• Zalo

Không có dự toán, không được chi 1 đồng khỏi kho bạc

Thời sựThứ Năm, 02/10/2014 12:45:00 +07:00Google News

(VTC News) – Quan chức Quốc hội đề xuất không một khoản chi nào được chi ra khỏi Kho bạc Nhà nước nếu không có dự toán được duyệt của cấp có thẩm quyền.

(VTC News) – Quan chức Quốc hội đề xuất không một khoản chi nào được chi ra khỏi Kho bạc Nhà nước nếu không có dự toán được duyệt của cấp có thẩm quyền.

Sáng 2/10, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã cho ý kiến vào dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi).

Đa số các đại biểu đều cho rằng yêu cầu quan trọng nhất của việc sửa đổi Luật là phải đảm bảo thể chế hóa các nguyên tắc cơ bản trong Hiến pháp liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến kỷ luật tài chính và công khai, minh bạch ngân sách.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng(Ảnh: Phạm Thịnh)
Bộ trưởng Tài chính – Đinh Tiến Dũng cho rằng Luật Ngân sách nhà nước hiện hành đã quy định dự toán, quyết toán, kết quả kiểm toán ngân sách nhà nước của ngân sách các cấp, các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí phải thực hiện công khai mà chưa quy định thuyết minh số liệu công khai dẫn đến việc công khai nhưng thiếu minh bạch.

“Hơn nữa mới chỉ quy định công khai dự toán, quyết toán ngân sách mà chưa quy định công khai tình hình thực hiện dự toán ngân sách của các cấp, các đơn vị dự toán ngân sách, chưa quy định công khai kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước và công khai các thủ tục ngân sách nhà nước”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

 

Không một khoản chi nào được chi ra khỏi Kho bạc Nhà nước nếu không có dự toán được duyệt của cấp có thẩm quyền

Ông Phùng Quốc Hiển
 
Về tăng cường cung cấp thông tin, kỷ luật tài chính và công khai, minh bạch ngân sách, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng Luật ngân sách nhà nước lần này cần được tăng cường các quy định về nâng cao kỷ luật chi, công khai, minh bạch.

 Đặc biệt, về chi ngân sách nhà nước cần phải tuân thủ quy định của Hiến pháp: “Các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được  dự toán
.

Do đó, đề nghị bổ sung quy định “không một khoản chi nào được chi ra khỏi Kho bạc Nhà nước nếu không có dự toán được duyệt của cấp có thẩm quyền” vào Điều 17 về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực ngân sách nhà nước; đồng thời quy định chế tài cụ thể để bảo đảm thực hiện kỷ luật tài chính”, ông Phùng Quốc Hiển đề xuất.

Để cung cấp thông tin một cách toàn diện và đầy đủ, một số ý kiến đề nghị  phải có cơ sở pháp lý hình thành hệ thống tài khoản kho bạc thống nhất, đề cao chức năng Tổng kế toán nhà nước của Kho bạc Nhà nước.

Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng đề nghị không áp dụng cơ chế báo cáo mật đối với dự toán, quyết toán khi trình ra các cơ quan dân cử. Các thông tin mật chỉ được áp dụng cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển 
Liên quan đến các khoản chi cho GD-ĐT và KH-CN, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho đây là 2 lĩnh vực quan trọng, là quốc sách, cần được ưu tiên phát triển để có nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, thực tế phân bổ nguồn lực có sự trùng lắp về thẩm quyền của Quốc hội và HĐND cấp tỉnh, nhiều địa phương sử dụng nguồn lực này không đúng mục đích, phân tán và khó tổng hợp để bảo đảm các tỷ lệ theo Nghị quyết của Trung ương.

Hiện có nhiều lĩnh vực chi được “cứng hóa” tỷ lệ như chi giáo dục đào tạo 20%, khoa học công nghệ 2%, môi trường 1%... dễ xảy ra tình trạng lúc thừa, lúc thiếu, không phù hợp với tình hình thực tế trong từng năm, từng giai đoạn, không bảo đảm được tính linh hoạt trong điều hành ngân sách nhà nước.

Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Quốc hội ấn định tỷ lệ cứng trong trung hạn thay cho việc quyết định hàng năm trong chi ngân sách nhà nước đối với các lĩnh vực này.

Về cơ chế ưu đãi tiền lương, thu nhập của một số ngành, một số ý kiến cho rằng, cơ chế đặc thù áp dụng cho một số ngành (như Thuế, Hải quan, Kho bạc nhà nước, Ngân hàng nhà nước, Kiểm toán nhà nước, Bảo hiểm xã hội, Thanh tra Chính phủ...) không được quy định trong Luật, mà được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội, văn bản của Ủy ban thường vụ Quốc hội và văn bản dưới Luật.

 Điều này làm cho các quy định về ngân sách nhà nước bị phân tán, rải rác, khó áp dụng.

“Đề nghị xem xét bổ sung căn cứ pháp lý để thực hiện cơ chế tự chủ về tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công và các ngành đặc thù nêu trên”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách đề xuất.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn