Ngày 19/12, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an đã tống đạt các lệnh khởi tố bị can (cho tại ngoại), thi hành lệnh khám xét đối với 6 bị can nguyên là lãnh đạo của Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trust Bank).
Cụ thể các đối tượng bị khởi tố gồm: Lâm Hồng Trinh (50 tuổi, nguyên phó tổng giám đốc; Đỗ Hoàng Linh (nguyên phó tổng giám đốc); Ngô Trí Đức (43 tuổi, nguyên phó tổng giám đốc); Hồ Trọng Thắng (45 tuổi, nguyên trưởng phòng quản lý tín dụng); Trần Thị Hồng Phương (40 tuổi, nguyên giám đốc khối kế toán); Phạm Thị Quỳnh Ngân (37 tuổi, nguyên trưởng phòng pháp chế).
Các bị can này đều bị khởi tố về tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng được quy định tại điều 179 bộ luật Hình sự.
Theo cơ quan điều tra, các bị can này đều có liên quan đến vụ án Phạm Công Danh(nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB), tiền thân là ngân hàng Đại Tín. Ông Danh nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh gây thiệt hại cho VNCB trên 9.000 tỉ đồng.
Được biết 9/2012, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín, ông Danh nắm quyền kiểm soát, chi phối ngân hàng Đại Tín.
Với vị trí là Chủ tịch HĐQT, ông Danh đã tuyển chọn và đưa người của mình vào tiếp quản và điều hành mọi hoạt động của ngân hàng. Sau đó, chỉ đạo cấp dưới thực hiện lập các hồ sơ vay vốn khống rút tiền sử dụng.
Trước đó, trong tháng 11/2017, C46 tống đạt các lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với cựu lãnh đạo ngân hàng Đại Tín là ông Hoàng Văn Toàn nguyên Chủ tịch HĐQT Đại Tín, ông Trần Sơn Nam Tổng giám đốc Đại Tín, bà Ngô Kim Huệ nguyên Phó tổng giám đốc ngân hàng Đại Tín.
Trong số các bị can bị bắt vào tháng 11 vừa qua, có Ngô Kim Huệ, người đầu tiên ký hợp đồng kinh tế chuyển nhượng lại Trust Bank cho Hà Văn Thắm sau đó chuyển qua ông Phạm Công Danh.
Theo cáo buộc, năm 2012, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu và sát nhập các ngân hàng yếu kém. Muốn thâu tóm một số ngân hàng về Ocean Bank, ông Thắm gặp bà Hứa Thị Phấn (người nắm giữ hơn 84% cổ phần ngân hàng Đại Tín) đặt vấn đề chuyển giao ngân hàng này.
Ngày 23/2/2012, bà Phấn giao cho cháu là Ngô Kim Huệ, khi đó là thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc ngân hàng Đại Tín ký hợp đồng kinh tế với ông Thắm để bán gần 250 triệu cổ phần tương đương gần 85% vốn điều lệ của ngân hàng này với tổng giá trị ghi trong hợp đồng chỉ gần 4,5 tỷ đồng. Sau này đổi lại bà Phấn ký bán cho Phạm Công Danh.
Bằng nhiều thủ đoạn sai trái, bà Hứa thị Phấn cùng Ngô Kim Huệ và các ông Hoàng Văn Toàn, Trần Nam Sơn đã cấu kết rút ruột hàng ngàn tỉ đồng của ngân hàng Đại Tín. Đây chính là nguyên nhân khiến ngân hàng này âm vốn và buộc Ngân hàng Nhà nước phải vào mua với giá 0 đồng.
Video: Chân dung đại gia miền Tây, mắt xích quan trọng trong đại án Hà Văn Thắm
Bình luận