Mấy ngày qua, dư luận cả nước xôn xao trước thông tin Bộ Công an khởi tố hàng loạt các cán bộ, nguyên cán bộ lãnh đạo cấp cao. Những chức danh cùng tên tuổi của cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa hay Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM Trần Trọng Tuấn... xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông cho thấy sức "nóng" của các vụ án.
Trả lời VTC News về việc này, nguyên đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cho rằng việc khởi tố, bắt giam một loạt cán bộ, nguyên cán bộ lãnh đạo cao cấp thời gian qua một lần nữa khẳng định thái độ nhất quán, cương quyết của Đảng và Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng.
Công tác phòng, chống tham nhũng không loại trừ bất cứ đối tượng nào, cho dù là Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng hay Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương Đảng.
Theo ông Lê Như Tiến, việc một loạt cán bộ, nguyên cán bộ lãnh đạo cấp cao bị khởi tố vừa qua cũng cho thấy, cán bộ ở những vị trí cao, quyền hành lớn thì rất dễ có quyết định gây những hậu quả nghiêm trọng. Bởi, cán bộ ở cấp nhỏ thì quyền hành không lớn, sai phạm gây thất thoát cũng chỉ ở mức độ.
“Như trường hợp cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng có thể thấy rõ, sai phạm ở những dự án, đại dự án hàng chục nghìn tỷ đồng chứ không còn ít nữa. Rồi một loạt sai phạm khác trong chuỗi sai phạm ở Bộ Công Thương của ông Hoàng đều nghiêm trọng”, ông Tiến nói.
Vì vậy, ông Tiến cho rằng cán bộ càng cao, thì phải luôn luôn ý thức được việc của mình làm, xem xét mình thường xuyên và cân nhắc vì lợi ích của Nhân dân, vì lợi ích của đất nước, chứ không phải vì lợi ích nhóm hay lợi ích cá nhân.
Rất nhiều các cơ quan giám sát, kiểm tra, thanh tra nhưng vẫn để lọt vi phạm hết năm này đến năm khác.
Ông Lê Như Tiến
Ông Lê Như Tiến cũng nhấn mạnh, việc một số cán bộ về hưu lâu năm mới bị phanh phui sai phạm cho thấy các cơ quan quản lý, các cơ quan thanh tra kiểm tra chưa làm tốt nhất công việc của mình.
“Rất nhiều các cơ quan giám sát, kiểm tra, thanh tra nhưng vẫn để lọt hết năm này đến năm khác.
Bây giờ nhìn lại thấy những vụ quá lớn như vụ 12 đại dự án, mỗi dự án hàng chục nghìn tỷ đồng nằm đắp chiếu, lãng phí bao nhiều tiền bạc của Nhà nước, của Nhân dân.
Chúng ta thấy giá như khâu kiểm tra, thanh tra phát hiện sớm hơn, giá như cơ quan cấp trên của ông ta có những sự xem xét và xử lý sớm hơn thì không đến nỗi để đến bây giờ mới xử lý”, ông Tiến nói.
Nhắc đến việc đi công tác nước ngoài của ông Vũ Huy Hoàng thời kỳ làm Bộ trưởng Công thương, ông Tiến cho rằng, đây cũng có thể coi là biểu hiện lợi dụng chức vụ quyền hạn, tuy có nhiều chuyến đi công tác chính đáng nhưng rất nhiều chuyến đi thực chất chỉ là nghỉ ngơi, du lịch trá hình.
“Một Bộ trưởng mà đến hơn nửa thời gian trong 1 năm đi công tác và ở nước ngoài thì rõ ràng không còn thời gian đâu nữa để nghiên cứu và quán xuyến, quản lý công việc của bộ, ngành mình”, ông Tiến nói.
Khẳng định sự nghiêm minh của pháp luật, ông Tiến cho rằng, rõ ràng bây giờ không còn khái niệm “hạ cánh an toàn” nữa, nguyên Bộ trưởng, nguyên Thứ trưởng cũng đều bị xử lý rất nghiêm khắc, không phải nghỉ hưu thì đã là an toàn.
“Và tôi cũng hy vọng các cơ quan bảo về pháp luật như điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án phối hợp chặt chẽ để các vụ án nhanh chóng được đưa ra xử lý thật nghiệm, bảo đảm tính nghiêm mình của pháp luật và răn đe những kẻ khác”, ông Tiến nói thêm.
Đồng quan điểm với nguyên ĐBQH Lê Như Tiến, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 cho rằng, cuộc đấu tranh làm trong sạch Đảng đang ngày càng đi đến đỉnh cao hơn, quyết liệt hơn, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước.
Những trường hợp cán bộ cấp cao đang còn đương chức hay những trường hợp đã nghỉ hưu, nếu có sai phạm cũng đều được đưa ra xem xét một cách cụ thể.
Theo tướng Thước, điều này thể hiện rõ việc không có vùng cấm trong xử lý cán bộ có vi phạm, không còn chuyện hạ cánh an toàn, miễn nhiệm trách nhiệm khi đã về hưu, có hạ cánh rồi nhưng cũng không thể an toàn nếu có sai phạm.
“Đó là một trong những biện pháp chủ động và tích cực để răn đe, phòng ngừa, chấn chỉnh những người đang còn đương chức, đương quyền không phạm vào các sai lầm, các vi phạm.
Việc ngăn ngừa có ý nghĩa rất lớn, có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều. Khi đã có sai phạm xảy ra rồi thì đương nhiên phải xử lý”, tướng Thước nói.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bày tỏ mong muốn việc xử lý trách nhiệm trong các cán bộ sai phạm phải thể hiện sự nghiêm minh, đúng người, đúng việc, đúng với tinh thần xử lý vi phạm không có vùng cấm trong Đảng.
Video: Gây thất thoát, lãng phí đất công, Phó Chủ tịch TP.HCM bị khởi tố
Bình luận