• Zalo

'Không đi đến tận cùng sự việc cũng là vi phạm đạo đức báo chí'

Thời sựChủ Nhật, 01/02/2015 08:37:00 +07:00Google News

Nhà báo Thanh Lâm cho rằng, nhiều khi chúng ta nhân danh đến sự an toàn không đi đến tận cùng của sự việc cũng là biểu hiện vi phạm đạo đức báo chí

“Nhiều khi chúng ta nhân danh đến sự an toàn, hay sự ổn định nào đó, không đi thẳng và không đi đến tận cùng của sự việc cũng là biểu hiện của vi phạm đạo đức báo chí” – Nhà báo Thanh Lâm nêu ý kiến.

Trong khuôn khổ Hội nghị "Truyền thông và Phát triển" diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh ngày 31/1, các nhà báo đến từ nhiều cơ quan báo chí truyền thông khác nhau đã thẳng thắn trao đổi về những sai phạm thường gặp của người làm báo. Đó là những sai phạm liên quan đến lợi ích quốc gia, xâm phạm bản quyền, xâm phạm đời tư, hay vi phạm đạo đức nghề nghiệp…

Đề cập đến cái sai về mặt chính trị, theo Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Hoài Dương, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này do sự chọn lọc người làm báo chưa tốt. Khi đề cập đến vấn đề chính trị, ngoại giao, do lỗ hổng về kiến thức nên khi thông tin dễ dẫn đến không chuẩn xác.

Một nguyên nhân dẫn đến sai phạm khác được ông Dương chỉ ra, khi báo chí phát triển với sự ra đời của nhiều cơ quan báo chí, dẫn tới sự cạnh tranh gay gắt để thu hút công chúng, độc giả. Từ đó có hiện tượng cách thức chỉ đạo, với những bài viết mang tính phản biện, tạo cảm giác đối lập gây ra việc nhận thức chính trị sai lệch, đưa cái cá biệt thành phổ biến, gây hoang mang nhất định trong xã hội.

Các nhà báo nói về đạo đức nghề nghiệp và những nguyên nhân dẫn đến sai phạm của người làm báo (Ảnh: ND) 

Đề cập đến thực trạng báo chí đưa thông tin sai sự thật, theo ông Dương là có nguyên nhân xuất phát từ những mục đích bất chấp tính nhân văn, tính xây dựng của báo chí, đưa ra thông tin nhằm giật gân, câu khách một cách sai sự thật để thu hút độc giả. Ông Dương cho rằng, đây là biểu hiện sai phạm nghiêm trọng về đạo đức báo chí.

Nhấn mạnh cần phải hết sức cẩn trọng khi đề cập đến vấn đề chính trị ông Nguyễn Hoài Dương cho rằng, tốt nhất cần phải theo cơ quan báo chí chính thống có nhiệm vụ cung cấp những thông tin chính thức, chính thống.

“Tôi nói điều này là để quảng cáo cho chúng tôi một chút. Thông tấn xã Việt Nam là nơi cung cấp thông tin nguồn cho các cơ quan báo chí. Nhiều khi anh em Thống Tấn xã cũng phải kiềm chế và nói với nhau rằng, có thể tin không nhanh nhưng phải hết sức chuẩn xác. Đây là đòi hỏi đầu tiên và số một của Thông Tấn xã Việt Nam, vì một thông tin Thông tấn xã đưa ra sức lan tỏa rất lớn…” – ông Dương chia sẻ.

Thận trọng cho rằng, người làm báo nói về vi phạm đạo đức báo chí, không cẩn thận sẽ thành “lấy đá ghè chân mình”, song nhà báo Nguyễn Thanh Lâm - Tổng Giám đốc Đài truyền hình kỹ thuật số VTC cũng thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân căn bản, có thể dẫn đến sai lầm của người làm báo.

Nhà báo Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, báo chí là môi trường nhiều cám dỗ, thường xuyên tiếp xúc với quyền lực, gặp gỡ các nhà lãnh đạo, được giao nhiệm vụ phát ngôn… Với một môi trường có nhiều cám dỗ đó, cùng với sự cạnh tranh thiếu lành mạnh để trở nên nổi tiếng, trở nên quan trọng và sự phát triển quá nóng của một cơ quan báo chí, người làm báo nhiều khi mất đi sự tỉnh táo có thể dẫn đến sai phạm.

 Điều này đúng với cả cơ quan báo chí chính thống với cơ quan chịu sự sức ép từ xã hội hóa. Kể khi có báo chí thì vi phạm đạo đức báo chí đã có rồi và chưa bao giờ thì mới kết thúc.


Nguyên nhân thứ hai, là sự đòi hỏi của xã hội rất nhanh khiến cho những người làm báo phải chạy theo đã mệt rồi. Nhiều khi bộ quy tắc ứng xử trong đạo đức báo chí cũng chưa được đúng với kỳ vọng của chính họ.

“Ngay cả sự im lặng trước bất công, im lặng trước những sai phạm cũng là biểu hiện của đạo đức báo chí. Nhiều khi chúng ta nhân danh đến sự an toàn, hay sự ổn định nào đó, không đi thẳng và không đi đến tận cùng của sự việc, cũng là biểu hiện của vi phạm đạo đức báo chí”.

Nguyên nhân thứ ba, theo ông Lâm phải nhìn thẳng vào sự thật ở khía cạnh vi phạm đạo đức báo chí mà chúng ta hay nói đến quan hệ của đồng tiền, ngả nghiêng trước những cám dỗ về vật chất. Thực tế hoạt động báo chí nước ta, nhà báo là nghèo, khó khăn.

Các cơ quan báo chí chật vật để có được đồng thưởng tết cho anh em. Quá trình tác nghiệp của nhà báo họ đã phải vật lộn làm quen với chuyện phải lấy khoản nọ đập vào khoản kia, khai thêm một tý công tác phí để lấy tiền ở khách sạn, mời cơ sở…họ thường phải sống với việc phải dùng đồng tiền vào việc nọ việc kia rất nhiều rồi, nên khi tiếp xúc với đồng tiền họ cảm thấy tất cả những việc đó là bình thường.

Ngoài ra theo ông Thanh Lâm, thực trạng thu không đủ chi, mất cân đối thương mại của các cơ quan báo chí cũng có thể trở thành nguyên nhân dễ dẫn đến vi phạm đạo đức trong báo chí hiện nay.

Nhà báo Nguyễn Tiến Mạnh, Tổng biên tập Báo Quảng Ninh cho biết, cả quá trình làm báo mấy chục năm qua, thấy nguyên nhân khá cơ bản là hệ thống quy chuẩn của ta với cơ quan báo chí với khái niệm chuyên nghiệp, đạo đức là chưa có.

“Chúng ta cứ nói khái niệm cơ quan báo chí chính thống. Vậy hãy định nghĩa thế nào là cơ quan chính thống. Anh nào là chính thống, anh nào là không chính thống? Điều này rất nhỏ thôi nhưng cũng chưa có một định nghĩa rõ ràng. Trong bối cảnh hiện nay, đạo đức nghề nghiệp của ng làm báo là cái gì, và nó được quy định bởi cái gì? Bắt đầu ở đâu và kết thúc ở chỗ nào?...”.

Các hệ thống tiêu chuẩn chúng ta cũng không có. Nhiều quy định của luật pháp không rõ ràng, nhiều ngành nhiều cấp đặt ra cái lệ cho báo chí, phạt cái nọ, phạt cái kia…do đó theo ông Mạnh thì cần phải đưa ra những quy chuẩn chung cho báo chí.

Theo Infonet
Bình luận
vtcnews.vn