• Zalo

Không có bằng sư phạm có được phép tổ chức dạy thêm?

Tin tức - Sự kiệnThứ Sáu, 03/01/2025 09:03:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Hàng loạt vấn đề về dạy thêm, học thêm vẫn tái diễn trong suốt thời gian qua và thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Hiện, nhiều trung tâm và lớp dạy thêm mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh cũng như phụ huynh. Vậy những người không có bằng sư phạm, có được phép dạy thêm?

Yêu cầu với người dạy thêm

Theo Thông tư 17/2012 của Bộ GD&ĐT quy định giáo viên dạy thêm cần đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với từng cấp học theo quy định của Luật Giáo dục.

Đồng thời, người đứng lớp dạy thêm phải có đủ sức khoẻ, phẩm chất đạo đức tốt, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân và các quy định của pháp luật; hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại cơ quan công tác.

Giáo viên muốn dạy thêm cần phải đáp ứng đủ yêu cầu. (Ảnh minh họa)

Giáo viên muốn dạy thêm cần phải đáp ứng đủ yêu cầu. (Ảnh minh họa)

Giáo viên không trong thời gian bị kỉ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục; không bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.

Do đó, những người không có bằng sư phạm thì không được phép dạy thêm. Nếu người không có bằng sư phạm vẫn cố tình dạy thêm thì khi bị phát hiện có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp ngoài ngành giáo dục đào tạo, nhưng có bằng tốt nghiệp ngành học phù hợp đã tham gia bồi dưỡng và được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm thì vẫn có thể tham gia dạy thêm.

Nguyên tắc dạy thêm, học thêm

Điều 3 Thông tư 17/2012 quy định rõ về nguyên tắc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Theo đó, hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.

Giáo viên không được phép cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.

Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.

Đồng thời, người dạy không được phép tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh.

Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng ký và xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.

Anh Anh
Bình luận
vtcnews.vn