(VTC News) - Nói về thực trạng một số cán bộ tham nhũng, Chủ tịch Quốc hội đặt nghi vấn: “Không lấy tiền chỗ này chỗ kia, lấy gì mà chơi? Chức vụ này chức vụ kia, lấy gì mà chạy?”
Sáng 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.
Theo báo cáo, trong 8 tháng năm 2013 Bộ Công an đã thụ lý, điều tra 20 vụ án, 109 bị can, trong đó khởi tố mới 11 vụ, 65 bị can; kết luận điều tra 08 vụ, 51 bị can; đình chỉ điều tra 01 vụ, chuyển cơ quan An ninh điều tra 01 bị can thuộc vụ Vinalines; hiện đang điều tra 10 vụ, 55 bị can. Thiệt hại khoảng hơn 4.638 tỷ đồng và 2.900 lượng vàng. Đã thu hồi trên 6 tỷ đồng, tài sản kê biên 01 thiết bị lặn Tinro2 và 108.000 m2 đất.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thụ lý kiểm sát điều tra 31 vụ/149 bị can; đã giải quyết 07 vụ/28 bị can; đang giải quyết 24 vụ/121 bị can.
Báo cáo cũng nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 5.466 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, qua đó phát hiện 210 vụ việc vi phạm, xử lý kỷ luật 134 người. Tổng giá trị các vi phạm về chế độ, định mức, tiêu chuẩn được kiến nghị thu hồi và bồi thường hơn 78,5 tỷ đồng, đã được thu hồi 37,3 tỷ đồng.
Làm rõ việc chỉ đạo, cản trở phòng chống tham nhũng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. (Ảnh: internet) |
Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp; việc hoàn thiện thể chế chậm và vẫn còn bất cập, công tác phát hiện tham nhũng còn yếu, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang xảy ra, việc xử lý hành vi tham nhũng có biểu hiện nương nhẹ, vẫn còn tình trạng lạm dụng để xử lý kỷ luật hành chính, không khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án, bị can có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng: Cần phải nhận định, đánh giá công tác phòng chống tham nhũng có chuyển biến hơn không, phức tạp như thế nào? Cần phải dự báo được tình hình tham nhũng, và việc phát hiện đã phản ánh đúng tình hình thực tế hay chưa?
Nói về những thiếu sót trong báo cáo của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Chưa thấy nói đến vấn đề điều tra công luận thế giới đánh giá tham nhũng của ta như thế nào? Thế giới đánh giá tụt bậc hay lên bậc? Chưa thấy nói rõ lực lượng đấu tranh phòng chống tham nhũng có bỏ sót, có bao che, có tham nhũng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng hay không? Các lực lượng liên quan đã làm hết sức, hết trách nhiệm chưa?
“Trong những vụ án tham nhũng, tòa án xử có đúng không? Xử lòng vòng hay như thế nào? Đánh giá không rõ ràng gì cả, dư luận trong nước thế nào không nói, trách nhiệm cơ quan cũng không nói.” – Ông Nguyễn Sinh Hùng nói.
|
Về thực trạng một số cán bộ tham nhũng, Chủ tịch Quốc hội đặt nghi vấn: “Không lấy tiền chỗ này chỗ kia lấy gì mà chơi? Chức vụ này chức vụ kia lấy gì mà chạy?”
Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Quốc hội Ksor Phước cũng đặt vấn đề: Số thông tin liên quan đến tham nhũng trong năm các cơ quan pháp luật nhận được bao nhiêu và xử lý như thế nào? Làm có tới nơi tới chốn không?
Những vụ án nghiêm trọng thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng quản lý đã có bao nhiêu vụ án có ý kiến bằng miệng, bằng văn thư của các đồng chí lãnh đạo các cấp?
“Nhân dân mất lòng tin vì có những vụ việc qua chỉ đạo thì làm cho nó xẹp xuống. Cần làm rõ có tình trạng chỉ đạo cản trở không? Đề nghị làm rõ việc can thiệp vào quá trình của cơ quan điều tra.” – Ông Ksor Phước nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đánh giá: Đây là báo cáo của Chính phủ, với tư cách là những người thực hiện, chịu trách nhiệm trước quốc hội. Đề nghị đánh giá rõ hơn tình hình, số liệu, xử lý, kiến nghị về tham nhũng.
“Dư luận thì nhiều nhưng phát hiện xử lý thì ít. Không có con số nào cụ thể cả. Tham nhũng phổ biến, nghiêm trọng nhưng phát hiện ít, thu hồi tiền ít, đất đai lại càng ít. Phát hiện 14.000 vụ nhưng chuyển cho hình sự chỉ 36 vụ, còn lại là xử lý hành chính hết.” – Ông Lý nói.
Sai phạm 2-3 tỉ đồng chỉ xử phạt hành chính
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện nhận xét, xử án tham nhũng chưa thực sự khách quan. Những vụ không đáng đình chỉ vẫn đình chỉ. Thậm chí sai phạm tới 2-3 tỉ đồng vẫn đình chỉ, trong khi đối với người dân chỉ sai phạm 2-3 triệu đồng thì đi tù như chơi. Trong quá trình xử án treo liệu có tiêu cực hay không? Cần phải có điều tra xã hội học, đánh giá sự hài lòng của nhân dân về vấn đề này.
Ông Ksor Phước đánh giá thêm: Có nhiều vụ án nghiêm trọng kéo dài, đến 2-3 năm vẫn chưa đưa ra xử được. Việc này làm giảm lòng tin của nhân dân, cán bộ đảng viên. Cần nêu ra được lý do làm sao chưa thể xử được. Vì sao cứ im lặng? Trong khi nhân dân thì băn khoăn, không biết đúng sai như thế nào?
“Ngay cả cán bộ Trung ương như chúng tôi cũng thấy băn khoăn rồi. Dân phạm tội 2 triệu đồng thì bắt đi tù, cán bộ sai phạm mấy tỷ thì xử án treo. Đó là dấu hiệu nghi vấn cao về tham nhũng.
Tôi được biết, một số doanh nghiệp còn lên Bộ KH&ĐT chạy dự án. Cán bộ ở các tỉnh Tây Nguyên và Tây Bắc mua nhà tiền tỷ ở TP.HCM và Hà Nội thì rất nhiều, sau này về nghỉ hưu sẽ ở. Cần đánh thẳng, đó là những con cá lớn.
Vụ Dương Chí Dũng, nghe nói thông tin rất nhiều đến vấn đề xử lý cán bộ, nhưng xử lý đến đâu? Xử lý đến đâu thì không biết, cứ âm thầm lặng lẽ, khiến người ta hoài nghi.
Cần phải đôn đốc những người đứng đầu. Tập trung vào những địa bàn trọng điểm. Nơi nào có nhiều tiền, nhiều quyền lực nhất thì có nguy cơ tham nhũng nhiều nhất.” – Ông Ksor Phước thẳng thắn.
Bình luận