Mới đây, báo điện tử VTC News nhận được phản ánh của một số người dân về thông tin nơi sản xuất của nước giải khát có gaz Pepsi – Cola, thuộc công ty TNHH Suntory PepsiCo Việt Nam (địa chỉ tại Cao ốc Sheraton, 88 Đồng Khởi, quận 1, TP. HCM).
Cụ thể, theo phản ánh, sản phẩm của Pepsico trên thị trường Việt Nam như Pepsi, Sting, Trà ô long Tea+ Plus, nước cam ép Twister, Isotonic, 7Up, Revive…đều chỉ ghi dòng chữ "Sản xuất bởi Công ty TNHH nước Giải Khát Suntory PepsiCo Việt Nam. Cao ốc Sheraton, 88 Đường Đồng Khởi, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam”.
Theo tìm hiểu, đây là khách sạn lớn ở TP.HCM và là nơi Pepsico đặt văn phòng làm việc, không phải nhà máy của họ. Nhiều người cho rằng, trong khi các sản phẩm của hãng khác đều ghi cụ thể địa chỉ nhà máy sản xuất thì việc nước giải khát có gaz Pepsi – Cola không ghi rõ địa chỉ cơ sở sản xuất trên mỗi sản phẩm là vi phạm pháp luật.
Để làm rõ vấn đề này, trao đổi với PV VTC News luật sư Giang Hồng Thanh (văn phòng luật sư Giang Thanh, đoàn luật sư TP Hà Nội).
Luật sư Thanh cho rằng, trong trường hợp các sản phẩm của Pepsi Việt Nam không có nêu rõ địa chỉ sản xuất là đã vi phạm Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 08 năm 2006 về nhãn hàng hóa, nội dung bắt buộc ghi trên lon nước ngọt.
Cụ thể, theo ông Thanh tại Điều 11 của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 08 năm 2006 quy định nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa các nội dung sau, tên hàng hoá, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá và xuất xứ hàng hoá (nơi sản xuất).
Ngoài ra, Điều 14 Nghị định này còn quy định: “Hàng hoá được sản xuất trong nước thì ghi tên của tổ chức, cá nhân và địa chỉ cơ sở sản xuất hàng hoá đó”
Như vậy, đối chiếu với các quy định này, có thể thấy trên lon nước ngọt màu xanh đã ghi thiếu thông tin về địa chỉ cơ sở sản xuất hàng hoá.
Đối với vi phạm này, cơ quan tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, việc xử lý được thực hiện theo Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 07 năm 2013.
Điều 26 (Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 07 năm 2013) quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng:
a) Hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;
2. Phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này theo mức phạt sau đây:
g) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.
5. Phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền quy định từ Khoản 1 đến Khoản 4 Điều này đối với một trong các hành vi sau đây:
c) Vi phạm về nhãn hàng hóa đối với hàng lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi, đồ chơi trẻ em.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về nhãn đang lưu thông trên thị trường đối với vi phạm quy định tại Điều này;”
Video: Thực phẩm bẩn 'giết chết' gan
Bình luận