tế 18 triệu đồng/m2.
Sau đó, ông Thanh được Thái Kiều Hương – nguyên Phó TGĐ Cty Vietsan và Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng) “lại quả” 14 tỷ đồng.
Khi vụ án Lê Hòa Bình bị khởi tố về tội lừa đảo tại dự án Thanh Hà – Cienco 5, ông Thanh đã trả lại 14 tỷ đồng tham ô. Vì vậy, kiểm sát viên đề nghị tòa tuyên phạt Trịnh Xuân Thanh án tù chung thân.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh, người bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh bổ sung thêm, thời PVP Land chuyển nhượng cổ phần, Hội đồng thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có chủ trương từ năm 2009 để thoái vốn ở PV Power (chủ sở hữu 28% vốn của PVP Land trước khi chuyển cho PVC). Chủ trương này đến năm 2010 được giao cho PVC thực hiện.
Ông Quynh nói: “Tôi khẳng đinh bị cáo Thanh không thể chỉ đạo việc thoái vốn. Về việc cáo buộc bị cáo Thanh biết giá 52 triệu đồng/m2, tôi cho rằng việc Thanh biết hay không cũng không ảnh hưởng việc thoái vốn vì PVC và cụ thể là Trịnh Xuân Thanh – người đại diện phần vốn cho Nhà nước chỉ nắm 28% vốn của PVP Land. Bị cáo Thanh không thể chi phối HĐQT của PVP Land trong việc thoái vốn tại Nam Đàn Plaza”.
Luật sư Quynh cũng đọc một bút lục về dòng tiền trong vụ án nhưng bị chủ tọa yêu cầu dừng, cho rằng không liên quan phạm vi xét xử. Tuy nhiên, ông Quynh cho rằng bút lục đó chủ tọa đã nói trong phần xét hỏi rằng có thể đọc trong phần tranh luận nhưng đến nay lại không cho đọc.
Bình luận