• Zalo

Không đủ phiếu tín nhiệm quá bán 2 lần: 'Khoan từ chức'

Thời sựChủ Nhật, 06/05/2012 06:50:00 +07:00Google News

(VTC News) – Chủ nhiệm các vấn đề XH cho rằng, người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán 2 lần liên tiếp thì “khoan đề nghị từ chức mà trình Quốc hội xem xét".

(VTC News) – Chủ nhiệm các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán 2 lần liên tiếp thì “khoan đề nghị từ chức mà trình Quốc hội xem xét”.

Tại buổi làm việc ngày 5/5, UBTVQH cho ý kiến về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 sắp tới (khai mạc ngày 21/5/2012).

Theo đó, một trong những nội dung về hoạt động giám sát nêu trong Đề án là tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được công bố công khai; người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu Quốc hội 2 lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc từ chức.

Giao UBTVQH xây dựng Quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4 vào cuối năm 2012.


Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai (Ảnh: Internet). 
Góp ý cho nội dung này, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai băn khoăn về việc không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán 2 lần mà từ chức – theo bà Mai, còn phải qua Đảng, qua bao nhiêu quy trình, chứ không đơn giản ở việc đưa một người ra bỏ phiếu tín nhiệm không đạt là từ chức.

“Cũng còn có các yếu tố khách quan nữa, tôi đề nghị sau khi bỏ phiếu tín nhiệm mà không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu Quốc hội 2 lần liên tiếp thì... khoan đề nghị từ chức mà trình Quốc hội xem xét, sau đó thế nào còn tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng cá nhân” – bà Mai nói.

Nhưng Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý lại cho rằng chỉ cần 1 lần là đủ xem xét bãi nhiệm, cho thôi chức vì có những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, bị bất tín nhiệm rồi thì chỉ cần 1 lần chứ không
cần 2 lần bỏ phiếu tín nhiệm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, các bước có cải tiến nhưng không thay đổi quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, theo đó, cần thận trọng và bám sát luật. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh về việc giao UBTVQH quyết định các đối tượng đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, cùng với đó, UBTVQH cũng trình bày nội dung này cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn để đưa ra xin ý kiến Quốc hội trong kỳ họp thứ 3 sắp tới.


Cũng tại buổi làm việc, các thành viên UBTVQH tập trung cho ý kiến về đổi mới việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước của Quốc hội, trong đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển thì quyết định các vấn đề quan trọng đất nước chủ yếu là ngân sách, mà ngân sách càng công khai minh bạch, rõ ràng thì càng thuận lợi để Quốc hội và nhân dân giám sát thực hiện ngân sách hàng năm.

“Nên tính tới phân công công việc cụ thể, ví dụ UB các vấn đề xã hội thì giám sát, thẩm tra các vấn đề liên quan đến y tế, xã hội, chi tiêu công… hay UB VHGDTNTN&NĐ thì giám sát các lĩnh vực về văn hóa, giáo dục… nhưng phải đảm bảo nguyên tắc có đầu mối” – ông Hiển nói.

Về đối mới hoạt động tiếp xúc cử tri, Chủ nhiệm Trương Thị Mai cũng đưa ra ý kiến cho rằng, quan trọng là công khai quá trình tiếp xúc cử tri nhưng nhiều cuộc tiếp xúc chỉ mời trưởng thôn, Bí thư… đến còn nhân dân không biết mà đến.

“Giờ phải để người dân quan tâm có quyền tới tiếp xúc với ĐBQH, yêu cầu tất cả các cơ quan địa phương phải thông báo công khai trên các phương tiện truyền thông để qua đó thấy được quan hệ, sự công khai của Quốc hội tới người dân. Phải yêu cầu bắt buộc thông tin cho người dân biết ai tiếp xúc, tiếp xúc thế nào, tiếp xúc ở đâu...” – bà Mai đề nghị.

Bà Mai cũng lên tiếng, để gắn kết Quốc hội với người dân đề nghị có kênh truyền hình riêng của Quốc hội, “Quốc hội to như thế mà chẳng lẽ không có kênh truyền hình riêng?”.

Kiều Minh
Bình luận
vtcnews.vn