Cần phải mở rộng thêm vụ án
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (theo điều 165 bộ luật Hình sự) xảy ra tại công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX), công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC.KBC) và các đơn vị liên quan.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã ra các quyết định khởi tố 5 bị can, ra lệnh bắt tạm giam 4 bị can và lệnh khám xét đối với 5 bị can, gồm: Trần Trung Chí Hiếu (nguyên Chủ tịch HĐQT PVTEX), Vũ Đình Duy (nguyên Tổng giám đốc PVTEX), Vũ Phương Nam (Kế toán trưởng PVTEX), Đào Ngọ Hoàng (nguyên Trưởng phòng thương mại hợp đồng PVTEX), Đỗ Văn Hồng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty PVC.KBC).
Về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại điều 165 bộ luật Hình sự. Riêng bị can Đỗ Văn Hồng đã bị bắt tạm giam trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty PVC và PVC.KBC.
Trong số 5 đối tượng trên, đối tượng Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc PVTEX đã bỏ trốn ra nước ngoài trước đó. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang khẩn trương tiến hành điều tra triệt để, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương nhận xét việc khởi tố vụ án trên là “tất yếu” và “có lộ trình”, thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của Đảng cũng như sự nghiêm minh của pháp luật.
“Việc khởi tố là đúng người, đúng tội, là tất yếu thôi. Tôi thấy cơ quan chức năng đã làm rất đúng và có lộ trình. Những vụ án trên nếu xử lý nghiêm thì sẽ giúp lấy lại niềm tin của nhân dân vào Đảng”, ông Hương nhận xét.
Về việc Vũ Đình Duy đã bỏ trốn ra nước ngoài từ trước, ông Nguyễn Đình Hương cho rằng đây là “kẽ hở” trong công tác điều tra mà cơ quan chức năng cần sớm khắc phục.
“Tôi cho rằng khi cơ quan chức năng đã khởi tố thì điều đó thể hiện quyết tâm rất lớn rồi. Nên dù có bỏ trốn thì vẫn tìm ra thôi”, ông Hương nói.
Theo ông Hương, khởi tố vụ án Vũ Đình Duy cũng chỉ là “một mắt xích” của một vụ “đại án”, còn thực tế thì vụ án có thể có quy mô và phức tạp hơn nhiều.
Ông Hương nhấn mạnh: “Cái chính vẫn phải điều tra mở rộng. Phải quy được trách nhiệm của người đứng đầu, phải làm rõ những ai đã đề bạt, bao che sai phạm cho Vũ Đình Duy. Vì những sai phạm nghiêm trọng và kéo dài như thế thì người trực tiếp quản lý Vũ Đình Duy khi đó không thể không biết và không thể chối bỏ trách nhiệm”.
“Quan trọng là phải thu hồi được tài sản”
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên là Ủy viên BCH Trung ương, nguyên ĐBQH) cho biết ông đồng tình và ủng hộ cơ quan chức năng đã rất nghiêm khắc trong các vụ án tham nhũng nói trên.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định khởi tố của cơ quan chức năng khi khởi tố vụ án. Sai phạm nghiêm trọng và kéo dài như thế, gây bức xúc trong nhân dân lâu lắm rồi, khởi tố là đúng thôi. Nhưng mà để cho các đối tượng này bỏ trốn ra nước ngoài từ trước đó thì cơ quan điều tra cũng cần phải xem xét lại quy trình của mình, không thể để những “lỗ hổng” như thế được”, ông Thước nói.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, việc khởi tố hay kết án bỏ tù là cần thiết song chưa đủ, quan trọng vẫn là phải có biện pháp cụ thể để thu hồi lại những tài sản nhà nước đã bị thất thoát do các cá nhân trong vụ án gây ra.
Tướng Thước nhận xét: “Bắt bỏ tù thì đúng rồi. Vì anh làm sai, gây hậu quả nghiêm trọng như thế thì anh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Song thế vẫn chưa đủ. Điều quan trọng nhất lúc này là Đảng và cơ quan điều tra cần phải có những biện pháp cụ thể để thu hồi lại được số tài sản nhà nước đã bị những cá nhân này tham nhũng hoặc tẩu tán”.
Trong khi đó, theo Ban Nội chính Trung ương, việc tịch thu tài sản mà các cá nhân tham nhũng là vấn đề rất quan trọng, đòi hỏi phải có chế tài mạnh và có những biện pháp hiệu quả.
Tại Trung Quốc, việc tịch thu tài sản của các quan chức tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài đã được nước này thực hiện rất hiệu quả. Sau hơn 2 năm thực hiện chiến dịch tăng cường theo dõi và hồi hương tội phạm kinh tế tị nạn ở nước ngoài, đến nay, đã có 2.020 tội phạm kinh tế, trong đó có 342 cựu quan chức đã trở lại Trung Quốc từ hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ; 7,62 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,14 tỷ USD) tài sản trái phép đã bị tịch thu.
Bình luận