• Zalo

Khốn khổ vì những quy định kỳ quặc chốn công sở

Thời sựThứ Năm, 24/11/2011 12:31:00 +07:00Google News

Công ty lập ra hẳn một tổ chuyên đi... nhìn giầy của nhân viên bởi có một quy định đã "đóng dấu": khi tới cơ quan phải luôn luôn đi giầy.

Công ty lập ra hẳn một tổ chuyên đi... nhìn giầy của nhân viên bởi có một quy định đã "đóng dấu": khi tới cơ quan phải luôn luôn đi giầy.

Có một điều chắc chắn, khi bước chân vào chốn công sở dù tư nhân hay nhà nước bạn phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của nơi làm việc. Cho dù nhiều lúc bạn thấy nó thật kỳ quặc, vô lý, cũ rích hay quá "cá nhân" do một ai đó ở đằng sau "giật dây".

Ảnh minh họa 

Thôi thì đủ thứ chuyện, ta mang ra "buôn" với nhau một chút coi như giải tỏa căng thẳng, thêm chuyện vui cho phong phú đời sống công sở nhộn nhịp chốn thị thành.
 
"Đóng hộp" trong đồng phục
 
Mặc đồng phục là quy định bắt buộc với rất nhiều cơ quan. Nó thể hiện được bộ mặt của công ty đó, nó cho thấy sự công bằng tuyệt đối (trừ khi ai cố tình khoe hàng hiệu... bên trong) với tất cả mọi người tới cơ quan để làm việc. Về mặt lợi ích thì còn vô vàn điều hay ho. Nó giúp các cô tiết kiệm một đống tiền trong việc mua sắm quần áo, đồ phụ kiện. Hay giúp các anh lúc nào cũng chỉnh chu và đều tăm tắp cả tuần.
 
Không bàn tới mặt thẩm mỹ của các bộ đồng phục vì chiếu theo quy định: xấu hay đẹp thì bạn vẫn phải mặc đi làm, không bàn cãi. Ấy thế nhưng khi ngoan ngoãn khoác trên người bộ đồng phục đó, tới cơ quan bạn phải gò mình trong những bộ đồ rất "hộp": áo vest, quần âu hoặc váy bút chì dài ngang gối. Giầy bịt mũi cao trên 5 cm, tất chân dài, đầu tóc gọn gàng ngang vai hoặc búi gọn ghẽ. Đặc biệt các loại trang sức, phụ kiện lấp lánh phải hết sức hạn chế.

Ảnh minh họa 

Chị Thanh Thủy, là kế toán viên của một công ty tài chính trên đường Trần Khát Trân (Q. Hai Bà Trưng, HN) chia sẻ: "Quy định mặc đồng phục thì chẳng có gì đáng nói. Nhưng công ty tôi còn đặt thêm quy định khi ngồi trong văn phòng thì lúc nào cũng phải chỉnh chu quần áo. Sợ nhất là chân luôn luôn ở trong những đôi giày hoặc dép sandan dù nó khá cao đi chăng nữa. Chẳng hiểu sao, công ty lại tuyển người vào làm hẳn một tổ có tên gọi là "tổ kiểm tra tác phong văn phòng".

Thế là từ đó bao chuyện "ấm ức" xảy ra. Có hôm vì mỏi chân khi cứ phải "lưng thẳng" chân xỏ giày mà tôi vô thức bỏ chân ra khỏi giày lúc nào không hay. Cuối tháng mải làm báo cáo, không để ý tổ công tác vào phòng lúc nào, họ "chộp" được cảnh tôi chân không đang xỏ giầy, thế là bị phạt!".
 
Chị Thủy còn kể thêm, có lần phải chạy đi chạy lại hết tầng này sang tầng khác để nộp báo cáo, xin chữ kỹ sếp, cứ "đóng đinh" trong đôi giày với số phân tối thiểu cho phép mỏi nhừ, nhưng phải "lén lút" vào nhà vệ sinh bỏ giày ra để đôi chân được thư giãn một lúc!.
 
"Chị em trong văn phòng còn rút kinh nghiệm với nhau là mua loại giày có quai cài cầu kỳ một chút để đỡ vô tình tụt giầy hòng đối phó lại sự săm soi của "tổ công tác", chị Thủy bật mí thêm.
 
Một người đi muộn cả phòng chịu phạt
 
Chị Thanh, công tác tại một doanh nghiệp nhà nước trên phố Tuệ Tĩnh đang stress nặng nề vì quy định "vơ đũa cả nắm" ở cơ quan chị. Chẳng là nhà neo người, lại có con đang đi học cấp 1, nên buổi sáng trước giờ làm chị phải đưa con đi học, rồi vượt gần 10 cây số từ dưới mãi Hà Đông để tới chỗ làm. Nên chuyện bị muộn giờ làm rất hay sảy ra. Đổi lại, chị Thanh rất ý thức vì mình đi làm muộn nhưng đến là vào việc ngay, không trò chuyện hay đi ăn uống gì cả.

Ảnh minh họa 

Thế nhưng, đùng một ngày chị thấy cả phòng nhìn mình bằng ánh mắt "căm tức". Không hiểu sao, từ trên xuống ra chỉ thị, nhân viên trong phòng đi muộn: cả phòng sẽ bị phạt. Chị cũng đã họp kiểm điểm với cả phòng, tự nhận lỗi nhưng quy định trên vẫn không có gì khác.
 
Chẳng có cách nào khác, chị phải dạy sớm hơn, đưa con đi học thật sớm để kịp giờ làm. "Hai mẹ con lệch giờ làm việc nhiều quá, nhưng tôi cũng đành đưa cháu đi sớm để còn đi làm đúng giờ. Chứ để cả phòng bị trừ lương vì mình thì thật không còn mặt mũi nào", chị Thanh thở dài...
 
Được ăn sầu riêng nhưng không được ăn mực!
 
Tại một số văn phòng, có những lệnh cấm kỳ quặc mang tính chất cá nhân do người đứng đầu quy định. Nhưng đương nhiên, nhân viên phải tuân theo cho dù nó có khiến bạn bực tức tới mức nào. Chị Thu Hoài, công tác tại một công ty truyền thông trên phố Trần Duy Hưng kể: "sếp tôi rất thích ăn sầu riêng, ai từ miền Nam ra sếp đều gửi mua, và để "đã cơn thèm" sếp có thể ăn ngay tại trận (tức công ty) mặc cho nhiều người sợ mùi đó.

Nhưng trái lại, sếp lại cực ghét mùi mực nướng hay cái gì đó liên quan tới mực vì sếp... sợ đen. Chỉ vì một lần chúng tôi được cho vài con mực, mang lên gọi là anh em chia sẻ vui vẻ trong cơ quan một chút thế là ngay hôm sau cả phòng nhận quyết định bị phạt vì không tuân theo quy định về đồ ăn thức uống mang lên cơ quan. Dù biết có chút vô lý nhưng đành ngậm ngùi chịu trận".
 
Cấm vươn vai và vắt quần áo lên ghế
 
Tại một công ty về thương mại trong Tp.HCM, các nhân viên vẫn truyền tai nhau quy định được coi là "vô tiền, khoáng hậu" của một ông sếp ưa hình thức. Để giữ sự sạch sẽ, gọn gàng trong văn phòng, sếp ra quy định cho nhân viên không được bỏ áo khoác và vắt lên ghế. Tất nhiên, công ty cũng chẳng có chỗ nào treo áo hay có ngăn kéo để nhân viên bỏ áo vào. Và vì thế lúc nào các nhân viên mẫn cán cũng phải mặc áo khoác chỉnh chu cho dù trời có nóng cỡ nào nếu không muốn bị mất 50.000 đồng tiền phạt.

Ảnh minh họa 

 Chưa hết, chẳng biết sếp nghĩ thế nào khi thấy nhân viên mình ngồi lâu lỡ vươn vai, ngáp vài cái thì cho đó rất mất "mỹ quan". Ông chẳng cần phải thông qua ai, lập tức ban ra lệnh cấm vươn vai, vi phạm phạt 50.000 đồng!
 
Nhân viên chỉ biết kêu trời, ai ngán ngẩm thì tìm cách "chuồn" sớm, ai không đi đâu được thì cố gắng nhớ quy định để cuối tháng không phải khóc vì lương đã hẻo lại còn gặp cái eo...

 Theo aFamily.vn

Bình luận
vtcnews.vn