• Zalo

‘Không cải cách chế độ tiền lương thì khó chống được tham nhũng’

Chính trịThứ Hai, 28/03/2016 11:18:00 +07:00Google News

Đại biểu Quốc hội thẳng thắn bày tỏ nếu không cải cách được chế độ tiền lương thì khó có thể chống được tham nhũng, cửa quyền.

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội thẳng thắn bày tỏ nếu không cải cách được chế độ tiền lương thì khó có thể chống được tham nhũng, cửa quyền.

Sáng 28/3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016).

Bên cạnh việc đánh giá cao những kết quả, đổi mới mà Quốc hội nỗ lực thực hiện trong nhiệm kỳ qua, đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra điều còn chưa làm được.

Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng)
Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) 

Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho rằng 5 năm qua là một quãng thời gian vừa ngắn, lại vừa dài với Quốc hội.

"Ngắn là khi chúng ta mặc dù đã rất cố gắng, nỗ lực, nhưng Quốc hội mà cụ thể là từng đại biểu Quốc hội chưa đáp ứng hết được những gửi gắm, mong muốn, kỳ vọng, yêu cầu của cử tri. Dài là khi những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, trong chính sách được cử tri nêu hoài, nêu mãi, kỳ họp sau nối tiếp kỳ họp trước, mà chưa được giải quyết rốt ráo khiến cử tri thất vọng, nản lòng, còn đại biểu thì có cảm giác lực bất tòng tâm", ông Tâm nói.

 

Không cải cách được chế độ tiền lương thì khó có thể chống được tham nhũng, cửa quyền
ĐBQH Trần Khắc Tâm
 
Bên cạnh đó, ông Tâm cho rằng một quốc gia phát triển nhanh hay chậm, mạnh hay yếu là do thể chế quyết định. Hiến pháp là nền móng của thể chế.


Quốc hội cũng đã chứng tỏ nỗ lực quyết liệt để hoàn thiện thể chế. Nhưng, thể chế tốt hay không thì không chỉ phụ thuộc vào đường lối, chính sách, pháp luật, mà còn chủ yếu phụ thuộc vào con người thực hiện.
 
“Chủ trương rất hay, pháp luật rất đúng, nhưng người thực hiện năng lực yếu, đạo đức kém thì những lẽ hay, điều đúng ấy cũng khó có thể đi vào cuộc sống. Những khó khăn, trở ngại trong việc triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư gần đây là các ví dụ điển hình”, ông Tâm nói.

Vì vậy, nhiệm vụ căn bản nhất, cấp bách nhất của nhiệm kỳ tới là thực hiện cải cách bộ máy.

“Một hệ thống chính trị và bộ máy Nhà nước cồng kềnh, đồ sộ, không tinh giảm được biên chế, thì sẽ không thể tiến hành cải cách được chế độ tiền lương. Không cải cách được chế độ tiền lương thì khó có thể chống được tham nhũng, cửa quyền”, ông Tâm bày tỏ quan điểm.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng)
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) 

Cũng có cùng quan điểm này, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nhưng chưa thực hiện hết quyền mà phát luật quy định.

Hoạt động của Quốc hội vẫn còn hạn chế, chưa thực sự cải tiến, đổi mới mạnh mẽ. Công tác làm luật là chức năng cơ bản của Quốc hội nhưng thiếu tập trung, còn chắp vá, chương trình xây dựng pháp luật chưa khoa học.

Một số dự án luật thiếu tính ổn định, chưa đi vào thực tế, có biểu hiện lợi ích cục bộ trong quá trình xây dựng.

"Vấn đề bức xúc là không có ai chịu trách nhiệm, do đó tôi đề nghị Quốc hội cần có chế tài xử lý trách nhiệm những người đứng đầu cơ quan soạn thảo. Làm một luật đã khó, tốn kém tiền bạc của nhân dân nhưng nếu luật không đi vào cuộc sống, không có tính khả thi thì làm luật để làm gì?", ông Nghĩa đặt vấn đề.

Phát ngôn ấn tượng của các đại biểu Quốc hội


Vị trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng cũng cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm với người được Quốc hội bầu và phê chuẩn là cách làm mới nhưng còn nhiều vấn đề phải bàn.

"Việc quy định 3 mức tín nhiệm là cách làm chưa triệt để, còn lập lờ thì làm sao có cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá cán bộ. Tôi đề nghị chỉ quy định 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm thì mới tạo được bước ngoặt đột phá nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm của người lấy phiếu tín nhiệm”, ông Nghĩa nói.

Hiện nay,  một số đại biểu chưa thực hiện tốt những điều mà cử tri mong đợi, chưa làm tròn bổn phận của mình.

"Làm đại biểu Quốc hội nhưng hoạt động chưa năng nổ, chưa nghiên cứu hoặc nghiên cứu không chuyên sâu các vấn đề, chưa nói lên tiếng nói của nhân dân, thiếu phản biện, thiếu bản lĩnh, sợ va chạm thì làm sao xứng đáng làm đại biểu của dân?"

Vì vậy, ông Nghĩa đề nghị để đem lại niềm tin cho cử tri, trong nhiệm kỳ tới, mỗi đại biểu Quốc hội cần khắc phục tư tưởng “xuân thu nhị kỳ”, đi họp nhưng không thể hiện chính kiến, gây lãng phí thời gian, công sức của nhân dân và cơ hội của người khác.


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn