• Zalo

Không gì có thể che mắt được nhân dân

Thời sựThứ Sáu, 14/11/2014 07:22:00 +07:00Google News

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội cho rằng nhân dân rất công bằng trong việc nhìn nhận, đánh giá việc làm của các bộ trưởng, trưởng ngành.

(VTC News) – Đại biểu Lê Nam cho rằng nhân dân rất công bằng trong việc nhìn nhận, đánh giá việc làm của các bộ trưởng, trưởng ngành.

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đã chia sẻ với VTC News xung quanh việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn vào ngày 15/11.

>>>Xem danh sách chi tiết 50 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm

Đại biểu Lê Nam thừa nhận thực tế vẫn có vị bộ trưởng, trưởng ngành thực sự thay đổi sau đợt lấy phiếu tín nhiệm lần trước nhưng những việc đó cũng không thể che mắt được nhân dân, cử tri. Nhân dân và đại biểu Quốc hội cũng rất công bằng khi đánh giá việc làm của những vị bộ trưởng, trưởng ngành.


Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa)
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa).
Ảnh: Phạm Thịnh
 
- Ông đánh giá gì về bản báo cáo của các Bộ trưởng, trưởng ngành được gửi cho các đại biểu phục vụ cho việc lấy phiếu tín nhiệm sắp tới?


Tôi đã nhận được báo cáo của các bộ trưởng và trưởng ngành, những người được lấy phiếu tín nhiệm. Tôi thấy các báo cáo của họ phản ánh lại quá trình từ khi lấy tín nhiệm lần trước đến bây giờ. Tất cả đều khẳng định đã hoàn thành nhiệm vụ, các lĩnh vực công việc mà họ đảm nhiệm đều hoàn thành tốt.

Tôi cho rằng báo cáo chỉ là một phần, cái chính là đại biểu phải nhìn nhận từ thực tế cuộc sống, thực tế lĩnh vực phụ trách của các thành viên Chính phủ.

Chúng ta đều thấy ngành Giao thông vận tải có chuyển biến rõ nét trong xây dựng hạ tầng, giao thông, đổi mới quản lý đường sắt, đường thủy, đường hàng không. Bên cạnh đó, ngân hàng nhà nước cũng cho thấy được hiệu quả trong quản lý tiền tệ, lãi suất…

Vì vậy, tôi cho rằng đại biểu cần phải có cái nhìn dựa trên thực tiễn, còn nội dung báo cáo chỉ là kênh ban đầu cho đại biểu tiếp cận.

- Với những thông tin hiện có, ông có tự tin với việc đánh giá của mình trong lần lấy phiếu tín nhiệm sắp tới?

Mỗi đại biểu phải tự tìm kiếm thông tin, tự nhìn nhận bằng vai trò đại biểu của mình. Tôi tự tin và trách nhiệm đến cùng với lá phiếu mình bỏ cho các vị bộ trưởng, trưởng ngành. Có thể những thông tin đối với vị này mình thấy yên tâm, còn các vị khác mình thấy chưa đủ.

- Lấy phiếu tín nhiệm lần này liệu có thực sự hiệu quả không thưa ông?

Việc lấy phiếu tín nhiệm khác bỏ phiếu tín nhiệm. Bỏ phiếu tín nhiệm thực chất là bỏ phiếu bất tín nhiệm như nghị viện các nước đã làm. Việc bỏ phiếu tín nhiệm tức là xem uy tín, tín nhiệm của những bộ trưởng, trưởng ngành có còn không?

Nhưng việc lấy phiếu tín nhiệm của mình là một kênh để đánh giá tín nhiệm. Và bản thân việc lấy phiếu tín nhiệm cũng không quy định trong Hiến pháp mà làm theo chỉ đạo của Đảng và là công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước.

Kênh của Đảng và Nhà nước hy vọng sẽ hỗ trợ để đánh giá cán bộ được giao nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý, điều phối các chức năng trên tầm quốc gia.

Nên lấy phiếu tín nhiệm bao nhiêu mức?

  • 2 mức
  • 3 mức
  • Ý kiến khác
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

- Trong đợt lấy phiếu tín nhiệm tới, nếu một vị lãnh đạo tiếp tục nhận được tín nhiệm thấp thì cần phải có hình thức xử lý như thế nào, thưa ông?

Tôi cho rằng, một vị bộ trưởng hay trưởng ngành mà có tới 2 lần phiếu tín nhiệm thấp thì chắc chắn là cơ quan có trách nhiệm về công tác cán bộ phải xem xét. Bản thân vị bộ trưởng ấy cũng không thể quay lưng lại với kết quả này.

Việc lấy phiếu tín nhiệm là công khai nên bản thân cơ quan làm công tác cán bộ cũng chịu một áp lực nhìn nhận đánh giá của nhân dân.

Nếu một vị nào đó phiếu tín nhiệm thấp, dù chưa đến mức phải từ chức hoặc bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng đó là thông tin để khẳng định công tác cán bộ, công tác tổ chức cán bộ phải có xem xét bố trí xử lý thông tin cho hợp lý.

>>>Xem danh sách chi tiết 50 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm

Cơ quan tổ chức cán bộ và những nhà lãnh đạo có thẩm quyền, có trách nhiệm trong công tác cán bộ sẽ chịu áp lực trước nhân dân.

Nếu những vị lãnh đạo không làm gì với kết quả phiếu tín nhiệm thấp của bộ trưởng, trưởng ngành, mà vẫn xem là bình thường thì lòng tin của người dân đối với những người làm công tác tổ chức cán bộ sẽ rất thấp.

lấy phiếu tín nhiệm
Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 thành viên do Quốc hội bầu và phê chuẩn vào ngày 15/11 (Ảnh minh họa: Tuổi trẻ)

- Cử tri có gửi gắm gì về việc lấy phiếu tín nhiệm lần này không, thưa ông?


Cử tri, người dân cũng mong muốn, yêu cầu là phải làm tốt việc lấy phiếu tín nhiệm. Việc này nhằm đánh giá cho đúng tín nhiệm của những người được lấy phiếu.

Sau đợt lấy phiếu tín nhiệm này, nếu bộ trưởng nào thấy phiếu thấp thì sẽ thúc đẩy hành động. Như chúng ta đã thấy, kỳ trước một số bộ trưởng có số phiếu không cao nhưng chính kết quả đó đã thúc đẩy các bộ trưởng hành động nhiều hơn trong thời gian vừa qua.

- Mục tiêu quan trọng của việc lấy phiếu tín nhiệm lần này là gì, thưa ông?

 

Tuy nhiên, tôi cho rằng, cử tri, đại biểu Quốc hội cũng rất công bằng. Không gì có thể giấu được, che đậy được dư luận của nhân dân
Đại biểu Lê Nam
 
Vừa qua, chúng ta đã thấy hiệu quả rất tốt sau khi lấy phiếu tín nhiệm. Tôi không cần nói là bộ trưởng nào thì chúng ta cũng biết đó là ai. Đó là tác dụng tuyệt vời của việc lấy phiếu tín nhiệm.


Việc lấy phiếu tín nhiệm không phải nhằm mục tiêu dẫn tới một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với một ai đó hoặc bắt ai đó phải từ chức. Đó không phải là mục tiêu quan trọng.

Mục tiêu lớn nhất của việc lấy phiếu tín nhiệm là thúc đẩy làm cho những người có chức vụ, suy nghĩ và luôn luôn tâm niệm phải có trách nhiệm hơn về những lĩnh vực mà mình phụ trách.

Bên cạnh đó, các chính khách, những người được lấy phiếu tín nhiệm thường có tác động rất lớn trên phạm vi cả nước ở lĩnh vực ngành của họ. Việc lấy phiếu tín nhiệm của đại biểu Quốc hội sẽ làm cho họ ý thức hơn trách nhiệm đối với cộng đồng, đối với nhân dân. Điều đó thậm chí cũng không ghi hết được trong các quyết định bổ nhiệm họ.

- Ông có thấy vị bộ trưởng, trưởng ngành nào trước khi lấy phiếu tín nhiệm mới có những hoạt động xông xáo hơn trong công việc?

Theo tôi vẫn có người như thế. Có vị trước đây không thấy có những hoạt động gì nổi bật nhưng gần đây đã đi vào những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong ngành mà mình quản lý.

Như vậy rõ ràng việc bỏ phiếu tín nhiệm đã có tác dụng. Gần đến ngày bỏ phiếu tín nhiệm mà một bộ trưởng nào đó trước kia ít đi cơ sở, không đi vào những vấn đề bức xúc nhưng giờ xuất hiện nhiều hơn, đến chỗ này, chỗ kia. Tôi chưa nhìn nhận ở góc độ tiêu cực là đối phó mà tôi lại thấy tác dụng tích cực của bỏ phiếu tín nhiệm.

>>>Xem danh sách chi tiết 50 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm

Đó là tác dụng rất tốt của lấy phiếu tín nhiệm.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, cử tri, đại biểu Quốc hội cũng rất công bằng. Không gì có thể giấu được, che đậy được dư luận của nhân dân. Nếu làm như thế, nhân dân sẽ đánh giá vị bộ trưởng đó đang có hành động đối phó.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn