(VTC News) - Công an huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Xuân Thắng trong vụ hành hung phóng viên trước mặt chủ tịch xã.
Chiều 7/12, Công an huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước cho biết đã khởi tố bị can, đồng thời thực hiện lệnh bắt tạm giam 2 tháng đối với Nguyễn Xuân Thắng (SN 1971, nhân viên Y tế học đường trường Tiểu học Thiện Hưng A, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) về hành vi “hủy hoại tài sản”.
Nạn nhân là phóng viên Bùi Hồng Điệp (SN 1978, phóng viên chuyên đề Tuổi trẻ và Đời sống thuộc Báo Tuổi trẻ Thủ Đô). Tài sản mà ông Thắng hủy hoại là chiếc ĐTDĐ Sony Xperia C1905 (trị giá khoảng 6 triệu đồng) của anh.
Nguyễn Xuân Thắng - nhân viên y tế học đường Trường TH Thiện Hưng A, bị bắt về hành vi 'hủy hoại tài sản' của phóng viên Hồng Điệp |
Trước đó, vào chiều 19/11, phóng viên Hồng Điệp đến Trường Tiểu học Thiện Hưng A để xác minh đơn tố cáo bà Nguyễn Thị Hồng Bốn (vợ Thắng) là hiệu trưởng trường liên quan đến tiêu cực. Lần thứ nhất, bà Bốn từ chối tiếp phóng viên, anh Điệp ra về. Nhưng sau đó theo yêu cầu của bà Bốn, anh Điệp quay lại trường.
Lúc này, anh Điệp bất ngờ bị ông Phạm Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Thiện Hưng, lớn tiếng, hạch sách "tại sao đến đây mà không xin phép lãnh đạo địa phương", rồi tịch thu giấy giới thiệu liên hệ công tác của phóng viên Hồng Điệp.
Cùng lúc, Thắng và Phạm Như Ý (bảo vệ nhà trường) lao vào hành hung phóng viên. Cả nhóm đánh hội đồng phóng viên Hồng Điệp xong, Thắng giật ĐTDĐ của anh Điệp và đập xuống nền xi măng rồi dùng chân giẫm cho đến khi vỡ tan.
Về việc xuất hiện tờ rơi tố cáo bà Bốn tiêu cực, ông Hà Anh Dũng - Bí thư Huyện ủy Bù Đốp, xác nhận là có. Lãnh đạo Huyện ủy đã chỉ đạo Ủy ban kiểm tra xác minh làm rõ. Huyện ủy sẽ căn cứ báo cáo để xử lý chính xác những vấn đề nêu trong đơn tố cáo.
Trường Tiểu học Thiện Hưng A nơi xảy ra vụ hành hung phóng viên |
Luật sư Ngô Việt Bắc, Trưởng văn phòng Luật sư Sài Gòn–Tây Nguyên thuộc Đoàn Luật sư TP. HCM, phân tích: “Luật Báo chí quy định: Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động.
Điều 15 Luật Báo chí cũng quy định quyền, nghĩa vụ của nhà báo: Có quyền và nghĩa vụ thông tin trung thực, phản ánh ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, góp phần thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Nhà báo có quyền hoạt động báo chí trên lãnh thổ Nước CHXHCN Việt Nam.
Điều 15 Luật Báo chí cũng quy định quyền, nghĩa vụ của nhà báo: Có quyền và nghĩa vụ thông tin trung thực, phản ánh ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, góp phần thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Nhà báo có quyền hoạt động báo chí trên lãnh thổ Nước CHXHCN Việt Nam.
Như vậy việc phóng viên Hồng Điệp tác nghiệp báo chí là thực hiện đúng các quy định của Luật Báo chí cho phép. Việc cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam Thắng đã được thực hiện. Nếu trong quá trình điều tra, phát hiện bà Nguyễn Thị Hồng Bốn là chủ mưu trong vụ này thì bà Bốn sẽ phải chịu mức hình phạt theo khoản 2, điều 143 Bộ Luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2010”.
Giấy ra viện của PV Hồng Điệp sau khi bị đánh hội đồng |
Cũng theo luật sư Bắc, đối với ông Phạm Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã, đã có hành vi thu giữ giấy giới thiệu công tác của phóng viên nên cũng phải bị phạt từ 20-30 triệu đồng vì “Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên”, được quy định tại điểm C, khoản 3, điều 7 của Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về việc “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản”.
Phan Tử Long
Bình luận