• Zalo

Không đủ sống, lương Thứ trưởng bao nhiêu?

Kinh tếThứ Hai, 14/05/2012 04:26:00 +07:00Google News

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Thang Văn Phúc tâm sự: Hồi còn làm thứ trưởng, lương ông chưa tới 10 triệu đồng, không đủ sống.

Nhân Hội nghị Trung ương 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đề cập tới vấn đề cải cách tiền lương, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Thang Văn Phúc tâm sự: Hồi còn làm thứ trưởng, lương ông chưa tới 10 triệu đồng, không đủ sống.


Ông Thang Văn Phúc cho rằng:

Chủ trương cải cách cơ bản về lương công chức được đề cập từ hội nghị Trung ương 7 (khoá 8), chương trình cải cách hành chính Nhà nước cũng đặt ra vấn đề này.

Hiện nay, lương công chức còn quá nhiều bất cập. Công chức là những người được đào tạo bài bản, đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm, sự tận tuỵ và đạo đức cao, đó là loại lao động quyền lực, nhưng lương của họ lại quá thấp.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Thang Văn Phúc tâm sự: Hồi còn làm thứ trưởng, lương ông chưa tới 10 triệu đồng 

Phải nói là thấp nhất khi so với lương của khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế FDI, doanh nghiệp nhà nước. Lực lượng vũ trang được phụ cấp 1,8, giáo viên được phụ cấp 1,5 còn công chức chỉ được 1, như vậy chưa thật công bằng.

Giám đốc một doanh nghiệp Nhà nước nhận lương 35-40 triệu đồng, trong khi cán bộ cấp vụ trưởng chỉ hưởng lương 5,6 triệu đồng. Khoảng cách thu nhập như vậy là quá lớn, không tương quan với sự đóng góp và trình độ của công chức, không tạo ra động lực cho công chức.

Mặt khác, tính ra nếu đi từ bậc lương thấp nhất đến bậc lương cao nhất phải mất 76 năm, trong khi người ta chỉ đi làm trong 30 năm. Lương như vậy làm sao khuyến khích được người lao động.

Nhìn vào lương của công chức hiện nay cũng không biết người đó là ai, khác với trước đây chuyên viên cấp 1, cấp 2 thể hiện qua lương rất rõ. Hệ thống tiền lương hiện nay cũng làm đảo lộn các giá trị thứ bậc của nền hành chính.

Lương của vụ trưởng hiên nay bằng chủ tịch huyện, trong khi ngày xưa là ngang với chủ tịch tỉnh. Lương của chủ tịch HĐQT một số tập đoàn gấp 73 lần mức lương tối thiểu, trong khi lương Tổng Bí thư chỉ gấp 13 lần. Nhưng bất cập về lương công chức sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

- Đó là những hệ lụy gì thưa ông?

Có giai đoạn, vì lương quá thấp nên 16-17 nghìn công chức đã bỏ ra ngoài khu vực công. Hiện tượng chảy máu chất xám từ khu vực công sang các khu vực kinh tế khác có mức lương hấp dẫn hơn vẫn đang diễn ra.

Lương công chức không đủ sống sẽ dẫn tới hội chứng tước đoạt để bù đắp. Nhiều công chức lợi dụng chức vụ của mình để nhũng nhiễu, tham ô, nhận hối lộ.

Có khi vì lương thấp đã làm hỏng cả một chủ trương, chính sách đúng của nhà nước, làm hỏng cả một đội ngũ…

Chẳng hạn như hiện tượng phong bao phong bì đang phổ biến trong các bệnh viện công hiện nay cũng xuất phát từ thực tế lương của các y bác sỹ quá thấp đã làm xói mòn cả y đức.

Tôi cho rằng, cán bộ công chức đang là cái lõi trong sự phát triển của đất nước. Nếu chúng ta để tình trạng lương công chức không đủ sống, để “hội chứng tước đoạt để bù đắp” kéo dài sẽ dẫn tới một nền hành chính quan liêu, tham nhũng đổ vỡ diễn ra từ bên trong, rất nguy hiểm.

- Hồi ông làm Thứ trưởng, lương có đủ sống?

Hồi đó, mức lương Thứ trưởng của tôi chưa tới 10 triệu đồng/tháng, không đủ sống. Tôi cũng phải nhờ vào vợ con, và tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học để có thêm thu nhập.

- Ông có bị tác động của hội chứng “tước đoạt để bù đắp”?

Tôi không bị tác động của hội chứng đó. Không phải quan chức nào cũng bị tác động của hội chứng “tước đoạt để bù đắp”, họ còn có nhân cách, lương tâm để đứng vững trước cám dỗ của đồng tiền. Và cũng không phải công chức nào cũng ở những vị trí và điều kiện để nhũng nhiễu, tham ô.

Đề án tổng thể cải cách cơ bản chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công đến năm 2020 nếu được thông qua có thể giải quyết căn bản về những bất cập về lương công chức không?

Chúng ta cần một cuộc cải cách căn bản về tiền lương. Đề án cải cách tiền lương hiện nay chưa đạt được mục tiêu về cải cách cơ bản tiền lương để nâng cao chất lượng nền công vụ.

Chính vì thế, hiện nay đề án này đang tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của chuyên gia, các nhà khoa học, dự kiến đến năm 2013 mới thông qua. Theo tôi phải có một cách tiếp cận mới.

Tiền lương công chức hiện nay phải đặt trong tương quan với tiền lương chung, bằng mức trung bình khá của doanh nghiệp. Phải tính đúng, tính đủ và tạo được giá trị của lao động trí óc, đảm bảo cho công chức đủ sống và có tích lũy.

Giải pháp cho bài toán lương công chức mà tiếp cận bằng cách tăng lương tối thiểu là không chuẩn. Không thể đặt lương công chức ngang với lương của những lao động bình thường.

Lương phải đảm bảo được trật tự hành chính, vị trí của công chức phải được xác lập, đồng thời tránh được tệ nhũng nhiễu, quan liêu, tham ô.

- Theo ông, vì sao lương công chức không đủ sống nhưng nhiều người vẫn giàu có?

Cuộc sống luôn có những lối đi riêng. Cơ chế chúng ta vẫn còn nhiều kẽ hở dễ bị lợi dụng để tham ô, trục lợi cá nhân. Đáng lẽ ra mình phải kiểm soát được, phải bịt kín được những kẽ hở ấy.

- Nhưng khi bịt kín các lỗ hở thì công chức sẽ rất “khó sống”?

Không thể có chuyện đó. Khi một nền hành chính trong sạch, hiệu quả sẽ giúp cho tổng tài sản của xã hội tăng lên, nguồn ngân sách để trả lương sẽ tăng lên, lúc đó dĩ nhiên lương của công chức sẽ được tăng lên tương xứng.

Thực tế, trong khi nhiều công chức đang nhận mức lương ba cọc ba đồng thì chủ tịch, tổng giám đốc một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước lại nhận mức lương quá cao, không tương xứng với hiệu quả kinh doanh, ông nghĩ sao?

Đó là một bất cập. Nhiều chủ tịch tổng Cty nhà nước nhận mức lương quá cao, họ kinh doanh lỗ thì nhà nước chịu, lãi thì họ xài.

Phải kiểm soát được nguồn lực của nhà nước ở các tập đoàn tổng công ty, không để xảy ra thất thoát lãng phí. Nếu để xảy ra thất thoát lãng phí, tham nhũng, đầu tư kém hiệu quả thì cũng có nghĩa là cái bánh của xã hội sẽ nhỏ đi, nguồn để trả lương cho công chức cũng sẽ bị thu hẹp lại.

- Có ý kiến cho rằng, nên giảm một nửa số lượng công chức hiện nay để tăng lương gấp đôi lương cho một nửa còn lại, như vậy không những không ảnh hưởng gì mà còn tăng được hiệu quả của bộ máy nhà nước?

Đó cũng là một cách làm. Nền hành chính của chúng ta đang có những người làm việc rất tận tụy, nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại những người gần như không đóng góp gì mà vẫn hưởng lương đều đặn.

Nhưng trong nền hành chính này, để đưa một người ra khỏi bộ máy là rất khó. Quan hệ thân quen vẫn chi phối mạnh đến nền hành chính, hoạt động công vụ.

- Với cách trả lương cho công chức hiện nay, sẽ rất khó thu hút nhân tài vào làm việc trong khu vực công?

Hiện nay, tiền lương và thu nhập trong khu vực công không thu hút được người tài thực sự. Vì thế, anh chỉ thu hút được vào bộ máy những thành phần làng nhàng.

Hoặc lại có những con người vì một lý do nào đó, mục đích thăng tiến nào đó nên tìm cách vào làm việc trong khu vực công. Họ cần quan hệ xã hội. Thành phần tinh hoa thì không vào được là bao.

Cảm ơn ông!

Theo Tiền Phong

Bình luận
vtcnews.vn