• Zalo

Không cấm nhà báo viết trái ý cơ quan trên mạng xã hội

Thời sựThứ Ba, 05/04/2016 03:35:00 +07:00Google News

Luật báo chí vừa được Quốc hội thông qua đã bỏ nội dung "cấm nhà báo viết trái ý cơ quan".

(VTC News) - Luật báo chí vừa được Quốc hội thông qua đã bỏ nội dung 'cấm nhà báo viết trái ý cơ quan trên mạng xã hội'.

Ngày 5/4, Quốc hội đã thông qua Luật Báo chí (sửa đổi) với 445 (90%) đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó có 442 (89%) người đồng ý, 1 người không đồng ý và 2 người không biểu quyết.

Luật báo chí mới được thông qua sáng 5/4
Luật báo chí mới được thông qua sáng 5/4 

Luật báo chí sửa đổi quy định, khi cơ quan, tổ chức có trách nhiệm nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết.

Để đảm bảo an toàn cho nhà báo cũng như nguồn tin báo chí, so với Luật Báo chí hiện hành, dự thảo Luật đã quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Phát ngôn ấn tượng của các đại biểu Quốc hội

Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ; các cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm phối hợp với Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương bảo vệ người cung cấp thông tin.

Luật báo chí sửa đổi cũng không đưa nội dung cấm nhà báo "viết những điều trái với những gì mà tờ báo nơi làm việc tuyên truyền trên mạng xã hội" vào dự thảo Luật. Thay vào đó, cơ quan báo chí có thể đưa nội dung cấm này vào nội quy của cơ quan.

Ngoài ra Luật cũng sửa đổi quy định về cấp thẻ nhà báo lần đầu.

Luật quy định với người được cấp thẻ lần đầu: là công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam; tốt nghiệp đại học trở lên; phải có thời gian công tác liên tục tại cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ từ 2 năm trở lên tính đến thời điểm xét cấp thẻ, trừ tổng biên tập tạp chí khoa học và những trường hợp khác theo quy định của pháp luật; được cơ quan báo chí hoặc cơ quan công tác đề nghị cấp thẻ nhà báo.

Hiện, điều kiện về thời gian công tác liên tục để được xét cấp thẻ là 3 năm.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn