Không cần công nghệ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ tự phát triển tên lửa cho F-16

Quân sựThứ Sáu, 14/04/2023 14:21:44 +07:00
(VTC News) -

Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng tự chủ hoàn toàn trong việc sản xuất vũ khí nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào nước ngoài và làm chủ các công nghệ hiện đại.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc hiện đại hóa phi đội F-16 của mình bằng các nguồn lực trong nước. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, dự án chế tạo các hệ thống vũ khí nội địa có tên là UBAS sắp hoàn tất. Nhờ dự án UBAS, các loại vũ khí được phát triển bằng nguồn lực của đất nước và sẽ được tích hợp vào F-16.

Tubitak Sage (Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ) đã nỗ lực rất lớn trong nghiên cứu dự án hệ thống bắn độc lập của máy bay (thuộc dự án UBAS) trong một thời gian dài.

Nhờ UBAS, các loại vũ khí không đối không và không đối đất được phát triển bằng chính nguồn lực trong nước của Thổ Nhĩ Kỳ, những vũ khí mới sẽ được tích hợp vào cấu hình máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon. Đây là một bước tiến phi thường, vì hệ thống vũ khí trên những chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ tương thích với những vũ khí do nhà sản xuất từ Mỹ thiết kế.

Theo báo cáo hàng năm của Tubitak Sage, các nghiên cứu đã được lên kế hoạch để phát triển hệ thống điện tử hàng không màn hình cảm ứng (ICP), điều này sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ làm chủ giao diện điều khiển vũ khí của phi công trên nền tảng F-16. Dự kiến dự án này sẽ hoàn thành ngay trong năm nay.

Nhờ dự án UBAS, nhiều loại tên lửa dẫn đường của Thổ Nhĩ Kỳ có thể được tích hợp dưới cánh của những chiếc F-16. Trong số đó có các loại tên lửa dẫn đường nội địa như Gokdogan Bozdogan, Cakir, Som, Lacin và Tolun.

Không cần công nghệ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ tự phát triển tên lửa cho F-16 - 1

F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bên cạnh đó Thổ Nhĩ Kỳ cũng phát triển một máy tính để kiểm soát hệ thống vũ khí trên những chiếc F-16 của mình, dự án có tên gọi là chương trình Ozgur. Chương trình này có thể tạo ra một buồng lái kỹ thuật số hoàn toàn mới cho các phiên bản F-16 Block 30/40/50 hiện có của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Ba phiên bản F-16 cũng sẽ có đồng hồ đo kỹ thuật số mới để cung cấp trạng thái động cơ, thủy lực và nhiên liệu của máy bay. Một phần quan trọng của việc nâng cấp là sự tích hợp của một thiết bị được sản xuất trong nước tương đương với Link 16 - trung tâm liên lạc chính trong máy bay NATO hoạt động để nhận ra các hệ thống khác là “bạn hay thù”.

F-16 phiên bản Block 70 mới nhất có hệ thống cảnh báo khi máy bay ở gần các mối nguy hiểm, được gọi là hệ thống địa hình kỹ thuật số. Theo chương trình Ozgur, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang nghiên cứu phiên bản tương tự để tích hợp vào phi đội máy bay chiến đấu trong nước. Phần lớn nhất của toàn bộ quá trình hiện đại hóa sẽ là việc tích hợp radar AESA mới của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo các chuyên gia, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã phát triển các phiên bản vũ khí của riêng mình tương tự với gói vũ khí cho phiên bản F-16 Block 70 mới nhất của Mỹ. Gần đây nhất vào tháng 7/2022, Thổ Nhĩ Kỳ đã thử nghiệm thành công tên lửa Merlin và Peregrin, những tên lửa này sẽ thay thế cho tên lửa AIM-120 AMRAAM của Mỹ.

Không cần công nghệ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ tự phát triển tên lửa cho F-16 - 2

F-16 Thổ Nhĩ Kỳ với tên lửa nội địa Gokdogan Bozdogan

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã chủ động thực hiện những chuyển đổi đầy tham vọng, để đảm bảo sự độc lập về mức độ khả năng phòng thủ trong tương lai của đất nước. Quốc gia này đã trở nên độc lập trong việc sản xuất máy bay nội địa, thông qua chương trình TAI TF-X, chiếc máy bay đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên trong tháng 3 vừa qua.

Nếu tìm hiểu sâu hơn về ý định của ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, chúng ta sẽ thấy rằng Ankara cũng đang cố gắng trở nên độc lập về nguồn cung các linh kiện. Ngay từ năm 2022, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển phiên bản động cơ đẩy tên lửa hành trình Roketsan của riêng mình. Do đó, đến một lúc nào đó, Ankara sẽ có thể từ bỏ hoàn toàn các động cơ máy bay Safran đã qua sử dụng của Pháp.

Lê Hưng(Nguồn: Bulgarian Military)
Bình luận
vtcnews.vn