Sau khi VTC News đăng tải các thông tin liên quan đến sự việc về một kiều nữ cưỡng dâm hàng loạt lái xe taxi ở Hải Dương, chị Phạm Thị Thanh N. (sinh năm 1974, quê Hải Dương), nhân vật được cho là kiều nữ trong tin đồn cưỡng dâm hàng chục tài xế taxi đã gọi điện từ nước Mỹ phủ nhận thông tin trên và gọi đó là hành vi vu khống.
Để làm rõ hơn về tính pháp lý của vụ việc, chúng tôi xin được đăng tải bài viết của Luật sư Hoàng Cao Sang - Trưởng văn phòng luật sư Hoàng Việt Luật (TP.HCM):
Trách nhiệm chứng minh thuộc về ai?
Theo một số trang mạng, anh Q., anh H., anh N., anh T… cho rằng chị N. đã cưỡng dâm các tài xế taxi, còn chị N. khẳng định là không có chuyện đó, vậy giải quyết vấn đề này thế nào?Ảnh minh họa
Trong trường hợp này, chị N. có quyền yêu cầu những người tung tin đồn về chị chứng minh việc chị cưỡng dâm là có thật, bằng cách đưa ra các chứng cứ như băng ghi âm, ghi hình, tài liệu, đồ vật…
Nếu những người này không chứng minh được thì chị N. có quyền tố giác đến các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án… để được pháp luật bảo vệ.
Điều 7 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (BLTTHS) quy định: Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm đều bị xử lý theo pháp luật.
Điều 101 BLTTHS quy định: Công dân có quyền tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án…
Khi cơ quan có thẩm quyền nhấn thấy có dấu hiệu của tội phạm thì họ sẽ khởi tố vụ án, khởi tối bị can và tiến hành điều tra, xét xử theo quy định của pháp luật.
Những người tung tin đồn phạm tội gì?
Theo như báo chí nêu thì chưa thể xác định được là những người tung tin đồn này có cố tình bịa đặt, dựng chuyện về việc chị N. cưỡng dâm hay chỉ nghe kể lại rồi đi kể cho những người khác nghe để đăng tin trên báo.
Trong quá trình điều tra, nếu cơ quan chức năng xác minh được những người này cố tình bịa đặt, dựng chuyện rồi loan truyền cho những người khác thì phạm tội vu khống theo điều 122 Bộ Luật Hình Sự (BLHS).
Điều 122 BLHS quy định: Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị phạt tù.
Trong trường hợp những người này không cố tình bịa đặt, dựng chuyện mà chỉ nghe mang máng, không biết có hay không nhưng vẫn mang chuyện đó đi loan truyền xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của chị N. thì phạm vào tội làm nhục người khác.
Điều 121 BLHS quy định: Người nào xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt tù.
Như vậy, anh Q., anh H., anh N., anh T… mà không chứng minh được việc chị N. cưỡng dâm tài xế taxi là có thật, thì tùy từng trường hợp như đã nêu trên để xử lý hình sự.
Báo chí đăng bài sai sự thật xử lý thế nào?
Đối với những cơ quan báo chí đưa tin sai sự thật thì phải bồi thường thiệt hại, công khai xin lỗi chị N. và tùy theo mức độ mà có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền hoặc phải thu hồi các bài báo mà mình đã đăng không đúng sự thật về chị N..
Điều 28 Luật Báo chí quy định:
1- Cơ quan báo chí, tổ chức khác vi phạm về nội dung thông tin trên báo chí, về cải chính do thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống và các quy định khác của Luật này thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị cảnh cáo, phạt tiền, thu hồi, tịch thu ấn phẩm, băng, đĩa ghi âm, ghi hình, đình bản tạm thời hoặc thu hồi giấy phép theo quy định của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính.
Cơ quan báo chí, công dân thông tin gây thiệt hại cho tổ chức, công dân khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự.
2- Người chịu trách nhiệm chính về những hành vi quy định tại khoản 1 Điều này thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, đối với trường hợp phạm tội thuộc khoản 1 của tội làm nhục người khác và tội vu khống thì chỉ bị khởi tố khi nào có yêu cầu của chị N. Nếu chị N. có dấu hiệu của bệnh tâm thần (như một số báo đưa tin) thì ba hoặc mẹ của chị N. có quyền yêu cầu Cơ quan chức năng khởi tố vụ án.
Luật sư Hoàng Cao Sang
Bình luận