“Kêu trời” vì đường “đau khổ”
Đoạn đường 6 km nối quốc lộ 1A đến hai thôn Trầm Kỳ và Thanh Sơn (xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) từ nhiều năm nay đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Đặc biệt dịp cận Tết Đinh Dậu 2017, trời mưa khiến con đường vốn đã “nát như tương” nay lại càng lầy lội.
Đoạn đường 6 km nhưng đã có đến 4 km lầy lội, trơn trượt. Mặt đường chi chít ổ gà, ổ voi. Nhiều đoạn bùn đỏ ngập đến nửa bánh xe, khiến các phương tiện phổ thông như xe máy và xe đạp không thể lưu thông.
Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm qua. Cứ đến mùa mưa, người dân của 162 hộ thuộc hai thôn Trầm Kỳ và Thanh Sơn lại sống trong cảnh “tắm bùn” mỗi khi đi qua đoạn đường này.
Theo người dân địa phương thì con đường nào dẫn vào hai thôn trên đều khó đi. Muốn đi con đường tốt hơn một chút thì người dân phải vòng vèo rất xa, đi từ xã Vĩnh Chấp (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Xa trung tâm, đường khó đi, nhiều gia đình cứ vài tháng mới đi chợ một lần. Bữa ăn hàng ngày thì “tự cung, tự cấp”.
Một người dân cho biết: “Tết đến nơi rồi mà chúng tôi không dám mua quần áo mới vì sợ ra đường ngã lại dính bùn. Bạn bè người thân cũng chẳng dám đến nhà. Tết chỉ có vài người trong làng quây quần cùng nhau. Dân bức xúc lắm”.
Đoạn đường "đau khổ" dài 6 km này nối vào khu rừng trông keo, tràm, thông có diện tích khoảng 100 hecta sâu phía bên trong. Vào mùa mưa, người ta tấp nập thuê xe tải lên thu hoạch gỗ. Nền đất yếu cộng với việc oằn trên mình hàng chục chuyến xe tải mỗi ngày, khiến con đường đất ít khi được tu sửa trở nên khó đi hơn bao giờ hết.
Cho con học tỉnh khác vì đường lầy lội
Cả hai thôn Trầm Kỳ và Thanh Sơn (xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy) chỉ có hơn 50 học sinh đang học tại trường THCS Sen Thủy và trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Lệ Thủy). Số còn lại, khi học hết cấp 1 được gia đình chuyển sang học ở Quảng Trị hoặc cho ở nhà.
Người dân ở đây cho con sang Quảng Trị học không phải vì chất lượng giảng dạy ở xã và huyện nhà không tốt mà do con đường đến các trường này quá xấu. Họ sợ con em họ trên đường đi học bị ngã, bẩn quần áo lại phải quay về sẽ ảnh hưởng lớn tới việc học.
“Đứa cháu đầu của tôi học trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Lệ Thủy) cách nhà 9 km. Nhiều lần cháu đi học phải điện về nhà cầu cứu do xe đạp điện bị lún bùn không kéo lên được. Khi mô đi học nó cũng phải thủ thêm một bộ quần áo để đề phòng đi đường có ngã thì có cái mà thay”, ông Hoàng Kim Diệp (thôn Thanh Sơn, xã Sen Thủy) chia sẻ.
Ông Lê Văn Phương (43 tuổi, trú thôn Trầm Kỳ xã Sen Thủy) bày tỏ: “Thực tình chúng tôi chẳng muốn chuyển con em mình sang Quảng Trị học vì phải kinh phí học trái tuyến sẽ cao hơn. Nhưng đường đến trường ở huyện nhà xấu quá sao con chúng tôi đi được. Vì tương lai con cái chúng tôi phải chấp nhận”.
Theo tìm hiểu, hiện tại trên địa bàn hai thôn Trầm Kỳ và Thanh Sơn có một trường trường tiểu học và một trường mầm non. Hiện hai trường này có 15 giáo viên đứng lớp. Tất cả họ đều ở trung tâm xã vào dạy. Một ngày hai lần họ đều phải vượt qua đoạn đường “đau khổ” này.
Thầy Phạm Xuân Dân – người có hơn 7 năm gắn bó với trường tiểu học số 2 Sen Thủy bày tỏ: “Tôi thì thế nào cũng được nhưng chỉ thương cho mấy cô giáo chân yếu tay mềm đường khó nên hay ngã”.
Ông Lê Văn Bắc - Phó Chủ tịch UBND xã Sen Thủy thông tin : “Xã đã nhiều lần kiến nghị lên huyện. Huyện cũng đã cử người về thẩm định con đường nhưng vẫn chưa có kế hoạch hay dự án cụ thể. Trong khi đó, xã lại không có đủ kinh phí để giải quyết tình trạng này dứt điểm. Tuy nhiên chúng tôi sẽ khắc phục tình trạng hư hỏng tạm thời bằng cách đổ đá lên những ổ gà để người dân đón tết Đinh Dậu 2017”.
Video: "Đường đau khổ" bủa vây ủy ban phường ở thủ đô
Bình luận