Chiều 18/11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) đã khởi tố vụ án hành hạ người khác để điều tra vụ 2 thuyền viên bị một nhóm đồng nghiệp hành hạ khi đang đánh bắt hải sản ngoài biển.
Vụ việc xảy ra vào tháng 5, trên tàu cá biển kiểm soát BT 97993-TS của bà Phạm Thị Hà (64 tuổi, còn gọi là Năm Bộ, tạm trú tại khóm 3, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời).
Các nghi can vào đất liền sáng 19/11
Nói với Zing, ông Nguyễn Đồng Tình, Viện trưởng VKSND huyện Trần Văn Thời, cho biết quyết định khởi tố vụ án hành hạ người khác đã được cơ quan điều tra chuyển đến vào chiều cùng ngày. Còn các nghi can đang được tàu cá chở vào đất liền, dự kiến sáng 19/11 sẽ cập bến.
Cùng ngày, bà Võ Thị Lệ (66 tuổi, ngụ xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang) cho biết con trai bà là nạn nhân Trương Văn Trung (44 tuổi) đang được tàu chở vào cửa biển Sông Đốc. Theo bà Lệ, người môi giới đưa ông Trung đi biển đã thông báo với gia đình rằng tàu này vào đất liền sáng 19/11.
Nguồn tin của Zing cho biết cùng về đất liền với ông Trung còn có nạn nhân Lê Văn Bình (30 tuổi, ngụ huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang). Theo gia đình, 2 nạn nhân đã được chủ tàu cá BT 97993-TS bồi thường tổng cộng 200 triệu đồng, trong đó ông Trung nhận 150 triệu.
Theo Chủ tịch UBND xã An Minh Bắc Dương Thúy Hằng, người đầu mối đưa ông Trung đi biển nói rằng chủ tàu bồi thường 150 triệu đồng nhưng nạn nhân không nhận được.
“Họ nói rằng bạn anh Trung nhận tiền rồi mang đi đâu không rõ. Chúng tôi chờ anh Trung về và liên lạc với phía Sông Đốc để xác minh rõ vụ việc”, bà Hằng chia sẻ.
Chủ tàu cá không thường xuyên ở Cà Mau
Theo một cán bộ địa phương, con trai bà Phạm Thị Hà sang Sông Đốc lập nghiệp khoảng 10 năm trước. Người này là em của nghi can Nguyễn Công Toàn (còn gọi là To, 34 tuổi), có cửa hàng sửa chữa máy nổ.
Khoảng 5 năm trước, bà Hà cùng Toàn đến cửa hàng sửa chữa máy nổ để tạm trú. Họ sau đó có đôi tàu hành nghề cào đôi và Toàn làm thuyền trưởng tàu cá BT 97993-TS.
“Bà Hà và Toàn chỉ tạm trú, không thường xuyên ở Sông Đốc. Con trai bà Hà làm nghề sửa máy thì chấp hành tốt mọi chủ trương của địa phương, trước giờ không nghe điều tiếng gì”, cán bộ khóm 3 nói.
Còn theo lời kể của nạn nhân Trương Văn Trung thì tàu BT 97993-TS xuất bến tại cửa biển Sông Đốc vào giữa tháng 1/2022. Khoảng một tháng cùng thuyền trưởng và 5 đồng nghiệp lênh đênh trên biển, ông Trung bắt đầu bị Toàn chửi mắng, hành hung. Thuyền trưởng lấy lý do thuyền viên không biết làm rồi dùng cây cuốc cào cá để đánh ông Trung.
“Trong thời gian hoạt động trên biển, thuyền trưởng Toàn thường xuyên đánh tôi. Ngoài cuốc cào cá, Toàn còn đánh tôi bằng ống nước, lốp xe, dây kéo cào và dùng tay, chân đấm đá vào người tôi”, ông Trung kể.
Hai tuần trước khi ông Trung vào đất liền, người này bị thuyền trưởng đánh bằng cây gỗ và dùng chân đạp vào người. Sau 10 ngày bị đánh lần cuối, ông Trung thấy sức khỏe xuống cấp. Lúc này, Toàn đón tàu dịch vụ hậu cần mang số hiệu CM 92797 TS mang tên Hồng Cẩm để ông Trung vào đất liền điều trị.
Ngoài Nguyễn Công Toàn, cơ quan điều tra xác định thêm 2 nghi can là Nguyễn Văn Tỵ (34 tuổi) và Nguyễn Văn Hùng (38 tuổi). Tỵ ở ấp Trùm Thuật A, xã Khánh Hải; Hùng ở khóm 7, thị trấn Sông Đốc.
Theo luật sư Nguyễn Văn Đức, Phó văn phòng Luật sư Vạn Lý (TP Cần Thơ), hành vi của các nghi can trên tàu cá BT 97993-TS có dấu hiệu của tội Hành hạ người khác. Theo quy định của pháp luật, tội này không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại nên các cơ quan tiến hành tố tụng đã vào cuộc điều tra, khởi tố vụ án.
“Tội hành hạ người khác không cần bị hại yêu cầu, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải điều tra, khởi tố. Cơ quan điều tra phải sớm đưa các bị hại đi giám định tỷ lệ thương tích để làm căn cứ xử lý các nghi can theo quy định pháp luật”, vị luật sư nêu quan điểm.
Bình luận